Doanh thu tăng nhưng Fivimart, Citimart đều báo lỗ sau cái 'bắt tay' với đại gia bán lẻ Nhật

Fivimart và Citimart đều mở rộng hệ thống và tăng trưởng doanh thu đều đặn nhưng lỗ lũy kế hết năm 2017 của Fivimart đã lên đến 197 tỷ đồng còn lỗ lũy kế hết năm 2016 của Citimart cũng lên đến 157 tỷ đồng.

Để thúc đẩy hoạt động tại thị trường Đông Nam Á, Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đã quyết định góp vốn vào 2 siêu thị của Việt Nam là Fivimart và Citimart với số cổ phần nắm giữ lần lượt là 30% và 49%.

Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008 và không ngừng mở rộng. Đại gia bán lẻ đến từ Nhật đã lên chiến lược đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ lớn thứ 2 khu vực sau Malaysia.

Thời điểm Aeon và Citimart hoàn tất thủ tục hợp tác kinh doanh, lãnh đạo Citimart từng cho biết, sau khi trở thành đối tác chiến lược Aeon sẽ giúp đơn vị này hay đổi việc quản lý hệ thống, hỗ trợ gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành.

Ngoài ra, hai bên sẽ cùng khai thác nguồn hàng từ Việt Nam và Nhật Bản, phát triển nhanh số lượng siêu thị mới trong tương lai. Citimart lúc này đã phát triển hệ thống với 27 siêu thị ở sáu tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Nha Trang, Bình Dương, Kiên Giang...

Trong khi đó, Fivimart, hệ thống siêu thị được điều hành và quản lý bởi CTCP Nhất Nam cũng có 10 siêu thị ở Hà Nội và đặt mục tiêu 2020 sẽ có 30 siêu thị trên toàn quốc.

Kết quả sau 3 năm hợp tác với Aeon, Fivimart và Citimart đã mở rộng hệ thống siêu thị với số lượng siêu thị lần lượt là 23 và gần 30 siêu thị. Đồng thời, doanh thu cũng có sự cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, như năm 2015, doanh thu Fivimart chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu năm 2015 của Citimart là 1.355 tỷ đồng thì chỉ một năm sau đó đã tăng lên gần 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm đầu tiên hợp tác – năm 2015, Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, Fivimart lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Fivimart cho thấy, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp là năm 2016-2017 đều ở trên mức 1.000 tỷ đồng, bằng 80% doanh thu do đó lợi nhuận bị bào mòn chỉ còn vỏn vẹn hơn 242 tỷ đồng (năm 2017). Các khoản chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 272 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 11,8 tỷ đồng trong năm 2017.

Không sáng sủa hơn so với Fivimart, Citimart cũng báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu thuần năm 2016 của Citimart chỉ đạt hơn 1.598 tỷ đồng nhưng giá vốn bán hàng đã lên đến 1.389 tỷ đồng và các chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều ở mức cao.

Cả 2 siêu thị này đều có nợ vay khá lớn. Tính tới cuối năm 2017, nợ vay của Fivimart lên tới 317 tỷ đồng, trong khi nợ vay của Citimart đến cuối năm 2016 là 717 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến các chuỗi siêu thị mỗi năm mất hàng chục tỷ đồng chi phí lãi vay.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-thu-tang-nhung-fivimart-citimart-deu-bao-lo-sau-cai-bat-tay-voi-dai-gia-ban-le-nhat-3466260.html