Doanh thu hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, tự xuất bản điện tử đang thống trị thị trường sách?

Tính riêng năm 2018, tổng doanh thu của Top 6 thị trường tự xuất bản điện tử lớn nhất thế giới lên đến 10.499 tỷ USD. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm 36% doanh thu ebook trên toàn thế giới với 4.787 tỷ USD. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.

Tự xuất bản điện tử - Xu thế mới của thị trường sách

Thời đại 4.0, người ta nói rất nhiều về platform - nền tảng kết nối. Platform hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống với những cái tên nổi bật như Facebook, Uber, Grab, các trang thương mại điện tử... Các Platform về cơ bản đều thực hiện việc kết nối người bán và người mua. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ, platform mang lại hiệu quả hơn và trên quy mô lớn hơn so với hình thức truyền thống.

Riêng trong thị trường sách điện tử, sự xuất hiện của những nền tảng xuất bản điện tử đã tạo nên một bước đột phá ấn tượng. Đặc biệt, hình thức tự xuất bản điện tử, với những ưu điểm vượt trội, hiện đang có tốc độ phát triển khả quan, mang về doanh thu lớn cho ngành xuất bản trên thế giới.

Thời gian phát hành nhanh, phong phú về thể loại và phương pháp tiếp cận độc giả đa dạng, mô hình tự xuất bản điện tử đã và đang được công nhận là bước chuyển mình thông minh của thị trường xuất bản. Nhiều tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ ưu tiên sử dụng hình thức này bởi nguồn thu nhập lớn hơn. Đồng thời, đây cũng là bước đệm tốt để tác giả tạo nên tên tuổi và có cơ hội ký hợp đồng với các nhà xuất bản truyền thống với mức tỷ lệ bản quyền cao hơn.

Nhắc đến tự xuất bản điện tử không thể không kể đến các nền tảng xuất bản điện tử - cầu nối của tác giả và độc giả. Sở hữu cùng lúc cả trang web bán sách và nền tảng xuất bản điện tử hiệu quả nhất thế giới, Amazon hiện đang chiếm tới 85% thị phần trong lĩnh vực tự xuất bản. Mặc dù vậy, 15% thị phần còn lại cũng vô cùng quan trọng.

Ngoài Amazon với nền tảng Kindle Direct Publishing, những năm qua hàng loạt các nền tảng xuất bản điện tử đã ra đời trên thế giới và chứng minh được sự thành công. Những cái tên nổi bật phải kể đến Apple Books của Apple, Kobo, Barnes & Noble, Smashwords, Lulu.com... Tại châu Á, Shanda Literature - nay là China Literature đến từ Trung Quốc là ngôi sao sáng nhất trong danh sách các nền tảng xuất bản điện tử.

Những con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng thị trường tự xuất bản điện tử

Theo Báo cáo thị trường sách điện tử - Quý IV/2018 và Quý I/2019 – “Sự phát triển của mô hình tự xuất bản điện tử” của Nền tảng xuất bản điện tử Waka, sau một thời gian dài triển khai, thị trường tự xuất bản sách điện tử châu u và châu Mỹ bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, vào giai đoạn 2010 - 2018, châu Á là thị trường tiềm năng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Nổi bật nhất ở châu Á chính là thị trường tự xuất bản điện tử Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng luôn nằm trong top đầu thế giới.

Trong Top 6 thị trường tự xuất bản điện tử lớn nhất thế giới (gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật, Pháp, Đức), Mỹ nhiều năm giữ vị trí cao nhất về doanh thu sách điện tử. Năm 2018, doanh thu tự xuất bản điện tử ở Mỹ đạt 4.787 tỷ USD, chiếm 36% doanh thu ebook trên toàn thế giới. Dự báo trong năm 2019, doanh thu tự xuất bản của Mỹ sẽ lên tới 5.487 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo của Waka, có thể thấy trong năm 2015, doanh thu thị trường sách điện tử chia đều cho các nước Top 6. Tuy nhiên, đến năm 2018, mặc dù các nước top 6 đều có doanh thu tăng trưởng ấn tượng, xong một nhóm thị trường mới nổi đã xuất hiện trên biểu đồ doanh thu. Chiếm tới 21% trên tổng số doanh thu toàn thế giới, nhóm mới này hứa hẹn một tương lai đầy tiềm năng cho sự phát triển mạnh mẽ của mô hình tự xuất bản điện tử.

