Độc đáo lễ cúng Cầu Bông của làng rau 500 tuổi Trà Quế

Đến hẹn lại lên, ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, bà con thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà tổ chức lễ cúng Cầu Bông, đồng thời là lễ hạ nêu, cho một năm bình an cho dân làng và bắt đầu cho một vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, rau xanh lá tốt, cây cối đơm bông kết quả.

Lễ cúng diễn ra vào lúc buổi sáng, với sự tham gia của đông đảo bà con địa phương và du khách. Đúng 7h, già trẻ, gái trai ở cả 2 làng Đông - Tây tụ hội về đình làng, nhà thờ Đình Tiền Hiền để nghinh. Cờ, kiệu hoa quả tươi, lư hương và án thờ được bốn chàng trai làng vận lễ phục khiêng đi.

Trước đoàn rước là hai hàng cờ, biển, theo sau kiệu thần là trống chiêng, đồ gia lễ, đội nhạc cổ và các nghệ nhân, các bô lão trong sắc phục áo dài, khăn đóng diễu qua các ngõ làng, thôn xóm. Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng lễ vật gồm: Mâm xôi màu hồng, con gà trống, hương đèn, hoa quả, trà rượu, vàng mã,…

 Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng lễ vật

Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng lễ vật

Các bô lão tiến hành lễ cúng đất và cúng âm linh theo nghi thức truyền thống. Bàn thờ cúng đất đặt trước và đối diện với bàn cúng chính, trên bàn bày hoa quả, gạo muối, thịt heo, áo giấy và văn tế âm linh…

Khi cúng vái, ngoài phần giới thiệu tên đất tên làng, lễ vật dâng lên, người ta thường vái Thần Nông, Thành Hoàng Bổn Xứ của xứ đất Trà Quế và những bậc lão làng của nghề trồng rau đã quá cố.

Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống miệng ngậm hoa.

Không chỉ tập trung cúng tế tại đình, cả làng, nhà nào cũng sắm một mâm lễ vật để cầu bông. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, 5 đĩa xôi hồng cắm 5 cái bông rực rỡ và 1 ly rượu trắng.

Sau lễ cúng, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa dân gian,… mở màn là hội thi cuốc đất trồng rau. Xóm trên, làng dưới chọn những nông dân giỏi để thi thố kỹ thuật cuốc đất, vun luống, chăm tỉa và trồng các loại rau thơm. Xóm nào đoạt giải sẽ được bà con đãi đằng, tiệc tùng linh đình.

Trước khi đi vào lễ chính, dân làng có tổ chức múa lân, rồng, nhằm tạo nên một không khí trang trọng, linh đình cho lễ cúng đầu năm.

Nhiều du khách nước ngoài cùng tham gia hoạt động văn hóa dân gian, cuốc đất, trồng rau,... cùng người nông dân.

Ngoài ra, đến với làng rau Trà Quế ngày lễ cúng cầu bông, du khách còn được thưởng thức màn thi, trình diễn các công đoạn sản xuất rau, thi vớt rong, làm đất, gieo trồng, thi ẩm thực qua chế biến món tôm hữu, một món ăn đặc sản được làm từ tôm, hành, rau húng… và cùng nhau thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng xứ Quảng.

Ẩm thực phong phú, đa dạng xứ Quảng.

Các em nhỏ cũng hứng thú với hoạt động dân gian tại lễ hội

Làng rau Trà Quế nổi tiếng ở thị trường các tỉnh miền Trung với nhiều loại rau thơm, ngon, giòn và người trồng rau không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học... mà dùng những cây rong vớt từ sông Đế Võng ven làng để ủ làm phân hữu cơ bón cho rau, giữ cho nguồn đất, nguồn nước được sạch, bền vững, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất.

Lễ Cầu Bông truyền thống hơn 500 năm gằn liền với sự phát triển của làng nghề Trà Quế đã trở thành một hoạt động độc đáo thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn…

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/the-thao-giai-tri/thuong-hieu-du-lich/doc-dao-le-cung-cau-bong-cua-lang-rau-500-tuoi-tra-que-65203.html