Doanh thu 'Bằng chứng vô hình' gây lo ngại

Bộ phim được kỳ vọng tạo cú hích doanh thu sau thời gian dài rạp chiếu ế khách lại gây thất vọng cho giới sản xuất phim Việt khi doanh thu thấp hơn phim ngoại chất lượng kém cùng chiếu

"Bằng chứng vô hình" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là tác phẩm đầu tiên trong 4 phim Việt ra rạp trong tháng 7 này. Dù khâu quảng bá, truyền thông được đẩy mạnh nhưng sau 3 ngày chính thức công chiếu, doanh thu của "Bằng chứng vô hình" phản ánh thực trạng rạp chiếu phim vẫn vắng khán giả khiến nỗi lo đè nặng lên những nhà sản xuất phim Việt.

Phép thử chưa thành công

"Bằng chứng vô hình" là phim Việt hóa từ kịch bản phim "Blind" (Nhân chứng mù) của Hàn Quốc. Nội dung phim kể về Thu (Phương Anh Đào đóng), học viên xuất sắc của Học viện Cảnh sát, gặp tai nạn giao thông mất đi em trai và thành người khiếm thị. Một dịp tình cờ, Thu trở thành nhân chứng trong một vụ tai nạn nhiều khả nghi rồi bị Lê (Quang Tuấn đóng) - một bác sĩ đam mê phẫu thuật thẩm mỹ, cũng là tên tội phạm biến thái - chọn làm con mồi tiếp theo. Phiên bản Việt hóa giữ lại đường dây câu chuyện, tình huống quan trọng trong tác phẩm gốc, đồng thời có những thay đổi phù hợp với bối cảnh Việt. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng nỗ lực đưa văn hóa Việt vào phim thông qua ngôi nhà tổ, xôi gấc, bếp dầu, tiếng rao hàng rong… Hình ảnh cảnh sát hình sự Việt Nam trong phim đa dạng và hấp dẫn hơn. Về mặt diễn xuất, Phương Anh Đào làm tốt vai trò của mình, các diễn viên còn lại đều tròn vai. Phim tạo được không khí hồi hộp, kịch tính ở một số phân đoạn hành động, rượt đuổi. Tuy nhiên, "Bằng chứng vô hình" cũng còn nhiều chi tiết thiếu hợp lý, bên cạnh lời thoại gượng gạo. Đặc biệt, việc xây dựng nhân vật phản diện - đối trọng với Thu, chưa đủ độ nguy hiểm mà nhân vật này cần có. Vì thế, cách hành xử của gã tội phạm trí thức này vẫn có những sơ hở không hợp lý. Dẫu vậy, đây là phim Việt được đầu tư chỉn chu, quảng bá tốt, tạo được hiệu ứng truyền thông. Ngay trước khi ra rạp, nhà sản xuất công bố phim bán được bản quyền phát hành đến gần 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… Trong thời điểm rạp Việt không có phim "bom tấn" ngoại, "Bằng chứng vô hình" được kỳ vọng sẽ là cú hích kéo khán giả đến rạp, sau thời gian tạm đóng cửa vì đại dịch.

Dù vậy, sau 2 ngày chiếu sớm và 3 ngày chính thức ra rạp (từ ngày 10-7), tính đến tối 13-7, theo thống kê của Box Office Việt Nam, "Bằng chứng vô hình" chỉ đạt doanh thu gần 4,6 tỉ đồng (số liệu có tính tham khảo, thường sai số khoảng 5%-7% so với số liệu do nhà phát hành công bố). Doanh thu này đã cao hơn rất nhiều so với "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Tôi là não cá vàng" phát hành trước đó nhưng chưa là gì so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Đáng nói là doanh thu của "Bằng chứng vô hình" còn thua cả phim được cho là hài nhảm của Thái Lan cùng chiếu.

Cảnh trong phim “Bằng chứng vô hình”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Cảnh trong phim “Bằng chứng vô hình”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Bài toán khó?

