Độc đáo làm tranh dân gian trên mẹt tre

Không lựa chọn công việc ngành Kinh tế từng theo học, bạn Nguyễn Ngọc Diệp (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) theo đuổi cho mình con đường riêng bằng cách 'thổi hồn' những câu chuyện dân gian vào chiếc mẹt tre tưởng chừng như rất đỗi thô kệch.

Dù mới bắt đầu khoảng 2 năm nay, nhưng những tác phẩm của Ngọc Diệp đã để lại ấn tượng không nhỏ đối với những người yêu mến hội họa dân gian. Phương tiện để Ngọc Diệp thể hiện lại tranh Đông Hồ, Hàng Trống,… là thông qua mẹt tre, một chất liệu vốn được gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nông dân đồng bằng Bắc Bộ từ xưa.

Nói về cơ duyên đến với loại hình này, Diệp cho biết vốn từ nhỏ đã đam mê vẽ và mong muốn được làm công việc liên quan đến cọ, màu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, Diệp lựa chọn theo học ngành Kinh tế. Tết 2017, Diệp có lời nhờ vẽ đôi gà Đông Hồ lên mẹt treo Tết. Sau khi hoàn thành, bức tranh nhận được nhiều lời khen và nhiều lời đề nghị thực hiện các bức tranh khác, Diệp nghỉ việc và bắt tay vào sáng tạo tranh mẹt.

Tranh dân gian trên những chiếc mẹt tre

Tranh dân gian trên những chiếc mẹt tre

Nhắc lại lý do chọn vẽ tranh dân gian trên mẹt, Diệp tâm sự: “Mình thấy mặt nạ mẹt hiện nay có nhiều tuy nhiên nét vẽ còn thô và chưa thực sự chỉn chu. Tranh mẹt thì chưa đa dạng, chủ yếu là hình được in lên chứ chưa được thể hiện cẩn thận. Tranh dân gian tuy không mới, nhưng tranh dân gian trên mẹt lại hầu như chưa có, thêm nữa lại phù hợp với chất liệu gần gũi có từ lâu đời tre, nên khi vẽ vào tranh rất phù hợp và rất đẹp. Đây là mảnh đất còn bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng, mình là người trẻ vẽ tranh dân gian phần nào mang nét đẹp truyền thống tiếp cận các bạn trẻ dễ dàng hơn. Mình vui khi là một trong những người đầu tiên thực hiện công việc này”.

Các loại tranh có nhiều kích cỡ và vô cùng đa dạng

Thời gian đầu, Diệp tập trung vẽ lại những tác phẩm nổi tiếng như: Vinh hoa phú quý, Cá chép, Hứng dừa, Lễ trí – Nhân nghĩa,.... Tuy nhiên, không chỉ là tái hiện lại, Diệp đòi hỏi bức tranh của mình phải có sự tinh tế, chỉn chu và sáng tạo. Để tranh được đẹp, đầu tiên là chất liệu phải thật khéo, các nan đan phải khít thì bức tranh khi vẽ mới được mềm mại không bị gồ ghề. Để hoàn thành một tác phẩm, người làm sẽ phác họa bằng phấn, sau đó tô mảng màu và dặm nét cho bức tranh mẹt.

Các bức tranh đòi hỏi sự chỉn chu, tinh tế và tâm sức của người thực hiện trong từng nét vẽ

Sự sáng tạo khi làm việc của Diệp đó là thêm những màu sắc tươi tắn vào tranh khác với màu nhạt, trung tính trong những bức tranh nguyên bản. Để các nét vẽ được tươi tắn, màu được lựa chọn là màu acrylic có khả năng giữ lâu và lên màu đẹp. Bên cạnh đó, để bức tranh có thể giữ được lâu, Diệp dùng dầu bóng quét lên tranh sau khi thành phẩm. Các bức tranh có khả năng bền màu, dù có bụi hay dùng vải ướt lau thì tranh cũng không bị phai màu.

Ước mơ của Diệp là có thể mang những văn hóa dân gian đến gần hơn với bạn bè thế giới

Đến nay, sự lan tỏa của loại tranh này đến với nhiều đối tượng khách hàng, đó là các nhà hàng, các trung tâm hội nghị hoặc cá nhân yêu nghệ thuật,… Thậm chí, bạn bè du học sinh còn ngỏ ý muốn mua tranh của Diệp để tặng cho người nước ngoài. “Mong muốn của mình là truyền thống văn hóa dân gian của đất nước có thể xuất khẩu đến gần với bạn bè thế giới và các bạn trẻ Việt Nam thích thú và yêu thích loại tranh dân gian rất có giá trị này” – Diệp chia sẻ.

Về hướng đi trong tương lai, Diệp cho biết sẽ phát triển thêm những bức tranh mang hơi thở hiện đại như tranh phong cảnh phố phường Hà Nội, tranh chân dung trên mẹt để có thể đến gần với nhiều người hơn nữa.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doc-dao-lam-tranh-dan-gian-tren-met-tre-77890.html