Độc đáo làng bích họa ở vùng biên

Ngạc nhiên, trầm trồ và yêu thích là cảm giác ban đầu mỗi khi du khách tới chiêm ngưỡng những bức tranh đầy màu sắc, sống động nơi biên giới Việt-Trung này. Với hơn 20 bức tranh được vẽ bằng tình yêu của các họa sĩ, đã góp phần làm thay đổi cuộc sống con người nơi đây.

Một bức tranh sống động ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Ảnh: Long Vũ

Chúng tôi đến thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), nơi sinh sống của đồng bào Dao Thanh Y. Nơi đây có những dãy núi cao dựng đứng, xen lẫn những cánh rừng già đại ngàn nằm sát biên giới Việt-Trung và ngôi nhà của đồng bào người Dao sáng bừng sức sống bởi những bức tranh đa màu sắc. Dừng xe, bước xuống xem những bức tranh trong ngôi “làng bích họa”, cả đoàn ai cũng ngạc nhiên trầm trồ.

Tiếp chúng tôi, chị Hà Thị Mai, Bí thư Thành đoàn Móng Cái cho biết: “Làng bích họa” nằm ở xóm Đặng, đồng bào người Dao nơi đây chiếm đến 90%, bà con chủ yếu làm nghề nông, trồng rừng, ngoài ra không có nghề phụ gì thêm. Tất cả người Dao trong xóm đều mang họ Tằng. Đây là một trong những xã khó khăn nhất của thành phố Móng Cái.

Hiện nay, thôn Pò Hèn có hơn 20 ngôi nhà được vẽ tranh lên tường nhà. Những bức tranh về thiên nhiên đầy màu sắc, chủ yếu là những gam màu đậm, ấm và nóng tô điểm thêm khung cảnh xóm thôn. Có những bức tranh mô tả cuộc sống của người dân lao động, có chỗ là bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, tươi sáng hay là những bức tranh về con vật rất độc đáo”.

Anh Phùng Quốc Việt, Trưởng thôn Pò Hèn chia sẻ: Cách đây hơn 1 năm, xã Hải Sơn triển khai xây dựng nông thôn mới, theo chủ trương của thành phố Móng Cái là đưa xã Hải Sơn thành điểm du lịch cộng đồng. Vì thế, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để di dời chuồng trâu, bò ra xa nhà ở, làm vệ sinh toàn bộ thôn xóm.

Ngoài ra, để tạo điểm nhấn cho xóm Đặng trong việc làm du lịch cộng đồng, chính quyền xã kêu gọi các hộ dân đồng ý vẽ tranh lên tường. Đến nay, toàn bộ xóm hơn 20 hộ dân, đã có gần một nửa số hộ nhất trí cho vẽ tranh lên các bức tường xung quanh nhà. Dưới bàn tay của các họa sĩ được mời về, những bức tường rêu mốc nay đã trở thành những bức họa đẹp về con người và cuộc sống vùng đất biên cương.

Chị Hà Thị Mai cho biết thêm: “Ban đầu, một số đồng bào người Dao còn khá dè dặt, thậm chí là không muốn vẽ tranh lên tường nhà mình. Nhưng do được sự động viên, tuyên truyền của chính quyền địa phương nên các hộ dân đã đồng ý để cho các họa sĩ vẽ. Sau khi hoàn thành các bức tranh, đồng bào mừng lắm! Họ thấy ngôi nhà của mình đẹp hơn, lại đón thêm nhiều du khách tới tham quan, tạo điều kiện để phát triển kinh tế của gia đình và địa phương”.

Chị Sằn Móc Chiu, người dân trong thôn nói: "Nhà tôi cũng là một trong những ngôi nhà được các họa sĩ vẽ tranh, bức tranh về con voi, con trâu và cảnh núi rừng rất đẹp. Từ khi có tranh thì nhà đẹp hơn, không những gia đình tôi mà cả xóm ai ai cũng thấy rất vui. Du khách tới đây ngày một nhiều để tham quan cảnh đẹp và làng bích họa này. Tôi và mọi người cùng nhắc nhở nhau phải bảo vệ các bức tranh và dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm đẹp hơn".

Còn anh Vi Văn Cháu thì tiết lộ: "Bà con dân tộc ở đây rất ngại giao tiếp với khách lạ, Đoàn thanh niên dẫn khách du lịch vào đây, các đoàn viên trong xóm vận động chính người thân thay đổi nhận thức, bớt đi sự ngại ngùng, e dè, từ đó, dần tiếp cận với phát triển du lịch".

Chị Trần Thị Thoa, một du khách đến từ Thái Bình cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi tới tham quan “làng bích họa” thôn Pò Hèn. Các bức tranh ở đây vẽ rất đẹp, những ngôi nhà, cảnh vật nên thơ khiến tôi có cảm giác rất ấm cúng và bình yên. Tôi đã đi xem nhiều làng bích họa ở các tỉnh khác như ở Quảng Ngãi, hay Hà Tây (Hà Nội) nhưng thấy các bức tranh ở đây rất tuyệt vời, bởi nó được vẽ ở trên chính miền đất xa xôi của núi rừng biên giới”.

Có thể nói, các bức tranh miền sơn cước này đã tôn thêm vẻ đẹp cho những ngôi nhà nơi đây. Cũng chính từ những bức tranh độc đáo này mà nhận thức của đồng bào được thay đổi. Họ đã biết làm du lịch, bảo vệ làng bản sạch đẹp. Đây cũng chính là điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới xã Hải Sơn.

Trưởng thôn Pò Hèn cho biết thêm: “Chúng tôi luôn quan tâm và tuyên truyền tới bà con trong việc bảo vệ các bức tranh và làm du lịch cộng đồng. Trong tương lai, xã sẽ đầu tư thêm các tuyến đường dài, rộng hơn để đón thêm khách du lịch. Và cuộc sống của bà con nơi đây sẽ được cải thiện”.

Được biết, trong thời gian tới, không chỉ xã Hải Sơn có “ làng bích họa”, mà thành phố Móng Cái còn xây dựng một làng tranh bích họa thứ 2 tại đảo Trần, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những bức bích họa sẽ trở thành sứ giả góp phần đưa khách phương xa đến vùng biên giới, hải đảo Quảng Ninh. Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng lâu dài, hy vọng rằng, một sự đổi thay hứa hẹn sẽ tới với cuộc sống của đồng bào nơi biên cương địa đầu đất nước.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doc-dao-lang-bich-hoa-o-vung-bien/