Lý giải việc "Bằng chứng vô hình" không mang về doanh thu như kỳ vọng, nhiều người trong giới cho rằng do nhiều nguyên nhân. Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, cho rằng với thể loại hình sự, giật gân có vẻ khán giả Việt quen xem phim Mỹ hơn là phim Việt. Thị trường phim Việt đã có dấu hiệu tốt hơn nhưng chưa phục hồi, chưa trở lại bình thường. Số khán giả vẫn còn e ngại dịch bệnh nên chưa lập lại thói quen đến rạp xem phim sau thời gian dài xem qua các nền tảng mạng và truyền hình tại nhà. Kinh tế khó khăn, nguồn chi phí dành cho giải trí cũng không thoải mái như trước và nó tác động mạnh không kém vào giới trẻ - lực lượng chủ yếu xem phim rạp.

Ông Phi Long (còn gọi Mr. Poly), Giám đốc Công ty TNHH Poly Media, nhận định nguyên nhân thị trường rạp Việt chưa sôi động trở lại là do phim Việt Nam chưa đủ mạnh cả chất lượng và số lượng, đa đạng đề tài để kéo khán giả ra rạp sau mùa dịch. Những bộ phim Việt ra rạp vừa qua càng chứng tỏ độ yếu kém của phim nội khiến khán giả thiếu hào hứng đến rạp.

"Tình hình doanh thu của "Bằng chứng vô hình" mang đến nỗi lo lớn cho nhà làm phim Việt, những người có phim chuẩn bị ra rạp trong tháng 7 và sau đó. Các nhà làm phim Việt chờ đợi kết quả của "Bằng chứng vô hình" để lên kế hoạch, tính toán cho phim mình nhưng tình hình này sẽ hơi khó bởi chẳng biết sẽ làm gì vì thị trường chưa hồi phục" - bà Minh Hằng bày tỏ.

Theo các nhà chuyên môn, thách thức mà các nhà làm phim cần phải vượt qua là buộc họ phải làm phim đạt chất lượng, quảng bá tốt để tạo được hiệu ứng truyền thông và gầy dựng niềm tin ở khán giả.

Tháng của phim Việt

Ngoài "Bằng chứng vô hình", tháng 7 còn 3 phim Việt ra rạp: "Đỉnh mù sương", "Bí mật thiên đường" và "Ròm". "Ròm" cũng được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu, kéo khán giả đến rạp.

Theo giới chuyên môn, trong thời điểm khó khăn này, rạp chiếu trong nước cần một tác phẩm đột phá, tạo được hiệu ứng truyền thông đủ hấp dẫn khán giả đến mức quên cảm giác e ngại, đắn đo chi tiêu để lập lại thói quen ra rạp. Trong khi phim Việt chưa đủ sức hút khán giả, rạp chiếu cần đến phim "bom tấn" Hollywood với những thương hiệu quen thuộc: "Quá nhanh, quá nguy hiểm" hoặc các siêu anh hùng của Marvel với lượng người hâm mộ đông đảo luôn làm nên kỷ lục doanh thu mỗi khi ra rạp Việt. Hẳn nhiên, phim Việt cũng hưởng lợi nếu được công chiếu cùng các "bom tấn" này. Nhưng hiện nay, hầu hết các phim "bom tấn" Hollywood đều đã hoãn lịch chiếu đến cuối năm 2020, một số phim dời hẳn sang năm 2021.

"Có lo lắng nhưng tôi nghĩ nhà sản xuất chẳng thể ngồi chờ "bom tấn" ngoại hoặc chờ thị trường phục hồi mà vẫn phải bắt đầu kế hoạch cho phim mình ra rạp. Để thị trường hồi phục buộc nhà sản xuất phải thử nghiệm, chấp nhận thách thức, mạo hiểm và có kế hoạch dự phòng để gỡ gạc những gì có thể" - bà Trịnh Lê Minh Hằng đánh giá.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/doanh-thu-bang-chung-vo-hinh-gay-lo-ngai-20200714204449985.htm