Độc đáo điệu múa Óc Eo

Đó là điệu múa đơn giản, chỉ kết hợp tay chân, nhưng mang đầy uy lực, pha chút huyền bí. Hiện, nhiều học sinh huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) được tiếp cận học, để nâng cao hiểu biết, cùng ra sức giữ gìn truyền thống địa phương.

Óc Eo là nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa này được các học giả người Pháp phát hiện cuối thế kỷ 19.

Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (dưới chân núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn), do Louis Malleret thực hiện năm 1944. Năm 2012, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Học sinh hăng hái tập luyện múa Óc Eo

Học sinh hăng hái tập luyện múa Óc Eo

Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng cho biết, từ năm 2016, cố Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Múa Việt Nam) và nhạc sĩ Trương Bá Trạng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tìm hiểu, nghiên cứu, mô phỏng, khắc họa từ các cổ vật văn hóa Óc Eo, hình thành nên tiết tấu, cung bậc, thang âm điệu thức, động tác và điệu bộ của điệu múa Óc Eo.

Đến giữa năm 2019, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo phối hợp tổ chức hàng chục lớp múa Óc Eo, thu hút hàng trăm học sinh, giáo viên tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Tri Tôn tham gia. Có những đội múa tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch, trong các hội nghị, hội thảo, được đón nhận rất nhiệt tình.

Theo đó, múa Óc Eo gồm tổng thể 3 bài múa: Ông voi, Lưỡi kiếm, Sum họp, thời lượng 15 phút. Những bài múa tái hiện hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu, sức mạnh chinh phục thiên nhiên, bảo vệ bờ cõi xứ sở của người Phù Nam. Cùng với trang phục, nền nhạc cổ, điệu múa thể hiện sự oai hùng, linh thiêng, tạo nên nét hấp dẫn không chỉ với nhà nghiên cứu, khảo cổ, mà còn thu hút du khách, đoàn viên, thanh niên.

Năm 2021 - 2022, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 buộc đơn vị tạm dừng hoạt động phổ biến điệu múa. Đến cuối tháng 4/2023, phong trào múa Óc Eo được trở lại trong trường học. Lần này, học sinh tham gia thuộc khối 10 Trường THPT Vọng Thê, khối 9 Trường THCS Nguyễn Công Trứ (huyện Thoại Sơn). Thời gian học 3 tháng (2 buổi/tuần, 60 phút/buổi), tại Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, với ngụ ý: Chỉ cần bước chân đến đó, các em đã được truyền cảm hứng, niềm đam mê về loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc nền văn hóa Óc Eo rực rỡ một thời.

Điệu múa mang nét độc đáo của nền văn hóa Óc Eo

Trần Trọng Tín (Trường THCS Nguyễn Công Trứ) cho biết: “Đây là lần đầu tiên, em tham gia lớp học múa Óc Eo. Những điệu múa tuy đơn giản, nhưng có sức lôi cuốn mãnh liệt, tạo động lực để em khám phá về nền văn hóa Óc Eo, đời sống, sinh hoạt của người Phù Nam xa xưa. Em hứa sẽ cùng với các bạn trong nhóm múa học thật tốt từng động tác. Đồng thời, mong muốn sẽ có dịp biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của tỉnh, giới thiệu cho nhiều người biết về điệu múa Óc Eo”.

Đưa giáo dục di sản văn hóa tới học sinh, ngay tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là phương pháp rất hiệu quả để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa; giúp thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, thêm tự hào về di tích, thêm trân trọng tiền nhân.

Trần Trịnh Ngọc Hiếu (Trường THCS Nguyễn Công Trứ) hào hứng chia sẻ: “Em rất vui khi có cơ hội học múa Óc Eo. Em cảm nhận, múa Óc Eo rất khác lạ so với những điệu múa hiện đại em từng biết: Dứt khoát, mạnh mẽ hơn. Em mong muốn được tham gia lâu dài, có cơ hội quảng bá điệu múa độc đáo đến nhiều du khách khi họ tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê”.

Cô Lý Thị Ngọc Sương (65 tuổi, giáo viên dạy múa Óc Eo) bày tỏ: “Mỗi bài múa mang ý nghĩa nhất định, khẳng định vùng đất, sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người, cuộc sống đoàn kết, gắn bó trong 1 dân tộc. Việc mở lớp múa độc đáo này nhằm hướng dẫn, giới thiệu trước hết cho thanh, thiếu nhi huyện Thoại Sơn học tập, sinh hoạt, giao lưu tập thể, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Sau đó, chọn cá nhân giỏi, tích cực để từng bước nhân rộng loại hình sinh hoạt tập thể múa Óc Eo cho lớp trẻ và cộng đồng. Dù chỉ mới học khoảng 1 tháng, nhưng các em rất thích thú, tập luyện rất nghiêm túc”.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doc-dao-dieu-mua-oc-eo-a364636.html