Độc đáo kiến trúc Nhà thờ Lòng Sông

Nói đến Quy Nhơn, người ta thường nghĩ ngay tới những điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co-Eo Gió, Gềnh Ráng Tiên Sa hay Cù lao Xanh, nhưng để hiểu hơn về mảnh đất Bình Định, có lẽ Nhà thờ Lòng Sông là điểm đến thích hợp hơn cả.

Thú thật, Nhà thờ Lòng Sông là cái tên hoàn toàn xa lạ và không có trong “danh sách” sẽ đến của tôi trong chuyến đi cuối năm này. Nhưng lời gợi ý của cô bé chủ nhà dễ thương tên là Tâm khiến tôi quyết định bỏ qua một vài điểm nổi tiếng, phóng xe tới thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để biết “nơi mà những người ưa khám phá, lọ mọ sẽ rất thích” là như thế nào.

Chỉ cách trung tâm thành phố chừng 15km, đường lại rất dễ đi, lên Gò Bồi, rẽ phải vào cầu Đôi, đi qua một đoạn đường uốn lượn, hai bên lúa ấp đòng đòng, đến gò đất giữa đồng, nơi Nhà thờ Lòng Sông tọa lạc. Lấp ló dưới những tán cây sao hàng trăm năm tuổi thẳng tăm tắp, giữa vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa cổ kính giữa thiên nhiên hữu tình, Nhà thờ Lòng Sông từ xa đã hút ánh nhìn của bất kỳ ai đi qua. Mặt tiền thoạt nhìn rất giống với kiến trúc thánh đường Paul cổ kính ở Macao do người Bồ Đào Nha xây dựng. Chỉ riêng tường rào bao bọc xung quanh nhà thờ thôi đã khơi gợi cho các tay máy, nhiếp ảnh gia nhiều cảm hứng.

 Nhà thờ Lòng Sông mang đậm nét kiến trúc Gothic.

Nhà thờ Lòng Sông mang đậm nét kiến trúc Gothic.

Nhà thờ Lòng Sông (còn gọi là Tiểu chủng viện Làng Sông) là một trong những trung tâm truyền giáo đầu tiên của miền Trung, di tích còn lại của những giáo sĩ truyền giáo Bồ Đào Nha khi đặt chân lên vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Nét nổi bật của nhà thờ chính là kiến trúc, được xây dựng theo kiến trúc Gothic đặc trưng trong thiết kế nhà thờ và cung điện của người phương Tây. Lối kiến trúc mang đậm chất châu Âu này được khắc họa bởi cổng vòm của nhà thờ. Tuy không hoành tráng và đồ sộ như thánh đường Paul, nhưng Nhà thờ Lòng Sông đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng nét kiến trúc xưa để lại, từng bước cầu thang gỗ, khung cửa được điêu khắc tỉ mỉ, chi tiết, rất đẹp mắt và hài hòa với cảnh quan xung quanh một cách hoàn hảo.

Nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà dành cho các tu sinh, mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp thuộc: Tường vôi vàng, với những ô cửa vòm ở ban công, hành lang dài và những hàng cột thẳng tắp. Phía trước chủng viện là sân cỏ và những hàng cây sao trăm năm tuổi, sân sau được chia thành những ô vuông để trồng rau, trồng hoa.

Ngày nay, phần lớn người ta biết đến Tiểu chủng viện Làng Sông với tuổi đời hơn 160 năm ở góc độ công trình kiến trúc đẹp, lâu đời. Ít người biết rằng nơi đây từng là một trong 3 xưởng in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam-nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ.

Khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông nay còn lưu nền móng của nhà in Làng Sông. Trải qua bao gập ghềnh của lịch sử, năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn tái thiết, giao cho linh mục Maheu. Năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Quy Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in. Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ (cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong). Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, được dời về Quy Nhơn.

Nếu có một lần đến với Quy Nhơn-Bình Định, bạn nên đến nơi đây để được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật-kiến trúc hiếm có và cả sự gần gũi chan hòa với thiên nhiên. Cảm giác ấy thật bình yên thư thái.

Bài và ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/doc-dao-kien-truc-nha-tho-long-song-607127