Độc đáo con đường gốm sứ đa sắc màu tại làng Liên Mạc

Bằng tình yêu quê hương, cùng trách nhiệm cộng đồng, những bức tường rêu phong xám xịt ở làng Liên Mạc bỗng chốc biến thành những bức tranh mang đậm hơi thở của làng quê xưa bằng vật liệu tái chế. Không chỉ đem đến điểm nhấn ấn tượng cho đường làng ngõ xóm, những tác phẩm nghệ thuật bình dị này còn góp phần gắn kết tình cảm xóm giềng với nhau, cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Cổng làng Liên Mạc.

Cổng làng Liên Mạc.

Nằm bên bờ đê sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km, làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mang đến cho bất kỳ ai ghé thăm một cảm giác bình yên, bởi những con ngõ đậm nét làng Việt xưa. Nhiều tháng nay, nơi đây thu hút thêm sự chú ý của mọi người nhờ những bức tranh tường đa sắc chạy dài khắp ngõ ngách của ngôi làng như một triển lãm thu nhỏ.

Những tác phẩm mang thông điệp bảo vệ môi trường.

Điều khiến khách đến thăm làng không khỏi trầm trồ chính là chất liệu độc đáo để làm nên những tác phẩm đa sắc màu này hầu hết đều là phế liệu, chất thải rắn trong sinh hoạt hàng ngày như: Mảnh sành, mảnh chai, gạch ngói thừa, thậm chí là bát đĩa vỡ… Những thứ tưởng như đã bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường qua bàn tay của người dân Liên Mạc đã được tái sinh trở thành những bức tranh mộc mạc, hấp dẫn, đa sắc màu: Hình ảnh đồng quê gần gũi, cây đa giếng nước sân đình… hiện lên sinh động hơn bao giờ hết.

Những bức tranh miêu tả khung cảnh làng quê giản dị gần gũi.

Thời gian đầu, dự án tranh tường chỉ có ba người tham gia, nhưng sau khi vận động, tuyên truyền đã có nhiều bà con trong thôn nhiệt liệt hưởng ứng, cùng đóng góp vật liệu và góp sức để “vẽ” nên những tác phẩm giản dị mà thắm đượm tình làng nghĩa xóm này.

Chị Nguyễn Thị Hiên (Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ làng Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những người đóng góp ý tưởng cho những ngày đầu của dự án này cho biết: “Ý tưởng đã có từ lâu nhưng phải đến cuối tháng 10/2020, chúng tôi mới chính thức khởi động phong trào tái tạo lại những bức tường làng. Những ngày đầu thực hiện, không ít người bày tỏ sự nghi ngại về tính khả thi của dự án. Đến khi những bức tranh đầu tiên được hình thành mới nhận được sự ủng hộ của bà con lối xóm”.

Đường làng ngõ xóm trở nên sống động, hấp dẫn nhờ những bức tranh ghép từ gốm, sứ như này.

Chị Hiên chia sẻ thêm: “Mỗi người trong xóm tùy vào khả năng, điều kiện mà tham gia vào từng phần việc, từ thu thập, phân loại, vệ sinh phế liệu, đến cạo sạch tường rêu, gắn tranh…”.

Ông Hoàng Văn Ngọc (tổ dân phố Hoàng Liên 3) cho biết: “Sự xuất hiện của những bức tranh không chỉ làm cho đường làng ngõ xóm chúng tôi trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn. Mà còn giúp người người, nhà nhà ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là không còn xả chất thải rắn ra ngoài môi trường. Hơn nữa, mọi người đến thăm thú thôn Liên Mạc vì tò mò, khiến những con ngõ trở nên vui vẻ, nhộn nhịp hơn. Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở đây.”

Người dân làng Liên Mạc ủng hộ và tự hào bởi những tác phẩm cùng nhau tạo nên.

Những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt này như bừng sáng hàng tường bao năm cũ kỹ, đơn điệu, khiến người dân nơi đây cảm thấy phấn khởi trước hình ảnh mới của làng mình, mong muốn góp công, góp sức vào việc chung của cộng đồng.

Duy Thanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/doc-dao-con-duong-gom-su-da-sac-mau-tai-lang-lien-mac-305473.html