Độc đáo gốm Khmer An Giang

Người Khmer Nam bộ nói chung và An Giang nói riêng nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như rèn, dệt tơ lụa - thổ cẩm, nấu đường, làm rượu thốt nốt… nhưng có lẽ lâu đời, độc đáo nhất chính là nghề gốm ở làng An Thuận, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Tạo hoa văn, họa tiết.

Tạo hoa văn, họa tiết.

“Đặc sản” đất làm gốm

Theo một số nghệ nhân cao tuổi, làng gốm An Thuận xưa được dân địa phương gọi là sóc Phnompi, tiếng Khmer có nghĩa là vùng đất đồi. Nhờ gốm mà nơi đây tấp nập người xe mua bán.

Gốm Khmer của làng An Thuận theo ghe khách thương hồ tỏa đi muôn nơi, không chỉ có mặt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ mà còn ngược lên miền Đông Nam bộ và sang tận Campuchia, cạnh tranh với đồ sành sứ truyền thống nổi tiếng của nước bạn.

Sản phẩm truyền thống của làng gốm Khmer An Thuận khá đa dạng về mẫu mã, hình dáng với các loại đồ gia dụng quen thuộc như: nồi, niêu, trã, lu, vại, bình, cà ràng (một loại bếp lò), ống khói dùng cho những lò nấu đường thốt nốt… Những sản phẩm này đã có uy tín trên thị trường, không chỉ người Khmer mà cả người Việt, người Hoa đều ưa chuộng.

Ngoài bí quyết gia truyền, sản phẩm thu hút được khách hàng còn nhờ vào sự tạo dáng đầy ngẫu hứng, kỹ thuật nung độc đáo của các nghệ nhân và đặc biệt là chất lượng đất.

Một nghệ nhân lâu năm của làng gốm cho biết, đất làm ra các sản phẩm gốm ở đây được khai thác dưới chân ngọn đồi Nam Quy, cách làng An Thuận khoảng 3km. Đây là một loại đất sét rất đặc biệt vì vừa nhuyễn, vừa mịn và có màu xám.

Theo kinh nghiệm của những người làm gốm lâu năm loại đất này thích hợp nhất để làm gốm và không nơi nào có được. Để làm gốm, đất được các nghệ nhân đem ủ một thời gian, sau đó mới giã cho thật mịn, rồi loại bỏ hết tạp chất sạn, sỏi.

Để tạo dáng sản phẩm, các nghệ nhân trộn đất với nước theo tỷ lệ thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, không khô. Đây là một khâu quan trọng thể hiện độ tinh thông, cũng như tay nghề của nghệ nhân và quyết định sự thành bại của một mẻ gốm.

Công đoạn tạo dáng.

Công đoạn tạo dáng của các nghệ nhân làng gốm An Thuận, Tri Tôn rất đặc biệt, đó là không dùng bàn xoay hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Nghệ nhân sẽ đi vòng quanh trụ đất để đắp, bồi, vuốt, tạo dáng cơ bản.

Bước tiếp theo là chỉnh sửa uốn nắn sản phẩm cho cân đối và sau cùng là xoa mịn mướt bề mặt sản phẩm. Với những sản phẩm có trang trí hoa văn, họa tiết thì nghệ nhân dùng tay hoặc que tre được vót giống như ngòi một cây bút để trang trí đầy ngẫu hứng và sáng tạo. Những nghệ nhân tham gia tạo dáng sản phẩm gốm chủ yếu là phụ nữ.

Sản phẩm sau khi đã tạo dáng hoàn chỉnh, in xong hoa văn, họa tiết, chuốt bóng mặt, sẽ được đem phơi kỹ qua nhiều nắng rồi mới đưa vào nung. Quá trình nung gốm của người Khmer ở An Thuận, Tri Tôn, An Giang cũng giống người Chăm ở Bàu Trúc, Ninh Thuận, đó là nung lộ thiên.

Các nghệ nhân giàu kinh nghiệm xếp gốm ngay trên sân nhà, hoặc khu đất trống bằng phẳng, rồi chất rơm đều trên bề mặt và nổi lửa nung cho đến vừa độ chín thì chuyển qua giai đoạn ủ. Tất cả đều dựa vào kinh nghiệm trong nghề của nghệ nhân. Sản phẩm gốm sau khi đã qua công đoạn ủ sẽ có màu đỏ nhạt, màu nâu, hoặc màu vàng đậm rất ấn tượng.

Gốm thành phẩm của làng gốm từ xưa tới giờ không cần mang đi tiếp thị vì được làm theo đơn đặt hàng. Các thương lái thường đã quen với chủ cơ sở, nên tìm tới tận nhà mua hàng theo lố, rồi vận chuyển ra ghe, xuồng đậu ở bến sông.

Giữ nghề của cha ông

Nghệ nhân Chau Sắc cho biết. Ngày nay dù bếp điện, bếp gas, nồi nhôm, nồi inox đang thịnh hành, nhưng rất nhiều người dân vùng miền Tây Nam bộ vẫn giữ thói quen dùng những đồ gốm gia dụng truyền thống Khmer như cà ràng, nồi đất, trã đất… Theo họ, nấu cơm bằng nồi đất (gốm) bao giờ cũng ngon hơn nấu bằng nồi cơm điện và nấu nước lèo bằng trã ngon hơn nấu bằng nồi nhôm.

Trong số sản phẩm gốm An Thuận thì cà ràng nổi tiếng và bán rất chạy trên thị trường, bởi đây là một loại bếp lò độc đáo, bao gồm 3 ông táo gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than. Bếp nấu cà ràng tiện dụng, linh hoạt dễ di chuyển có thể dùng nấu trên sàn bằng tre, nứa, hoặc để ngay trên ghe, xuồng mà không sợ cháy và nó che chắn gió tốt hơn bếp gas.

Tuy thị trường gốm Khmer ngày nay có phần thu hẹp thị trường hơn những năm đầu thế kỷ 20 nhưng vẫn còn nhiều hộ Khmer muốn giữ lấy nghề của tổ tiên, vì họ coi đây không chỉ là một nghề sinh kế mà là một di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Niềm vui lớn nhất của các thế hệ nghệ nhân nơi đây là những năm qua có khá nhiều đoàn chuyên gia nghiên cứu văn hóa nước ngoài, phần đông là người Nhật, đã tìm về An Thuận để tìm hiểu nghiên cứu về làng nghề gốm Khmer độc đáo nổi tiếng lâu đời này.

Sản phẩm gốm mộc được phơi nhiều nắng trước khi nung.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/doc-dao-gom-khmer-an-giang-4000877-b.html