Độc đáo con đường chìm dưới biển ở nơi nam nữ không yêu nhau

Ở đảo Điệp Sơn (thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) có một con đường dài khoảng 800m, chỗ rộng nhất khoảng 8m nhưng chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống. Những năm gần đây, Điệp Sơn 'thay da đổi thịt', người dân đổi đời là nhờ con đường dưới biển độc đáo này.

Du khách trải nghiệm con đường dưới biển ở đảo Điệp Sơn.

Du khách trải nghiệm con đường dưới biển ở đảo Điệp Sơn.

Ở nơi nam nữ không yêu nhau

Ba hòn đảo có tên dân dã là hòn Bịp, hòn Quạ, hòn Ó được lập thành một đảo, gọi là đảo Điệp Sơn. Nếu nhìn từ xa, ta sẽ thấy đảo Điệp Sơn có hình dáng như tượng Phật nằm trên mặt biển, nửa chìm nửa nổi. Do đó, nó còn có tên gọi khác là đảo Phật Nằm.

Từ trung tâm huyện Vạn Ninh ra đảo Điệp Sơn bằng tàu đánh cá phải mất 1h, nhưng đi bằng ca nô chỉ mất khoảng 10 phút. Xưa kia, đảo Điệp Sơn chỉ là nơi trú tạm của ngư dân những khi biển động đột ngột hoặc tàu thuyền vào ra khi cần nước ngọt, dần dần người đánh cá tứ chiếng đến đây cư ngụ.

Bây giờ, ở đây có những xóm nhà ngói, nhà tranh dưới xum xuê những cây nghẹo, cây bàng cổ thụ. Đặc biệt, ghẹo là loại cây đặc hữu ở Điệp Sơn, hạt có thể nướng ăn nhưng nếu ăn quá vài hạt sẽ say như kiểu say rượu.

Thôn Điệp Sơn có gần 100 hộ với khoảng 800 nhân khẩu. Người dân ở đây mưu sinh chính bằng nghề đánh bắt hải sản, bẫy cua, bắt sò, bắt ốc nhỏ lẻ ở các vùng ven đảo sinh sống qua ngày. Hải sản đánh bắt được chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình; bán cho khách du lịch, doanh nghiệp du lịch ở đảo và người dân trong đất liền. Người dân nơi đây vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng vùng biển như: thờ cúng tiền hiền, thờ cúng ông Nam Hải (cá voi), cúng Thành hoàng…

Những túp lều nằm sát biển để cho du khách thuê nghỉ qua đêm ở đảo Điệp Sơn.

Có một điều người dân Điệp Sơn rất tự hào là đảo rất sạch. Trên bãi biển hầu như không có tí rác nào. Những rác thải công nghiệp được đưa vào đất liền. Trong khi rác hữu cơ thì người dân tự hủy trong rừng cây.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn, cho biết: “Đến nay, mọi sinh hoạt của người dân thôn Điệp Sơn vẫn khá vất vả vì chưa có điện lưới, tất cả đều phụ thuộc vào máy phát điện. Mỗi gia đình chỉ có 3h đồng hồ từ 18h - 21h sử dụng điện hàng ngày”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước ngọt nơi đây đắt và hiếm. Nước sinh hoạt được lấy từ giếng và dự trữ nước mưa. Nhiều gia đình xây bồn trữ nước, phải tiết kiệm nước đến mức tối đa, mọi lúc. Còn nước uống phải mua nước đóng chai từ đất liền mang ra.

Nhưng đáng lo nhất của người dân Điệp Sơn là vấn đề dựng vợ gả chồng. Gần 100 hộ dân ở đây hầu hết là thân tộc, họ hàng chưa quá 4 đời nên trai gái yêu nhau không dám cưới hỏi. Bởi ai cũng biết không thể sinh con cận huyết, chỉ những ai đi làm ăn xa mới có nhiều cơ hội lập gia đình.

Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Điệp Sơn.

“Người dân trên đảo đi đâu cũng gặp họ hàng. Do vậy, để tránh hôn nhân cận huyết, nam nữ ở đây không yêu nhau. Điều đáng mừng là ở đảo không có tình trạng trộm cắp. Nói vui chứ lấy trộm thì làm sao mà bán được, chỉ cần báo với công an viên trên đảo là không gì rời khỏi đảo được”, ông Mẫn cho biết.

Dù cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, chưa phát triển đồng bộ nhưng giáo dục ở thôn Điệp Sơn đã được quan tâm chú ý để mọi trẻ em đến tuổi đều được tới lớp đầy đủ. Ở đây, có điểm trường Điệp Sơn thuộc Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh, dạy học sinh cấp 1 cho con em ở đảo. Sau đó, muốn con cái được tiếp tục học lên thì các bậc phụ huynh gửi con vào đất liền cho con sinh hoạt, học tập.

