Đọc bút ký 'Cõi học và người thầy' của GS Hà Minh Đức

GS, NGND Hà Minh Đức là người đầu tiên kể lại tương đối đầy đủ 'chân dung các giáo sư ngành KHXH' của nước ta trong bút ký 'Cõi học và người thầy'.

Giáo sư Hà Minh Đức quê ở Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp được học trong vùng tự do. Hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta, ông ra Hà Nội và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm, ngành Ngữ Văn.

Trong ba năm học (1954-1957), ông may mắn được học với nhiều nhà giáo uyên bác, nhà văn hóa lớn, những người thầy thương yêu học trò. Biết ơn các thầy, lại được nối tiếp nghề thầy, ông muốn ghi lại chân dung, phong cách của các thầy, cùng các bạn đồng môn ngày nào, sau cũng là nhà giáo.

Rải rác trong nhiều năm, ông đã viết và đăng báo nhiều chân dung các người thầy. Nay ở tuổi 85, ông tập hợp lại, in thành sách như một lời tri ân nữa “Cõi học và người thầy”.

Bìa cuốn sách “Cõi học và người thầy”

Bìa cuốn sách “Cõi học và người thầy”

Bình thường, không nên thống kê hết tên tuổi những người được nêu trong sách. Nhưng với lòng kính trọng những tên tuổi lớn đã làm vang danh ngành Khoa học xã hội nước ta, cũng như kính trọng Giáo sư Hà Minh Đức, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Văn học và khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội, xin phép kể ra đây cùng bạn đọc một số tên tuổi lớn: Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn; Giáo sư Đặng Thai Mai; Giáo sư, nhà phê bình Hoài Thanh; Giáo sư Hoàng Xuân Nhị; Giáo sư, Viện sĩ, nhà thơ nhà sử học Phạm Huy Thông; Thầy Trần Đức Thảo; Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc; Giáo sư Trương Tửu; Giáo sư Nguyễn Lân…

Trong phần mở đầu "Vườn cổ tích của thầy", Giáo sư Hà Minh Đức kể nhiều kỷ niệm về những người thầy mở đầu sự nghiệp học và học dạy đại học của mình. Những kỷ niệm hầu hết gắn với "thánh đường" của nền Đại học Việt Nam: Giảng đường lớn 19 Lê Thánh Tông Hà Nội.

Chúng ta cùng đọc lại hồi ức của Giáo sư Hà Minh Đức về giảng đường lớn ấy:… "giảng đường đại học uy nghiêm, mỗi người có một bàn, một ghế. Có một sân khấu nhỏ hình bán nguyệt, đặt một chiếc bàn to để thầy giảng bài…Nghe tên tuổi tưởng như các giáo sư là những bậc cao niên, râu tóc đẹp nhưng thực ra các thầy mới chỉ ở tuổi trên dưới năm mươi, còn mạnh mẽ, phong độ. Mỗi thầy được nhà trường phát cho một chiếc xe đạp loại Mercier (Méc-xê).

Thầy Trần Đức Thảo thường phóng xe thẳng lên đầu dốc tận cửa vào hội trường, dựng xe và vào lớp… Trước mặt chúng tôi là thầy, vầng trán cao, cặp kính trắng, dáng vẻ thanh cao và giản dị. Không sách vở, giấy tờ, thầy khẽ gật đầu và cầm micro nói một hơi dài như không chú ý đến người nghe. Lớp đã chuẩn bị hai ghế hàng đầu…để dành cho hai anh Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia ghi lại… về trình thầy sửa chút ít rồi đem in làm bài học…"

Còn đây là kỷ niệm về Giáo sư Đặng Thai Mai: "Tôi nhớ đến thầy Đặng Thai Mai cây cổ thụ nhiều cành lá xum xuê của vườn cổ tích. Dáng vẻ trang nghiêm, ánh mắt sắc, nụ cười kín đáo nhân hậu, thầy Mai là người thầy, người cha không riêng của chúng tôi mà còn của rất nhiều đồ đệ kính mến thầy."

