Độc đáo lễ hội rước nước truyền thống ở Khoái Châu - Hưng Yên

Lễ hội rước nước truyền thống ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được tổ chức vào ngày 21/12 âm lịch hàng năm, Lễ hội diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc.

Sáng 26/1 tức ngày 21/12 âm lịch, xã Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) đã tổ chức lễ hội rước nước sông Hồng truyền thống. Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương về tham dự.

Lễ hội rước nước năm nay được tổ chức trong không khí vui tươi náo nhiệt với quy mô lớn hơn những năm trước. thời tiết khô ráo thuận lợi nên người tham gia lễ hội rất đông, ai cũng háo hức cầu mong những điều tốt đẹp.

Đúng 8h sáng, nghi Lễ rước nước chính thức được bắt đầu.

Đúng 8h sáng, nghi Lễ rước nước chính thức được bắt đầu.

Đây là lễ hội truyền thống của người dân xã Tân Châu, hàng năm cứ vào ngày 21/12 âm lịch lại diễn ra. Lễ hội rước nước sông Hồng thể hiện mơ ước của người dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, một cuộc sống ấm no hạnh phúc đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đã hơn nửa thế kỷ tham gia Lễ rước nước của người dân thôn Kiến Châu, xã Tân Châu, cụ Nguyễn Văn Riệu (90 tuổi) tâm sự: “Tôi cũng không nhớ lễ rước nước có từ bao giờ, chỉ nhớ từ lúc 19, 20 đã tham gia vào quân cờ, quân kiệu, và cứ vào 21/12 người dân khu vực ven sông Hồng nói chung và người dân làng Kiến Châu nói riêng lại nô nức tiến hành nghi thức rước nước với ước muốn cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn. Vào dịp lễ, người dân sẽ rước nước ngoài sông Hồng mang vào đình tắm Thánh, gột rửa bụi trần và tỏ lòng thành kính đến các vị thần, người đã có công với dân làng trong đánh giặc giữ nước.

Việc lấy nước của người dân ven sông hầu hết được bắt đầu bằng hành trình rước một chiếc chóe lớn từ đình, chùa ra sông và những chiếc thuyền đã được trang trí cờ hội. Sau đó thực hiện nghi lễ “độ hà” xin phép thần sông, hà bá được lấy nước, chiếc thuyền chính trong đoàn sẽ chọn dòng nước hai nơi trong sạch, tinh khiết nhất giữa sông Hồng để lấy.

Trong khi người chủ lễ, đại diện cho dân làng dùng chiếc gáo có cán dài múc từng gáo nước dưới sông đổ vào chóe cho đầy, các thanh niên và nhân dân trên thuyền, trên bờ reo hò, cầu nguyện cho một năm may mắn thuận hòa.

Anh Nguyễn Văn Núi, thôn Kiến Châu, xã Tân Châu cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ ngày 21/12 âm lịch, gia đình tôi lại về quê tham dự Lễ rước nước. Trở về đây, không chỉ được tận tay tham gia nghi thức lấy nước trên sông mà còn gặp gỡ, giao lưu và nhận được nhiều tình cảm ấm áp, sẻ chia chút lộc may mắn của tất cả mọi người…”

Là du khách thập phương về dự lễ hội tại đình Kiến Châu, chị Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) cho biết: "Về đây không chỉ được hòa mình trong không khí đặc sắc của Lễ rước nước của cư dân ven sông Hồng, mà tôi còn nhận được những tình cảm chân thành, mến khách của người dân địa phương".

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Mạo, phó chủ tịch UBND xã Tân Châu, trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ rước nước của người dân ven sông Hồng là nghi lễ dân gian truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ các vị thần là những người có công với dân làng. Nghi lễ được người dân nơi đây kế thừa, duy trì, giữ gìn.

Lễ hội rước nước hàng năm không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia, mà cả du khách thập phương về tụ hội. Cứ 5 năm một lần, Lễ rước nước trên sông Hồng sẽ được người dân các địa phương tổ chức quy mô lớn hơn, ai có về với vùng đất bãi ven sông Hồng sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của Lễ rước nước và cảm nhận được niềm vui, sự kỳ vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu hiện diện rõ trên khuôn mặt của những người dân nơi đây.

Một số hình ảnh trong lễ hội rước nước tại xã Tân Châu:

Quân cờ, quân kiệu bắt đầu di chuyển ra sông Hồng lấy nước.

Hầu hết những thanh niên trong đội quân cờ, quân kiệu đều là những thanh niên khỏe mạnh.

Đoàn rước kiệu cứ đi qua ngã tư, ngã ba là các thanh niên lại thể hiện tiết mục quay kiệu và được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân đứng xem.

Mặc dù sau khi quay kiệu xong những thanh niên khỏe mạnh nhất của làng cũng thấm mệt nhưng ai cũng đều cảm thấy rất vui.

Anh Trần Văn Nhất cho biết, năm nào cũng tham gia vào chân chạy rồng, mặc dù đây là thời điểm cuối năm công việc rất bận nhưng đã gác lại hết để trở về quê hương tham gia lễ hội.

Mặc dù việc chạy rồng khá mệt, nhưng mọi người ai cũng cảm thấy hào hứng.

Khoảng 9h sáng tại khu vực gần bến đò Tân Châu, người dân nô nức đến xem đông nghịt, không còn một chỗ trống.

Lễ hội diễn ra đúng vào dịp cuối tuần, thuận tiện cho người lao động, các bạn sinh viên có thể trở về quê hương để theo dõi.

Nguyễn Long - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/doc-dao-le-hoi-ruoc-nuoc-truyen-thong-o-khoai-chau-hung-yen-60016-13.html