Xét riêng về doanh thu theo thể loại, sách Giả tưởng hiện chiếm tới 60% doanh thu nội dung tự xuất bản điện tử. Thể loại này được dự báo sẽ chiếm ưu thế vượt trội về cả số lượng và doanh thu trên thị trường nội dung tự xuất bản trong 5 năm tới.

Trung Quốc - điểm sáng của thị trường tự xuất bản điện tử châu Á

Với dân số hơn 1,4 tỷ dân, trong đó có 820 triệu người sử dụng internet, Trung Quốc hiện là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Tự xuất bản điện tử bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc từ những năm 2000 nhưng phải đến năm 2013 mới thực sự bùng nổ. Chỉ trong năm 2013, Amazon gia nhập thị trường Trung Quốc, còn CNIEPC (China Publishing Group) ra mắt nền tảng e-reading riêng.

Báo cáo của Waka cho thấy nội dung tự xuất bản điện tử ở Trung Quốc rất đa dạng với sách điện tử, truyện tranh online, nội dung giáo dục, báo điện tử, blog, nhạc, tạp chí. Trong đó, ebook và truyện tranh online luôn giữ tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục. Nội dung giáo dục online chỉ xuất hiện từ năm 2015 song đã có một bước tăng trưởng ấn tượng.

Tại thị trường đông dân nhất thế giới này, China Literature là nền tảng liên tục nắm giữ "ngôi vương" về thị phần với 820 triệu người dùng hàng tháng, vượt xa các đối thủ khác như iRead, Alibaba…

Xét về thể loại, Văn học là thể loại nội dung tự xuất bản điện tử phổ biến nhất ở Trung Quốc và liên tục giữ vững sự tăng trưởng qua các năm. Trong năm 2018, doanh thu nội dung văn học tự xuất bản điện tử ở Trung Quốc đạt 15,69 tỷ NDT (khoảng 53 nghìn tỷ VNĐ). Dự kiến, doanh thu mảng này sẽ đạt tới 18,2 tỷ NDT (khoảng 61,5 nghìn tỷ VNĐ) trong năm 2019.

Vốn được biết đến là cái nôi của thể loại văn học ngôn tình, không hề bất ngờ khi các tác phẩm tự xuất bản điện tử thuộc thể loại này luôn dẫn đầu về doanh thu. Sự bùng nổ của văn học mạng Trung Quốc cũng đã tạo nên những tác giả “triệu đô” nhờ tự xuất bản sách điện tử.

Tại Việt Nam, hình thức tự xuất bản điện tử còn khá mới mẻ nhưng đã có nhiều cái tên tiên phong. Một số hình thức và nền tảng hỗ trợ cho việc tự xuất bản sách hoặc dịch lại những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài đã ra đời và đang hoạt động vô cùng tích cực. Điều này hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho thị trường tự xuất bản điện tử Việt Nam.

Thông tin chi tiết về sự phát triển mô hình tự xuất bản điện tử. Vui lòng tham khảo báo cáo tại Waka.vn: Báo cáo thị trường sách điện tử - Quý IV/2018 và Quý I/2019 – “Sự phát triển của mô hình tự xuất bản điện tử”.

Waka là nền tảng xuất bản điện tử số 1 Việt Nam. Waka hiện phân phối và sở hữu hơn 13.000 cuốn ebooks thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Waka có hơn 3,5 triệu độc giả, tốc độ tăng trưởng 50% - 60% mỗi năm.

Hàng quý Waka sẽ làm các báo liên quan số liệu, dự báo sự phát triển của ngành sách (giấy, điện tử) trong nước và thế giới, để người dùng có thể cập nhật được các thông tin, số liệu về ngành sách nhanh nhất.

Nền tảng Waka là cầu nối giữa tác giả, dịch giả, nhà xuất bản và bạn đọc, giúp nâng cao văn hóa đọc của người Việt và mang đến một phong cách đọc sách hiện đại, tiện ích hơn.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/doanh-thu-hang-nghin-ty-usd-moi-nam-tu-xuat-ban-dien-tu-dang-thong-tri-thi-truong-sach-4020927-q.html