Độc đáo Lễ hội Minh Thề, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 1-3 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch) tới đây, tại chùa, đình làng Thiên Phúc, làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ công bố quyết định công nhận Lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội làng độc đáo 'bậc nhất vô nhị' trong cả nước, có từ thế kỷ XV.

Xã Thuận Thiên là địa phương có sắc thái văn hóa riêng và rất phong phú trong vùng, được biểu hiện qua các tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động lễ hội đình chùa... Những tập tục truyền thống tốt đẹp từ lâu đời luôn được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy, trong đó tiêu biểu là Lễ hội Minh Thề.

Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, năm 2003, Lễ hội Minh Thề được chính quyền địa phương và người dân địa phương khôi phục lại, giữ nguyên được giá trị văn hóa. Nhiều năm trở lại đây, hội làng mỗi năm lại thu hút thêm đông đảo người dân, du khách thập phương và cũng được chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt hơn.

Hình ảnh tại Lễ hội Minh Thề năm 2017.

Tại Lễ hội Minh Thề, ban thờ được sắp đặt đơn giản, nổi bật là chiếc mũ quan đặt trang trọng lên chính diện ban thờ. Những người có chức sắc trong làng tương ứng với các chức Lý trưởng, Phó lý... thời xưa sẽ tham gia thề nguyện.

Một con dao nhọn sắc, một con gà trống thiêng và một bình rượu được đặt ngay dưới ban thờ chuẩn bị cho nghi lễ. Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh gọn, từ động tác đi lại của đội lễ đến các phần dâng lễ hay nghi thức đều được tối giản theo mong muốn tiết kiệm, hiệu quả nhưng không kém phần trang nghiêm.

Phần nghi lễ cắt tiết gà hòa rượu ăn thề là phần quan trọng nhất. Sau nghi lễ tế thần, vị địa diện tư văn sẽ dõng dạc đọc “Miêng thệ”: ...“Dĩ công vi công, thần linh ủng hộ. Dĩ công vi tư, thần linh đả tử” (Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ai dùng của công vào việc riêng xin thần linh trừng phạt) y như lời thề. Mọi người tham dự cùng hô vang “y như miêng thệ”. Sau khi các vị chức sắc trong làng uống rượu thề xong, những người tham gia chứng kiến cũng sẽ uống rượu thề.

Theo sử sách ghi lại, Lễ hội Minh Thề (hay còn gọi là Miêng Thệ) có từ năm 1561 khi Thái Hoàng Thái hậu họ Vũ (vợ Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật.

Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước.

Trong thời gian xây dựng, ngoài diện tích xây chùa, một phần diện tích ruộng vườn được chia cho những người trông chùa canh tác, diện tích còn lại được cho cấy khoán. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo trong vùng. Số lương thực dư thừa hàng năm được tích trữ lại bằng thóc, giao cho người có chức sắc trong làng giữ.

Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái hậu cùng với dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh Thề. Theo đó, đối tượng cụ thể là những người đứng đầu trong làng (Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần).

Người từ 18 tuổi trở lên trong làng đều tham gia cùng uống rượu tuyên thệ trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân và du khách thập phương, các vị bô lão và nhiều người dân trong làng thề trước các vị thần linh nếu lấy của công phục vụ việc công thì được thần linh ghi nhận, nhược bằng tham công lấy của công làm của tư thì nguyện cầu bị chư thần linh trị tội.

Từ các cụ già đến người trẻ phải dạy bảo con cháu không được tham nhũng, nếu không nguyện cầu bị chư thần linh trị tội. Những ai trong làng bao che tội phạm, chứa chấp của gian tà cũng sẽ bị thần linh trừng phạt...

Ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên cho biết, năm nay là năm thứ 16 kể từ khi lễ hội được khôi phục và vinh dự được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Tuy nhiên do là lễ hội của làng nên năm nay cũng chỉ có Trưởng, phó thôn, các cụ bô lão và nhân dân thề “không tham nhũng” theo đúng nghi lễ của lễ hội. Các đại biểu là lãnh đạo cao hơn chỉ đến dự chứ chưa mở rộng thành phần để thề...

Đây là lễ hội góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, nhấn mạnh triết lý làm quan là nô bộc của dân, liêm khiết, công tâm, điều mà hiện nay Đảng ta đang vô cùng chú trọng.

Đông đảo người dân đều có chung một mong muốn, lễ hội sẽ có sự tham dự của các vị lãnh đạo thành phố về cùng uống chung với nhân dân chén rượu thiêng và cùng cất vang lời thề “chí công vô tư”- nguyện không tham nhũng...

Văn Thịnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/doc-dao-le-hoi-minh-the-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-479518/