Các cô giáo tại điểm trường Điệp Sơn cho biết, vì dân số ngoài đảo chưa đông nên số học sinh ở tuổi đến trường cũng không đông và ở lứa tuổi khá đa dạng. Trong khi đó, tại điểm trường mới chỉ có 2 phòng nên vẫn phải duy trì việc học ghép lớp.

Độc đáo con đường dưới biển

Đảo Điệp Sơn có một con đường giữa biển dài 400m, đi bộ được quanh năm và một con đường độc đáo khác cũng nằm giữa biển nhưng chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống. Con đường này dài khoảng 800m, chỗ rộng nhất khoảng 8m. Khi thủy triều hạ, xuất hiện con đường và hình thành 2 dòng hải lưu với một bên nước nóng - ấm và một bên nước lạnh - mát, một bên nông và một bên sâu.

Con đường với những nét độc đáo, lạ kỳ khiến du khách đến đây luôn thích thú, bất ngờ và muốn ở lại thật lâu để trải nghiệm. Khi thủy triều chưa làm lộ rõ hình hài, du khách cuốc bộ trên con đường đầy nước, sụt sùi giữa làn cát, đùa giỡn với những bầy cá con, mang đến cảm giác thật lạ lẫm, thú vị như được chinh phục, hài lòng với thử thách “đi trên mặt biển nước”.

Cũng nhờ lúc nổi lúc chìm mà con đường này giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển giữa các hòn đảo. Bởi nếu theo đường thủy thì phải mất vài chục phút tàu ghe, trong khi nước ròng thì chỉ lội bộ chưa đầy 10 phút là đến nơi. Tiện nhất là những người dùng thuyền thúng hay ghe nhỏ, nếu biển bên này ít cá thì chờ nước rút kéo thuyền qua biển bên kia thả lưới, giăng câu.

Được biết, khi người dân đến đây lập nghiệp đã thấy con đường này. Hàng trăm năm qua, nằm giữa biển nhưng con đường không hề thay đổi vị trí, kích thước, dù trải qua bao phong ba bão tố. Có điều, chẳng ai nghĩ đến việc phát triển du lịch. Rồi, cách đây khoảng 5 năm, trong một lần tình cờ tới đây, chủ của một doanh nghiệp kinh doanh du lịch thấy tiềm năng để biến thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn nên bắt đầu khai thác. Và cũng từ đó, nhiều hộ gia đình ở đảo Điệp Sơn bắt đầu kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế gia đình.

Dọc theo bờ biển, nhiều hộ gia đình mỗi hộ xây vài túp lều có gác để cho du khách thuê nghỉ qua đêm, dạng homestay. Họ còn nấu ăn phục vụ du khách. Nhiều du khách nghỉ qua đêm ở đây cho biết, không có hotel, motel nhưng thật tuyệt vời khi sống cùng nhà dân ở đây. Họ được trải nghiệm cuộc sống miền biển, cô lập trong những ánh đèn nhoáng trong đêm từ đất liền chiếu sáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do có nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch nên nhu cầu về lao động ở đảo Điệp Sơn ngày càng lớn và người lao động được trả lương rất cao, gấp 2 lần so với mặt bằng bình thường. Bình quân, mỗi lao động được doanh nghiệp kinh doanh du lịch trả tới 400.000 đồng/ngày mà vẫn thiếu người làm. Hiện nay, có khoảng 50 lao động là người dân địa phương tại đảo đang làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Theo ông Mẫn, những năm gần đây, du khách kéo về thôn Điệp Sơn ngày một đông, có ngày hơn 1.000 khách, nhờ vậy người dân trên đảo bán hải sản sau đánh bắt với giá cao. Mỗi người, ngày ít cũng kiếm được 400.000 đồng, ngày nhiều thì cả triệu đồng. Không chỉ vậy, việc du khách đến đảo cũng mang đến cho người dân có tư duy tốt, tầm nhìn xa hơn. Ngày càng có nhiều người dân tham gia làm dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm cho hầu hết người lao động trên đảo.

“Do phát triển du lịch nên trong thời gian qua, thôn Điệp Sơn “thay da đổi thịt” trông thấy, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều. Tôi tin rằng, du lịch ở Điệp Sơn sẽ phát triển ổn định và ngày càng bền vững. Tôi rất vui khi rất nhiều du khách bảo rằng, con đường dưới biển ở Điệp Sơn có không gian vô cùng hữu tình và hết sức tuyệt vời. Ai đến đây cũng lưu lại những bức ảnh kỷ niệm đáng nhớ”, ông Mẫn chia sẻ.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/doc-dao-con-duong-chim-duoi-bien-o-noi-nam-nu-khong-yeu-nhau-d132391.html