Độc đáo hát canh ở CLB quan họ truyền thống Nhị Hà

Dù mới thành lập chưa lâu nhưng CLB quan họ truyền thống Nhị Hà đã trở thành địa chỉ thân quen của các liền anh liền chị yêu quan họ cổ từ khắp nơi.

Gần 2 năm nay, CLB quan họ truyền thống Nhị Hà (Hào Nam, Hà Nội) đã trở thành điểm đến thân quen của những người yêu quan họ cổ. Các thành viên ở đây ít tuổi nhất cũng độ 30, cao nhất đã bước sang tuổi 70 nhưng đều có điểm chung là đã nghe, đã hát quan họ từ khi còn tấm bé. Bởi chơi quan họ cổ cần có thâm niên một đến vài chục năm, hiểu biết về văn hóa Kinh Bắc và thuộc nhiều câu hát thì mới đạt đến độ tinh túy của "nghề chơi".

Tuy nhiên, cũng có người mới tham gia CLB được một hai năm, thậm chí vài buổi đã nhanh chóng hòa nhịp với các liền anh liền chị nhờ sự ham học hỏi và đam mê. Như sư thầy Thích Thông Đạt (hiện là trụ trì chùa Đồng Thiện, quận Lê Chân, TP Hải Phòng), mới theo CLB được 3 buổi nhưng “ham lắm, cứ trông đến ngày đến tháng để lên với các anh Hai chị Hai để nghe và học hỏi”.

Thầy cũng bảo, đã đi học thì xa xôi đến mấy cũng không quản. Thế nên, từ chỗ bị coi là “hát như cuốc kêu”, bây giờ, sư thầy Thích Thông Đạt đã là anh Hai quan họ đúng nghĩa. Ít ai biết rằng, từ nhỏ, dù sống ở Hải Phòng nhưng sư thầy đã “khăn gói” theo học các cụ ở chính cái nôi của làng quan họ Kinh Bắc và biết khá nhiều nhiều câu hát cổ.

Một trong những lý do khiến sư thầy Thích Thông Đạt lựa chọn CLB quan họ truyền thống Nhị Hà là bởi các liền anh liền chị ở đây thiên về giao lưu, học hỏi hát canh- đỉnh cao của hát quan họ Kinh Bắc- chứ không phải học để đi biểu diễn sân khấu. Mà hát canh phải có độ sâu, sự hiểu biết đa dạng đối với quan họ mới đạt đến độ “chơi nghề”.

Ngay từ khi mới thành lập, họa sĩ Đỗ Dũng - Chủ nhiệm CLB và hai phó chủ nhiệm CLB là PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng, chị Hai Nguyễn Thị Như Chính - nguyên giảng viên trường ĐH Thương Mại Hà Nội đã xác định cần phải làm gì đó để gìn giữ và phục dựng lại hát canh quan họ. CLB ra đời đã nhanh chóng có sức lan tỏa, kết nối được những tình yêu quan họ, cho dù họ đang làm nhiều công việc và ngành nghề khác nhau. Chính thế mà cụ Hai Chiến, dù đã đạt đến tầm nghệ nhân hát canh, thường xuyên đứng ra tổ chức các canh hát có tiếng ở Bắc Ninh vẫn hào hứng tham gia với CLB Nhị Hà để giao lưu, truyền đạt những hiểu biết của mình về quan họ cổ.

CLB giờ đây không chỉ là nơi để sinh hoạt đơn thuần mà cao hơn là sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên có chung một tình yêu quan họ. Ngoài thời gian tham gia CLB, các liền anh liền chị ở đây còn lên tục “đắt show” với các hoạt động giao lưu văn hóa với các CLB ở nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... Với những hoạt động thiết thực và ý nghĩa ấy, ý thức, trách nhiệm gìn giữ với Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại cũng được các thành viên hun đúc mỗi ngày và làm dày thêm cho vốn cổ của cha ông.

Trong quá trình tham gia CLB, PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng còn nhận ra một tác dụng ưu việt của tình yêu với quan họ, đó là khả năng “miễn dịch” rất tốt với các căn bệnh tuổi già, nhất là bệnh Alzheimer.

Hay nói như chị Hai Chính, nhờ có việc tham gia CLB mà các thành viên ở đây giờ không còn stress để mà “xả” nữa. “Vì quan họ làm cho người ta sống nhân văn, yêu đời và yêu người lắm. Chính vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và lan tỏa những tinh hoa của cha ông đến những tình yêu quan họ, đặc biệt là giới trẻ”, chị Hai Chính nói.

Các liền anh thay xiêm y để vào canh hát

Có liền chị vừa đi biểu diễn giao lưu về, có liền anh vừa đi hàng trăm cây số lên Hà Nội nhưng khi nhập cuộc, ở họ chỉ còn là những nụ cười và sự nhiệt huyết

Trong những bộ mớ ba mớ bảy rực rỡ, các liền chị dù có người đã lên chức bà vẫn như trẻ lại với tuổi thanh xuân

Chị Hai Chính- Phó chủ nhiệm CLB và chị Hai Nguyên, nhờ có tình yêu quan họ mà các chị không còn gặp bất cứ một stress nào trong cuộc sống

Các chị Hai dù đã luống tuổi nhưng khi sinh hoạt với CLB thì tinh thần như trẻ lại

Đặc điểm của hát canh là khi hát, các đôi liền anh hay liền chị phải có sự đồng điệu, khi hát luôn nhìn nhau để hòa nhịp và tăng tính giao cảm cho câu hát

Chị Hai Hồng vô cùng duyên dáng trong bộ trang phục quan họ

Anh Hai Lâm, hiện là bác sĩ, mới theo CLB chưa lâu. Nay gặp gỡ với những nghệ nhân rành quan họ cổ đã khiến anh đã đam mê lại thêm yêu và thêm say hơn nữa

Anh Hai Chiến và anh Hai Tuân. Anh Hai Chiến (trái) hiện là một trong số rất ít người còn lại ở hội Lim mở canh hát tại nhà.

Anh Hai Phú- hiện là Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, sư thầy Thích Thông Đạt và anh Hai Lâm (từ trái qua phải)

Với vốn hiểu biết về quan họ, sư thầy Thích Thông Đạt thường xuyên vận dụng vào các buổi giảng pháp cho thêm phần phong phú, sinh động. Theo thầy, đó cũng là cách để gìn giữ và bảo tồn di sản của cha ông

Họa sĩ Đỗ Dũng, người vô cùng tâm huyết với quan họ cổ và dành nhiều tâm sức để thành lập CLB quan họ truyền thống Nhị Hà

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xem-nghe-doc/doc-dao-hat-canh-o-clb-quan-ho-truyen-thong-nhi-ha-20171014183550814.htm