Độc đáo chợ phiên vùng biên ngày áp Tết

Cách thành phố Thanh Hóa gần 200km, chợ vùng biên ( xã Nhi Sơn, huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Thanh Hóa) tấp nập họp phiên cuối năm. Hàng nghìn người dân các dân tộc thiểu số, từ các bản xa xôi của địa phương này đã kéo nhau về dự chợ Xuân.

Niềm vui của bà con đồng bào khi được tham gia chợ phiên ở xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Niềm vui của bà con đồng bào khi được tham gia chợ phiên ở xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Phiên chợ vùng biên Nhi Sơn được huyện Mường Lát xây dựng và tổ chức "cưới chợ" mới cách đây vài năm. Mỗi tháng, chợ phiên Nhi Sơn diễn ra vào ngày giữa tháng (tức ngày 15 hàng tháng) và những ngày lễ, ngày tết. Đây là nơi trao đổi hàng hóa của bà con đồng bào Mông cùng các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn xã Nhi Sơn và vùng lân cận.

Chị em xúng xính trong trang phục dân tộc, xuống chợ phiên ngày Xuân.

Từ khi chợ phiên Nhi Sơn đi vào hoạt động, đã thu hút hàng trăm nghìn lượt đồng bào các dân tộc ở nơi đây tham dự. Từ sáng sớm, trên khắp các ngả đường, bà con người Mông đã rủ nhau hướng về phía chợ phiên. Các bà, các mẹ địu trên lưng vài bó rau, măng rừng, vài quả bí; những cô gái Mông rực rỡ váy hoa chuyện trò rôm rả, những chàng trai Mông rắn rỏi cũng giúp cha mẹ đưa hàng hóa đến chợ trên những chiếc xe máy...

Đến chợ phiên Nhi Sơn, đồng bào các dân tộc Mông Thái, Dao, Khơ Mú, Mường... được hòa mình vào một không gian văn hóa có nét đặc sắc riêng. Mỗi phiên họp, ban quản lý chợ lại tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và trò chơi dân gian, như: kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, tung còn, nhảy sạp....Bên cạnh đó, các cô gái đồng bào dân tộc Mông, thì xúng xính trong những bộ váy áo với nét hoa văn sặc sỡ sắc màu tung tăng xuống chợ.

Thiếu nữ dân tộc Mông trao đổi hàng hóa trong chợ.

Chợ phiên vùng biên Nhi Sơn còn thu hút được các thương lái từ nhiều vùng, miền trong và ngoài tỉnh Thanh đưa hàng hóa về đây giao thương. Thắng cố là món ăn không thể thiếu trong phiên chợ, để phục vụ bà con đồng bào các dân tộc thiểu số mỗi khi xuống chợ.

Anh Tráng A Lềnh, từ bản Cá Dáng xa xôi của xã Trung Lý dậy từ rất sớm, chở vợ bằng xe đi gần 50 km đến chơi chợ. Đến chợ, A Lềnh cùng vợ thưởng thức món thắng cố nóng hổi, được người ta chế biến từ thịt bò.

Tuy nhiên, lần đi chợ phiên này, A Lềnh đã không uống rượu khi thưởng thức món thắng cố như mọi khi, mà thay vào đó A Lềnh mua hai lon nước ngọt để vợ chồng cùng uống.

Cùng nhau thưởng thức món thắng cố.

A Lềnh bảo, ngày trước mình đi chợ phiên, thì nhất định phải ăn thắng cố và uống rượu ngô. Thế nhưng, bây giờ đã có Nghị định 100 của Chính phủ rồi, nên mình không uống một ngụm rượu nào, vì còn phải chở vợ về nhà bằng xe máy. Mình phải tuân thủ thực hiện quy định của Nhà nước thật nghiêm, thì bà con cũng mới quý mến và đặc biệt là không vi phạm pháp luật.

Dưới đây là một số hình ảnh tại chợ phiên Nhi Sơn, do PV GD&TĐ ghi nhận.

Đôi bạn rủ nhau cùng xuống chợ.

Mẹ địu con xuỗng chợ giữ dòng người ken đặc.

Lựa chọn quần áo.

Người mẹ trẻ chọn mua mĩ phẩm.

Chợ phiên Nhi Sơn thu hút rất đông người đến dự.

Hai thiếu nữ dân tộc Mông đi tìm những món hàng cần mua trong chợ phiên.

Trao đổi hàng hóa.

Các loại chăn bông, quần áo được bày bán la liệt ở chợ phiên.

Một cặp vợ chồng, con cái đến chợ bằng xe máy.

Ban quản lý tổ chức giao lưu bóng chuyền trong mỗi phiên chợ.

Thanh niên tham gia tung còn ở trong phiên chợ

Quả còn bay lên được nhắm vào vòng tròn trên cột cao

Chợ phiên vùng biên ở xã Nhi Sơn ken đặc người.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/doc-dao-cho-phien-vung-bien-ngay-ap-tet-4060881-v.html