Doanh nhân Vũ Văn Chầm miệt mài 30 năm cùng Vina Giầy khẳng định vị thế thương hiệu Việt

Nhắc đến Vina Giầy, người tiêu dùng đều nhớ tới một thương hiệu da giầy chất lượng 'cộp mác' Việt Nam trên thị trường.

Chủ tịch Vũ Văn Chầm là ai?

Chủ tịch Vũ Văn Chầm sinh năm 1934 tại làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Được biết nơi ông sinh ra và lớn lên được lưu truyền là quê hương của 3 vị tổ sư nghề thuộc da, làm giày dép của nước ta từ đời vua Lê Thánh Tôn cuối thế kỷ thứ 15. Dòng họ của ông làm nghề giày dép và tuần tự cha truyền, con nối, đến thế hệ ông Chằm là đời thứ 18.

Là thành viên đời thứ 18 nên ông Chầm đã làm quen với nghề đo ni đóng giày từ thuở bé. Cha mất sớm, thương mẹ vất vả nên sau thời gian bôn ba, lăn lội khắp Hà Nội, Hải Phòng, năm 1952, ba anh em đưa mẹ vào miền đất hứa Sài Gòn để xây dựng cơ nghiệp.

Chân dung chủ tịch Vũ Văn Chầm

Chân dung chủ tịch Vũ Văn Chầm

Ông bắt đầu bươn chải đi làm công cho các chủ hiệu giày trong một thời gian ngắn từ năm 18 tuổi để tìm hiểu thị trường. Mất 5 năm, ông cùng anh em có cửa hiệu giày Thanh Bình ở số 263, đường Phan Đình Phùng. Tay nghề giỏi, phục vụ tận tình, giày đẹp nên chẳng bao lâu hiệu giày Thanh Bình đã có hơn 200 nhân viên, sản xuất giày da chất lượng cao bán cho 50 thương hiệu giày tiêu thụ khắp các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào; rồi mở lớp dạy nghề cho hơn 100 người, mua nhà, sắm xe… Thương hiệu này cũng một thời nổi tiếng khắp thế giới do được hãng giày Bata của Pháp đặt sản xuất gia công giày da chất lượng cao.

Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất, ông Chầm chấp nhận trở về vạch xuất phát. Tài sản sung vào hợp tác xã, tiêu chuẩn mỗi tháng 13 kg gạo, ông Chầm vào làm công nhân của tổ sản xuất Hoàng Diệu (quận 4), thời gian rảnh thì đặt chiếc tủ nhỏ nhận sửa chữa giày dép ở nhà, số 55, đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, cạnh xe bán rau má xay của vợ để cùng nuôi sống gia đình, nuôi 8 người con ăn học đàng hoàng (5 người tốt nghiệp đại học).

Thương hiệu giày Vũ Chầm đã phát triển nên thành Vina Giầy

Đến năm 1986, đất nước ta bắt đầu những bước đi đầu tiên trong công cuộc đổi mới. Nhưng phải đợi đến năm 1990, chủ tịch Vũ Chầm mới quyết định khởi nghiệp một lần nữa bằng việc thành lập Công ty Giầy Việt. Từ đây, thương hiệu Vina Giầy bắt đầu xuất hiện trên thị trường da giầy thành phố Hồ Chí Minh.

Hành trình doanh nhân Vũ Chầm khẳng định thương hiệu Việt cùng Vina Giầy

Vina Giầy được ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động kinh tế cả nước bắt đầu đi vào guồng máy của sự sôi động, nhộn nhịp chưa từng có. Đây cũng chính là thời cơ lớn cho các công ty tư nhân phát triển nhanh chóng. Nắm bắt được xu thế đó, Vina Giầy đã có những bước đi đúng đắn, tăng trưởng nhanh chóng và liên tục. Với phương châm “khách hàng là thượng đế, mọi lỗi lầm thuộc về nhà sản xuất”, thương hiệu Vina Giầy luôn được người dân thành phố tin tưởng, yêu chuộng.

Phương châm mà ông Vũ Chầm chia sẻ và yêu cầu 8 người con cũng như hơn 500 cộng sự của mình ở Vina giày phải tâm niệm rằng: khách hàng là thượng đế, mọi lỗi lầm đều thuộc về nhà sản xuất. Lợi ích của khách hàng lên trên hết. Ông bảo: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”, muốn xây dựng thương hiệu phải giữ chữ tín với người tiêu dùng.

Ông Chầm luôn tâm huyết với từng đôi giày bởi bên cạnh vai trò là một doanh nhân ông còn là một nghệ nhân (Nguồn: báo Công Thương)

Vina Giầy luôn hướng tới đầu tư công nghệ hiện đại, chủ động trong nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, tiết giảm các khoản chi phí cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề người lao động. Với sự chuẩn bị dài hơi từ những năm vừa qua, Vina Giày hoàn toàn có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm giày lên đến hơn 80%, đủ sức cung cấp số lượng lớn phụ kiện giày dép cho các doanh nghiệp da giày trong ngành.

