Độc đáo buổi lễ giã từ 'tuổi trẻ con'

Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. Ngoài những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì lễ cấp sắc của người Dao có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị.

Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông dân tộc Dao.

Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông dân tộc Dao.

Lễ công nhận là con cháu của Bàn Vương

Người Dao coi lễ cấp sắc là một nghi lễ thiêng liêng, quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đối với đàn ông dân tộc Dao, chỉ khi được cấp sắc thì người con trai đó mới được cộng đồng công nhận là đã trưởng thành.

Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng, được cúng bái. Người con trai nào không được cấp sắc, khi sống không được thờ cúng cha mẹ, khi chết không được về với tổ tiên, không được công nhận là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao.

Vì sao có nghi lễ cấp sắc độc đáo này? già làng Bàn Văn Lý (Viễn Sơn, Yên Bái) lý giải: “Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa có một người gọi là Thánh Tam sinh ra 3 người con trai, bố mẹ sợ hãi không dám nuôi bỏ mặc ngoài rừng. Tuy nhiên, thú rừng không dám làm gì 3 đứa trẻ mà ngược lại còn được lợn rừng cho bú sữa, rồng hút nước tắm rửa. Khi cả 3 trẻ lớn lên đã tự đặt tên cho nhau là: Sỹ, Thanh, Đức. 3 anh em rất tài giỏi và được Ngọc Hoàng biết đến nên đã cấp sắc 3 đèn cho phàm trần và chuyển cho 36 quân binh hộ tống cho loài người dưới trần được yên ổn.

Ngày đó, ma quỷ, tà ác hoành hành dân bản. 3 anh em lúc đó gọi là Tổ Tam Thanh đã tìm đường đi lấy cấp sắc cao hơn, phải vượt qua biết bao núi cao, rừng thẳm, suối sâu quyết chí đi tìm Phật Tổ và xin được 2 loại Kinh Phật, một loại là cấp sắc 7 đèn, một loại là cấp sắc 12 đèn đưa về truyền bá cho dân bản. Ai lấy được sách 7 đèn thì làm lễ cấp sắc 7 đèn. Ai lấy được sách 12 đèn thì làm cấp sắc 12 đèn. Từ đó, đồng bào Dao đều tôn sùng gọi 3 anh em là Tổ Thánh Tam Thanh và nghi lễ cấp sắc được truyền từ đời này qua đời khác”.

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy, quá tang nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như: say cháy, chay thầy xấy hay phùn voòng có nghĩa là soi đèn hay thụ đèn; tạt phat búa (lễ đặt pháp danh) hay chấu đàng (lễ cúng ông tổ người Dao); tẩu sai (lễ cấp chứng chỉ để làm thầy cúng); chẩu lung hìn (lễ cầu phúc cho dòng họ); mài sai tía (có thầy cúng đỡ đầu); chẩu tôm lung hìn (lễ cầu phúc lớn); lễ cấp tinh, lập tịch, cấp phép hay cấp pháp.

Lễ cấp sắc của người Dao Yên Bái.

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11 - 19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ; người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó.

Tham gia lễ cấp sắc gồm: người được cấp sắc, 02 thầy cúng chính, 01 thầy cúng phụ, 03 người đọc thơ, 03 nam và 03 nữ thanh niên hát, họ hàng nội, ngoại người được cấp sắc, người giúp việc cho buổi lễ và người dân trong bản. Gia đình tự chọn thầy cúng, mặc định thầy cả là người bên họ nhà ngoại, thầy hai là người bên họ nhà nội và thầy giúp việc.

Gần đến ngày lễ, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung... Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng...

Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc: người Dao Đỏ và Dao Áo Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn. Mỗi lễ cấp sắc phải có các thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau.

Thầy cả và thầy hai mặc trang phục thầy cúng để làm lễ. Người được cấp sắc đứng đối diện với thầy hai, bố của người cấp sắc thì đứng đối diện với thầy cả. Hai thầy làm lễ đuổi đi những cái xấu, mời rượu thần linh, chia tiền vàng để cảm tạ thần linh. Tiếp theo, mọi người cùng múa xòe để mừng lễ cấp sắc.

Thầy cả làm lễ cấp đèn cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước ban thờ khấn xin thầy của mình và thần linh cấp đèn cho người được cấp sắc, mời rượu thần linh, gieo quẻ xin âm dương, chia tiền cho thần linh. Thầy làm lễ xua những điều xấu ra khỏi người được cấp sắc bằng cách cầm thanh kiếm đi vòng quanh người được cấp sắc, dùng kiếm hất mẩu giấy trên mũ ra rồi gieo quẻ âm dương, rồi cầm mẩu giấy, tay đặt lên đầu gối, chân co lên nhảy lò cò ra cửa, vứt mẩu giấy đó đi (vứt đi cái xấu xa). Trong lúc thầy cả xua đuổi điều xấu, thầy hai làm lễ đón điều tốt, điều thiện về cho người được cấp sắc. Thầy cả làm lễ cấp hương cho người được cấp sắc, cúng xin thần linh cho người đó sau này khi đi làm thầy có thể được thắp hương.

Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh.

Đặt tên xong thầy cả làm lễ cấp phép cho người cấp sắc được phép sử dụng các đồ nghề của thầy cúng như: khăn buộc, tranh múa, tranh Tam Thanh, trống, chiêng, tù và, chuông, que múa… Mỗi lần cấp phép, thầy cúng sẽ cầm 1 đồ nghề, đọc xong bài cúng, rồi trao đồ nghề đó cho người được cấp sắc.

Linh thiêng điều răn dạy hướng làm việc thiện

Khác với nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền, người Dao Áo Dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.

Lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang.

Ngoài yếu tố tín ngưỡng, lễ cấp sắc còn có ý nghĩa giáo dục. Trong không gian của lễ cấp sắc có các điều răn dạy được linh thiêng hóa và trở thành những giá trị đạo đức mà con người phải gìn giữ, phấn đấu. Các nội dung thể hiện trong đạo sắc đều hướng con người tới cái thiện. Đó là sự kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn cha mẹ, thủy chung với bạn bè, sống chân thành, không lừa lọc, phải có lòng dũng cảm, biết trọng nghĩa, khinh tài, ngay cả việc con người chấp hành luật lệ cũng được đề cập tới. Với truyền thống giáo dục mang tính tộc người, trong đó có một phần tham gia của tục lệ cấp sắc đã tạo nên sự đằm thắm, thận trọng, kín đáo của người Dao.

Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn. Những điều giáo huấn này còn được ghi lại bằng văn bản, một bản được đốt tại lễ cấp sắc, một bản giao cho người được cấp sắc để lưu giữ suốt đời.

Trong lễ cấp sắc, người được cấp sắc và những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao.

Lễ cấp sắc của người Dao là cả một kho tàng văn hóa cổ truyền mang tính giáo dục rất lớn và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc thể hiện qua các điệu múa xòe, hát đối đáp - páo dung, tranh vẽ, hình cắt giấy… Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa vốn đã đa dạng và phong phú của đất nước ta.

Lễ cấp sắc có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Dao, giúp họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai.

Trong những năm gần đây, lễ cấp sắc đã được khai thác thành các tiết mục thông qua hoạt động của các tổ, đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản và các xã, góp một phần rất quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể.

Bảo Mi (t/h)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doc-dao-buoi-le-gia-tu-tuoi-tre-con-post431686.html