Người viết bài này có một số dịp được hầu chuyện Giáo sư Hà Minh Đức, người thầy của chúng tôi ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong câu chuyện về những người thầy, thấy ông còn rất nặng lòng vì một số thầy vẫn chưa được đặt "đúng mức" trong văn học sử nước nhà. Trong đó có Giáo sư Trương Tửu.

Có một chuyện xưa mà theo ông "cho đến nay nghĩ đến… còn cảm thấy ngượng ngập và ngậm ngùi". Đó là việc khi Giáo sư Trương Tửu bị phê phán, một vị cán bộ phụ trách lúc đó giao cho ông "lên xem thái độ của ông này"… Dĩ nhiên, phản ứng đầu tiên của người trò là từ chối "Tôi không thể làm được việc đó"… Nhưng rồi khi bị đe "đây là quyết định của chi bộ" thì Hà Minh Đức không thể từ chối mãi.

Rất may là Thầy rất hiểu Trò và Trò thì rất kính trọng Thầy cho nên cuộc gặp diễn ra êm đẹp. Để sau này, trong di cảo để lại, Giáo sư Trương Tửu viết: "Anh Hà Minh Đức có đến tôi chơi một lần. Tôi bảo anh không nên đến có hại cho anh mà chẳng có lợi gì cho tôi, anh hãy còn trẻ nên cứ về chịu khó học hành chăm chỉ, cố gắng giữ được tư cách làm người, anh ấy cảm động lắm, từ đó anh ấy không đến".

Giáo sư Hà Minh Đức

Tôi không dám lạm bàn, nhưng nghĩ rằng lời dạy của thầy "cố gắng giữ được tư cách làm người" đã góp phần làm nên một Hà Minh Đức "trước sau như một" trong phương pháp luận của mình, trong đối nhân xử thế và trong các tác phẩm nghiên cứu của mình.

Trong phần thứ hai của tập bút ký "Cõi học và người thầy", Giáo sư Hà Minh Đức dành nói về những đồng nghiệp và bạn bè cùng trang lứa, chủ yếu là ở hai khoa Văn - Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, một "dàn sao sáng".

Có thể kể tên như Giáo sư Hoàng Như Mai, Giáo sư Đinh Gia Khánh, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và vợ, Giáo sư Nonna Vladimirovich Stankevich, Giáo sư Lê Đình Kỵ, Giáo sư Bạch Năng Thi, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hàm Dương, Giáo sư Phan Cự Đệ, Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ tài hoa Cao Xuân Hạo… Và một số người bạn đồng nghiệp khác như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà...

Những trang viết về thủa khoa Ngữ Văn sơ tán về Đại Từ Thái Nguyên là những trang viết sinh động, đầy những chi tiết hấp dẫn về cuộc sống của những người thầy. Những người phải ăn cơm rang, ăn mì luộc, ăn sắn với canh rau rừng nhưng vẫn miệt mài nghiên cứu và giảng dạy.

Và chính thời gian này đã xuất hiện nhiều bộ giáo trình, nhiều cuốn sách nghiên cứu phê bình lý luận văn học, văn học sử có giá trị. Có thể kể đến các tác phẩm về Phong trào Thơ mới, về Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ. Những nghiên cứu về "truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực" của Lê Đình Kỵ. Về truyện Tấm Cám của Đinh Gia Khánh…Các công trình về Ngôn ngữ dân tộc Tày-Nùng, về lịch sử tiếng Việt, về ngữ âm-ngữ pháp-từ vựng tiếng Việt của ngành ngôn ngữ học mà người đứng đầu là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.

Tôi muốn dừng lại hơi lâu trên những trang viết về Giáo sư Hoàng Như Mai (1919-2013). Ông thuộc thế hệ thứ hai các thầy giáo của khoa Ngữ Văn và kẻ viết bài này được học.

