Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao

Thanh niên trưởng thành, lập gia đình riêng, thậm chí là có con, nhưng chưa làm lễ cấp sắc thì vẫn bị coi là 'trẻ con'.

Nét văn hóa độc đáo bao đời nay hiện vẫn còn được lưu giữ, truyền tụng trong cộng đồng người dân tộc Dao tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Vợ chồng… trẻ con

Nằm dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì, huyện Ba Vì là nơi sinh sống tập trung của 95% đồng bào dân tộc Dao của Thủ đô. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của TP, những năm qua, đời sống của người Dao nơi đây đã đổi thay tích cực. Không chỉ vậy, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vẫn được gìn giữ như một “báu vật”, trong đó, phải kể tới lễ cấp sắc.

Một nghi thức trong lễ cấp sắc cho anh Triệu Tiến Long. Ảnh: Trọng Tùng

Một nghi thức trong lễ cấp sắc cho anh Triệu Tiến Long. Ảnh: Trọng Tùng

Một sớm đầu tháng 3 này, chúng tôi tìm về với bản người Dao ở xã Ba Vì. Những ngày qua, gia đình anh Triệu Tiến Long, ở thôn Yên Sơn tất bật chuẩn bị để anh làm “lễ trưởng thành” (ý nghĩa của tục cấp sắc). Khá thú vị nếu biết rằng, anh Long năm nay đã… 38 tuổi, có 1 vợ và 2 người con. Dù sắp bước sang tuổi tứ tuần nhưng do chưa làm lễ trưởng thành, nên anh Long và người vợ vẫn bị coi là “trẻ con”.

Sở dĩ cho tới trung niên, anh Long mới tổ chức lễ cấp sắc là bởi điều kiện kinh tế chưa cho phép. Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình anh phải chuẩn bị một lượng lương thực, thực phẩm lớn để làm hàng chục mâm “cỗ lá” mời người thân, bạn bè, xóm giềng. Tính riêng thịt lợn, gia đình anh phải chuẩn bị tới… 10 con.

Hơn 7 giờ sáng, hàng chục người thân, bạn bè, xóm giềng đã tề tựu tại ngôi nhà tổ để tham gia lễ cấp sắc cho anh Long. Nhà thờ tổ cũng là nơi duy nhất trong gia đình, dòng họ được phép tổ chức nghi lễ cấp sắc (cùng với một số phong tục, tập quán truyền thống khác của người Dao như Tả Mạ, Tết Nhảy, lễ Tạ ơn…).

Nghi lễ treo tranh và gói bánh tế lễ là hai trong số những nghi thức quan trọng nhất tại lễ cấp sắc. Theo đó, 24 bức tranh với hình thù độc đáo được treo khắp những bức tường trong ngôi nhà tổ. Món bánh được sử dụng để cung tiến tại lễ cấp sắc có tên “pêu dửa chăng” (phiên âm cách đọc, viết bằng chữ Nôm – PV). Món bánh được làm bằng gạo nếp thơm dẻo, cuộn tròn trong lá chuối tươi xanh. Điểm đặc biệt là chỉ những người có gia đình sung túc, có nhân cách tốt, sống thuận hòa với xóm giềng… mới được tham gia treo tranh, gói bánh trong buổi lễ.

Bắt đầu từ lúc mặt trời lên cao, lễ cấp sắc sẽ trải qua hàng chục nghi thức. Trong suốt quá trình làm lễ, người được cấp sắc hầu như phải ở trong nhà tổ. Sau hơn 20 giờ đồng hồ, đến khoảng 7 giờ sáng ngày kế tiếp, nghi lễ kết thúc, anh Long mới được coi là “người trưởng thành” với pháp danh: Xiệu (tức “Thọ”).

Nghi lễ đổi thay tiến bộ

So với nhiều năm về trước, lễ cấp sắc của cộng đồng người dân tộc Dao tại huyện Ba Vì đã được cải tiến theo hướng ngày một thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn cho người được cấp sắc. Theo ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn, cũng là một trong những thầy cúng rất được trọng vọng cho biết, số lượng nghi thức cần thực hiện trong lễ cấp sắc ngày nay đã giảm khoảng 30%. Nếu trong gia đình có nhiều anh em, thì thời gian thực hiện lễ cấp sắc cũng được tiết giảm dần, thay vì 2 ngày 2 đêm sẽ chỉ còn khoảng 1 ngày 1 đêm, như trường hợp của anh Triệu Tiến Long.

Người thân chuẩn bị trang phục làm lễ cấp sắc cho anh Triệu Tiến Long.

Ông Triệu Tiến Nhàn, năm nay 50 tuổi cho biết, để thực hiện lễ cấp sắc, gia chủ thường phải tích cóp khoản tiền ít nhất 30 triệu đồng. Nơi miền sơn cước, kinh tế hộ nhỏ lẻ và phụ thuộc chủ yếu vào canh tác nương rẫy nên đó là khoản tiền lớn. Cũng bởi lý do trên mà hầu hết thanh niên được cấp sắc đều có tuổi đời khá cao. Như trường hợp của anh Nhàn, mãi tới năm 40 tuổi, anh mới có điều kiện làm lễ cấp sắc, để chính thức được là “người trưởng thành”.

Theo thông lệ, sau khi làm lễ cấp sắc, những người trưởng thành sẽ có một pháp danh (hay còn gọi là “tên âm”), và 1 dấu ấn riêng trong gia phả. Ông Lý Văn Phủ cho biết, nếu không làm lễ trưởng thành, người con trai sẽ mãi mãi phải “ngồi mâm dưới”. Đặc biệt là khi mất đi, sẽ không được thờ cúng, không được ghi vào gia phả, cũng như không được các thế hệ cháu con nhắc nhớ mãi về sau.

Ý nghĩa sâu xa trên có thể khiến không ít người cảm thấy băn khoăn về sự “nặng nề” của lễ cấp sắc. Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực, đó cũng là nguồn động lực lớn lao để lớp lớp thanh niên người dân tộc Dao nơi đây nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Được là “người trưởng thành” bởi vậy không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, mà còn là niềm tự hào lớn đối với bất cứ người đàn ông nào.

Bên cạnh điều kiện cần là có kinh tế ổn định, một trong những điều kiện đủ cần phải có trước đây là người thanh niên phải có gia đình riêng. Dù vậy, quy định này đến nay đã linh hoạt hơn. Đối với những người quyết định lựa chọn cho mình cuộc sống độc thân, họ vẫn có thể xin thánh thần, tổ tiên cho phép làm lễ cấp sắc, để có được một pháp danh sau khi qua đời. Đây được xem là sự thay đổi theo hướng tiến bộ và giàu tính nhân văn của đồng bào dân tộc Dao đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô.

Nỗi lo phai nhạt bản sắc

29 tuổi, ông Triệu Văn Hào ở thôn Hợp Sơn, bắt đầu trở thành thầy cúng trong lễ cấp sắc. Đến nay, ở tuổi 60, ông Hào đã giúp cho gần 100 thanh niên dân tộc Dao ở xã Ba Vì được là “người trưởng thành”. Dẫu vậy, những thầy cúng như ông Hào chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang ngày một ít hơn.

Để có thể ngồi trang trọng tại vị trí của một thầy cúng, những người như ông Hào phải am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Dao. Họ còn phải biết đọc, biết viết chữ viết cổ của người Dao. Đồng thời, phải có một “lý lịch đẹp”, một gia đình sung túc, thuận hòa và được người dân tin yêu, kính trọng.

Trong số những điều kiện kể trên, rào cản lớn nhất hiện nay cũng chính là nguyên nhân cho việc suy giảm số lượng thầy cúng là nhiều người không biết đọc, biết viết chữ viết cổ của người Dao. “Thực tế, việc học chữ viết cổ này không khó, nhưng nhiều người trẻ hiện nay không mấy mặn mà, bởi học xong… không biết sử dụng để làm gì” – ông Hào bộc bạch.

Việc ngày càng khan hiếm khiến những thầy cúng được đồng bào dân tộc Dao hết sức trọng vọng. Và một điều đáng mừng hiện nay là vẫn còn những người trẻ muốn gắn bó với nghề thầy cúng, hoặc coi đó như một nghề tay trái để mưu sinh. Anh Lý Sinh Kiên (sinh năm 1984) ở thôn Hợp Nhất là một trong số đó. Anh Kiên là thầy cúng trẻ nhất hiện nay ở xã Ba Vì. Tuy nhiên, anh cũng chỉ làm thầy cúng theo thời vụ. Trong khi, công việc chính hàng ngày của anh là đi làm… thợ xây.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, TP Hà Nội, huyện Ba Vì đã xây dựng và tích cực triển khai Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Nhiều di sản quý giá của nơi đây đã và đang được bảo tồn hiệu quả nhờ đề án trên. Tuy nhiên, hạng mục chữ viết cổ thì chưa được quan tâm đúng mức. Sự mai một của ngôn ngữ tượng hình này làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt những thầy cúng trong tương lai. Và nỗi lo phai nhạt bản sắc những lễ trưởng thành của người Dao cũng đang hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết.q

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doc-dao-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-337814.html