Độc chiêu 'tắt khói thuốc' trong nhà hàng của nghệ sĩ Xuân Bắc

'Tôi bảo con ho sù sụ lên mấy tiếng để bàn bên biết. Sau khi bé ho, tôi sang bảo người khách bé bị hen, bị dị ứng với khói thuốc. Nghe vậy, người khách xin lỗi và lập tức tắt thuốc', nghệ sĩ Xuân Bắc kể.

 Nghệ sĩ Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Đại sứ của Chiến dịch truyền thông xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc sáng ngày 3/4

Nghệ sĩ Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Đại sứ của Chiến dịch truyền thông xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc sáng ngày 3/4

Đó là chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Đại sứ của Chiến dịch truyền thông xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc tại lễ phát động chiến dịch xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc, do Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức ngày 3/4.

Nghệ sĩ cho biết, bản thân mình không hút thuốc lá nên cũng không thích mùi thuốc lá. Tuy nhiên, tại nhiều địa điểm công cộng, không có khu vực hút thuốc riêng nên nhiều người vô tư nhả khói mà không chú ý đến sức khỏe người khác.

Một lần, cả gia đình anh đi ăn ở một nhà hàng. Ở bàn bên cạnh, một người đàn ông vô tư nhà khói thuốc, khói bay nghi ngút khiến những bàn ngồi bên rất khó chịu, trong đó có gia đình anh. "Tôi bèn bảo con ho sù sụ mấy tiếng. Sau đó, tôi sang nói với người đàn ông: "Xin lỗi anh, con tôi bị hen, bị dị ứng với khói thuốc lá. Phiền anh tắt thuốc giùm hoặc ra chỗ khác hút được không. Nghe vậy, người khác rối rít xin lỗi rồi dập điếu thuốc lá đang hút dở".

PGS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại buổi lễ.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết, thực tế tại các địa điểm công cộng vẫn có nhiều người vô tư nhả khói thuốc, nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh hoặc chưa đủ nặng. Trong khi đó, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới người hút mà những người xung quanh, nhất là phụ nữ, trẻ em. Do đó, nghệ sĩ Xuân Bắc đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, các biện pháp xử lý người vi phạm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến phụ nữ và trẻ em để họ cùng lên tiếng, từ đó hạn chế nguy cơ khói thuốc tại nơi công cộng.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính của các gánh nặng về bệnh tật, tử vong và các tổn thất về kinh tế, trở thành mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi lễ

Tại Việt Nam, theo thống kê cả nước có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá. Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã có Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung của phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Nhiều tỉnh, thành đã thực hiện đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động và treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị,…

Theo ông Khuê, nhận thức của người dân đối với các quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, 96% người được hỏi biết về quy định cấm hút thuốc tại các khu vực vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em, 98% biết về quy định cấm hút thuốc tại bệnh viện, 95% biết quy định cấm hút thuốc trong trường học, 89% biết quy định cấm hút thuốc nơi làm việc.

Các đại biểu hưởng ứng lễ phát động

Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng, việc thực thi môi trường không khói thuốc lá tại các khách sạn, nhà hàng cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Bởi hiện nay, đa phần chủ nhà hàng, khách sạn chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện các quy định về xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại của người quản lý, của nhân viên khách sạn, nhà hàng đối với việc nhắc nhở khách hàng hút thuốc còn tồn tại. Vì vậy, việc vi phạm các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá tại các khách sạn và nhà hàng còn diễn ra phổ biến. Trên thị trường lại xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, ảnh hưởng xấu tới học sinh và thanh thiếu niên nói chung.

cùng gắn bảng hiệu "Không hút thuốc" tại khách sạn Hilton.

Trong thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, các tỉnh thành phố đẩy mạnh thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; truyền thông, nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc, trong đó chú trọng xây dựng khách sạn nhà hàng không khói thuốc. "Nhiều người không muốn đến những khách sạn, nhà hàng ô nhiễm khói thuốc lá. Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành. Từ đó, giúp nhân viên ngành du lịch, khách du lịch giảm nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá", PGS. Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Ngay sau lễ phát động, các đại biểu tham dự Lễ gắn biến cấm hút thuốc tại một số Khách sạn, nhà hàng (khách sạn Hilton Hanoi Opera, số 1 Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Nhà hàng San Fu Lou - Cantonese Kitchen số 6 Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doc-chieu-tat-khoi-thuoc-trong-nha-hang-cua-nghe-si-xuan-bac-20210403152408903.htm