Đúng như lời tả của Giáo sư Hà Minh Đức: ông "có một vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn, mái tóc điểm bạc, dáng vẻ trí thức, hay đúng hơn là nghệ sĩ,…giọng nói vang và ấm. Ông giảng về văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, song ông có một vốn kiến thức phong phú về đời sống và văn học thời kỳ 1930-1945… Ngay từ những buổi đầu lên lớp ông đã thu hút sinh viên qua bài giảng và cả qua những câu chuyện giữa thầy và trò…

Một sinh viên nhận xét: "Được nói chuyện với thầy Mai được học thêm bài học về cuộc đời". Trên lớp sinh viên thích nhất là giọng đọc thơ. Các bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng, "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, "Ta đi tới" của Tố Hữu, "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan… đều được giọng đọc của thầy nâng đến mức truyền cảm, hấp dẫn".

Tháng 5/1972, khi xắn quần chân đất chống gậy vào sân chùa giảng bài cho sinh viên ở làng Kẹo, Đông Lỗ - Ứng Hòa, Hà Tây (gần ga Đồng Văn Hà Nam), giáo sư Hoàng Như Mai cảm thán thốt lên: "Than ôi, chợ Đại, Cống Thần/ Đâu ngờ lại cũng một lần tới đây".

Tôi đoán chắc rằng nhiều lứa sinh viên khoa Ngữ Văn đi bộ đội sau đó và trước đó đều nhớ giọng ngâm của thầy … "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm"…

Nhưng đã có mấy người thầy nào làm thơ khóc trò? Giáo sư Hà Minh Đức kể: Cuộc chiến tranh (chống Mỹ) kết thúc. Anh (Giáo sư Hoàng Như Mai) ngậm ngùi với mấy vần thơ:

"Nhớ ngày Kỳ Phú, Đồng Văn

Mấy phen sơ tán mấy lần đạn bom

Thầy cô người mất người còn

Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường"

Trong chương trình truyền hình "Mười ngày rung chuyển thế giới" tối 4/11/2017, kỷ niệm lần thứ 100 Cách mạng tháng 10 Nga của Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyễn Thế Tường, lái xe tăng, người duy nhất còn sống trong chiếc xe tăng chống địch lấn chiếm Cửa Việt (đêm 27 rạng ngày 28/1/1973) đã hát một bài hát Nga.

Tường kể rằng đã đem theo những cuốn sách văn học Nga-Xô viết ra trận. Nguyễn Thế Tường là sinh viên khóa 14 khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập ngũ ngày 6/9/1971. Rời quân ngũ, Tường về học cùng với các đàn em khóa 18.

Nếu có thời gian, tôi tin rằng Tường sẽ nói lời tri ân những người thầy đã vun đắp cho mình tình yêu nước Nga , một lòng say mê văn chương, để sau này viết thành thiên truyện ngắn nổi tiếng "Hồi ức binh nhì".

Thầy nào thì Trò ấy.

Khép lại những dòng suy tưởng nhân đọc cuốn bút ký "Cõi học và người thầy" của Giáo sư Hà Minh Đức, tôi xin kể thêm câu chuyện về thầy giáo của chúng tôi Hà Minh Đức.

Gần đây, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức một buổi giao lưu giữa những nhà văn nhà thơ Việt Nam ở trong và ngoài nước. Mặc dù tuổi cao, mắt kém, Giáo sư Hà Minh Đức đã lặn lội từ Đông Anh tới dự. Mấy hôm sau, lại có một cuộc “Hội thảo 30 năm giao lưu văn hóa Việt - Mỹ”, Giáo sư Hà Minh Đức đến rất sớm, mang theo mấy cuốn sách có bài nói về những chuyến đi Mỹ của ông, tặng những học giả Mỹ. Ông nói: "Mình đã là người mở đầu. Nên không thể vắng mặt."

Quả là "cõi học" là một khoảng trời mênh mông. Và những người thầy chính là người chỉ hướng, người dẫn đường và là người cùng chung lưng đấu cật với học trò của mình trong “cõi đời” mênh mang ấy./.

CTV Trương Cộng Hòa/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/doc-but-ky-coi-hoc-va-nguoi-thay-cua-gs-ha-minh-duc-694833.vov