Đối với máy móc, Vina Giày đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ tiên tiến được nhập khẩu từ nước ngoài. Với hệ thống nhà xưởng hiện đại, được thiết kế theo chuẩn quốc tế và máy móc tối ưu, nguyên phụ liệu của Vina Giày không chỉ đáp ứng được nguyên liệu cho xưởng sản xuất giày dép của mình mà còn cung ứng cho rất nhiều đối tác có tên tuổi trên thị trường. Không những tạo ra một sản lượng nguyên phụ liệu lớn, dây chuyền này còn có tính tự động hóa cao, hoạt động ổn định giúp tiết kiệm thời gian và nhân công lao động nên góp một phần rất lớn để hạ giá thành của sản phẩm.

Vina Giầy khẳng định vị thế bằng chất lượng

Đối với con người, trong nhiều năm qua, Vina Giầy đã liên tục đầu tư xây dựng một đội ngũ cán bộ, công nhân đủ năng lực và kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất, được quản lý bởi hệ thông chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và đã tiến tới ISO 9001:2008.

Tại Vina Giầy, tất cả vật liệu và thành phẩm đều phải được kiểm nghiệm lý tính và hóa học trước khi sản xuất và xuất xưởng nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với tiêu chí, chất lượng tạo nên uy tín, Vina Giày đã và đang mang lại sự hài lòng cho mọi khách hàng khi bắt tay cùng hợp tác.

Bên cạnh Vina Giầy, chủ tịch Vũ Chầm còn là Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam. Vì vậy, không chỉ quan tâm đến hoạt động của riêng Vina Giầy, mà trong tâm tư người nghệ nhân ấy luôn canh cánh về việc làm thế nào để khẳng định thương hiệu da giầy Việt Nam trên thế giới.

Vina Giầy đang thay đổi từng ngày để phù hợp với thị hiếu của đa dạng đối tượng khách hàng

Hiện Vina Giầy đang có 21 cửa hàng trải dài từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh và nằm trong top những thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao hơn 20 năm liên tiếp. Tuy nhiên Vina Giầy vẫn chưa thể chiếm được thị phần trong giới trẻ nguyên nhân được cho là thương hiệu đình đám này của Việt Nam vẫn chưa theo kịp xu hướng thời trang để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vốn là đối tượng chi tiêu cao vào trang phục. Từ màu sắc đến kiểu dáng, Vina Giầy gần như chỉ phù hợp nhất với giới nhân viên văn phòng và người lớn tuổi, giá bán lại không rẻ nên bị giới trẻ “thờ ơ” cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Chính vì vậy mà ngoài việc truyền lại bí quyết nghề cho con cháu và thợ thuyền, ông Chầm còn chủ trương đầu tư sâu hơn, rộng hơn về mọi lĩnh vực như công nghệ, kỹ năng thiết kế, nghệ thuật quản lý theo hướng hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc. Bên cạnh đó ông cũng lên kế hoạch phân định lại thị trường bằng cách dành tới 70% cho thị trường nội địa, còn lại 30% là cho xuất khẩu để củng cố và nâng cao thêm khả năng cạnh tranh của mình trước tình hình mới. Để bắt kịp thời đại, ông đầu tư cho con trai út Vũ Văn Hiền sang Mỹ học thiết kế sản phẩm, điều hành doanh nghiệp, marketing… cả chục năm trời để vững tin quay về cùng gia đình đưa Vina giày lên hương.

Triết lý kinh doanh nặng lòng với Phật

Ngoài giầy, ông Vũ Chầm còn một niềm say mê khác là nghiên cứu tư tưởng Phật giáo. Ông mang tư tưởng đó vào việc quản lý kinh doanh khi đưa ra bản đồ 8 nhánh bát chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định) để đánh giá chất lượng một con người, một doanh nghiệp.

Chủ tịch Vũ Văn Chầm là một doanh nhân nặng lòng với phật

Ông cho rằng: “Người lãnh đạo phải luôn như con tằm nhả tơ, phải biết yêu thương nhân viên của mình, làm sao để họ xem công ty là của họ, có như vậy họ mới gắn bó và làm việc hết mình”. Đối với ông: “Dù lãnh đạo một gia đình, doanh nghiệp hay một đất nước cũng đều cần phải có hai yếu tố, là trí tuệ và đạo đức. Ở nơi nào có tài và đức thì ở nơi đó có thành công, ở đâu chỉ có sự ngu dốt và không có đức thì ở đó bại vong”. Đức Phật chả dạy con người sống ở đời phải: giỏi nghề, bảo quản tài sản, làm bạn với người tốt và sống thăng bằng là gì! Có phải thế chăng mà khi tôi cật vấn chuyện tài sản, thu nhập, ông nằng nặc không nói. Ông nhỏ nhẹ, nhu cầu vật chất của mình chả cần gì nhiều nên cũng không như nhiều doanh nhân thích nói đến tiền, Vũ Chầm chỉ khoe công ty vui như gia đình, ai cũng có nhu cầu được cống hiến và sống tốt. “Sống là phải biết phấn đấu, đam mê, làm việc hết mình. Vật chất chỉ là thứ tạm dùng qua ngày, chết không mang theo được. Làm sao để lại cái tiếng tốt ở đời. Một doanh nhân thành công không phải kiếm được bao nhiêu tiền, mà ở việc mang lại được gì cho cuộc sống”, ông tâm niệm.

Nghệ nhân Vũ Văn Chầm tuy tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn nhờ ba thập kỷ nay ông sống thiền theo chân lý nhà phật và luôn giữ ngọn lửa cháy bỏng nghề khâu giày da truyền thống. