Độc đáo làng nghề làm hương truyền thống Phia Thắp, Cao Bằng

Mùi thơm thoang thoảng từ những bó hương phơi đầy hai bên đường khiến ai đi qua đây cũng phải ghé vào thăm ngôi làng làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Phia Thắp là ngôi làng cổ của dân tộc Nùng An có nghề làm hương truyền thống đã nổi tiếng khắp tỉnh Cao Bằng.

Ngôi làng lưu giữ giá trị truyền thống

Làng nghề làm hương Phia Thắp, xã Quốc Toản, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống cả trăm năm nay. Ở Cao Bằng hiện nay, những ngôi làng làm nghề làm dao, giấy... phần lớn đã mai một vì cạnh tranh thị trường quá khắc nghiệt thì tại Phia Thắp nghề làm hương vẫn được người Nùng An duy trì.

Toàn cảnh làng Phia Thắp nhìn từ trên cao.

Toàn cảnh làng Phia Thắp nhìn từ trên cao.

Đặc biệt dù cho có công nghệ hiện đại nhưng người dân nơi đây vẫn chỉ sử dụng phương pháp làm hương truyền thống của tổ tiên để lại. Để lưu giữ được nghề làm hương truyền thống chắc chắn không thể thiếu được thế hệ thanh niên trong làng. Họ đang ngày cố gắng lao động duy trì nghề làm hương truyền thông có “một không hai” tại Cao Bằng này.

Tại Phia Thắp có 53 hộ gia đình thì cả 53 hộ đều làm hương theo phương pháp truyền thống của tổ tiên để lại . Gia đình Bà Nông Thị Tình (SN 1953) là một gia đình người Nùng An đang sinh sống tại Phia Thắp, ngoài làm nông nghiệp ra thì tất cả các hộ gia đình trong làng đều theo nghề làm hương của tổ tiên để lại.

“Hương là một sản phẩm kết nối những người còn sống đến với tổ tiên những người ở cõi âm đến với nhau, bởi thế những con cháu muốn học nghề trước hết phải có một cái tâm sạch và thành kính”, bà Tình chia sẻ.

Con đường chính bước vào được người dân tận dụng phơi hương

Các công đoạn làm hương đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không được phép cẩu thả, làm gian dối, kém chất lượng. Làm hương có nhiều công đoạn rất phức tạp. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa, các loại cây tạo mùi như nghiến đỏ, cây thung.. và đặc biệt là lá cây Bầu Hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.

Độc đáo và khác lạ

Để có được những bó hương phơi đầy khắp ngoài đường thì cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những que làm từ cây mai được các thanh niên, người có kinh nghiệm trong làng đích thân đi chọn. Cây mai tốt mọc sâu trong rừng và chỉ có duy nhất mai ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đốt cháy mới có tàn cong.

Sau đó mai được những bàn tay khéo léo của các cô, bà chẻ nhỏ bằng tay rồi đem ra phơi cho khô hết nước. Nguyên liệu quan trọng nhất là lá cây “Bầu Hắt” được người dân đi vào rừng để tìm, vì theo họ cây có thể trồng được nhưng chăm sóc thế nào đi nữa thì lá cây không bao giờ có mùi hương như lá cây ngoài tự nhiên.

Các công đoạn làm hương được những bàn tay khéo léo thực hiện.

“Bầu Hắt” sau khi hái về phơi khô sau đó được nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa, mùn cưa thì dễ hơn nhưng không phải loại nào cũng được mà phải là mùn cưa từ những cây gỗ thân mềm để cho hương cháy tốt. Công đoạn quan trọng nhất được giao cho những người phụ nữ khéo tay, tỉ mỉ làm.

Que hương được nhúng xuống nước làm ướt được các bàn tay khéo léo đập lăn qua lăn lại để tạo hình tròn cho hương. Cứ thế nhúng đi nhúng lại hơn chục lần que hương thành phẩm dần dần hiện ra. Một ngày một người làm từ sáng sớm đến tối mịt có thể làm ra khoảng 3.000-4.000 que hương.

Các công đoạn làm hương được những bàn tay khéo léo thực hiện

Với nhiều làng nghề làm hương tại Việt Nam que để làm hương sẽ được nhuộm đỏ trước khi cho vào máy nặn. Nhưng tại Phia Thắp sau khi hương được làm xong thì người dân mới nhuộm đỏ chân hương bằng lá cây “Chăm Che” được trồng đầy quanh nhà rồi mới đem ra phơi. Trong tất cả các công đoạn thì phơi hương chiếm thời gian lâu nhất.

Hương sau khi làm xong được phơi ngay ra ngoài nắng, cắm trên đất.

Người Nùng An tận dụng hết tất cả mọi vị trí trống để phơi hương, hương phơi tại các cách đồng lúa sau khi thu hoặc, trên những con đường bước vào làng và cả dưới chân nhà sàn trong các khay bằng đá. Nếu trời nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất ba ngày. Từng que hương thành phẩm được tỉ mẩn cắm trên các khay nhỏ, mỗi khay xếp khoảng mười năm đến hai mươi que tách đều nhau thành hình tròn để hương không bị dính lại với nhau.

Tuổi đời vài trăm năm nhưng khó giữ

Dù là làng nghề lớn có tên tuổi khắp cả tỉnh nhưng nghề làm hương nơi đây vẫn không giúp người dân khấm khá lên được. Hương được làm cầu kì và tỉ mỉ nhưng giá thành hương lại khá thấp, thường chỉ được tiêu thụ tại các phiên chợ huyện trong toàn tỉnh Cao Bằng, một số ít được đưa sang tiêu thụ tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Nguyên liệu làm hương ngày càng khan hiếm khó tìm, dù người dân cố gắng thay đổi nguồn nguyên liệu nhưng đều không thành. Hơn thế nữa hương truyền thống còn phải cạnh tranh với nhiều mẫu mã, sản phẩm hương được sản xuất dưới dây chuyền công nghệ hiện đại.

Tuổi đời vài trăm năm nhưng khó giữ..

Chú Việt trưởng xóm Phia Hắt chia sẻ: “Cũng may vẫn còn thế hệ trẻ nên làng vẫn giữ được nghề, dù còn nhiều khăn nhưng làng Phia Thắp vẫn giữ lại cách làm hương truyền thống để giữ gìn bản sắc dân tộc truyền thống của dân tộc, cũng như một phần tưởng nhớ đến tổ tiên đã sinh ra cái nghề cho làng mình”.

Dẫu cho còn nhiều khó khăn trong ngôi làng hàng trăm năm tuổi này nhưng khi bước chân vào trong làng, không khí nơi đây vẫn luôn tràn đầy tiếng cười niềm vui, sự lạc quan của những người dân Nùng An hiền lành chất phát. Dù cho phải cạnh tranh với nhiều loại hương với nhiều chủng loại mẫu mã nhưng với chất lượng tốt, hương thơm từ tự nhiên thì hương Phia Thắp luôn là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của nhiều gia đình ở Cao Bằng.

Đàm Tuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/doc-dao-lang-nghe-lam-huong-truyen-thong-phia-thap-cao-bang-601730/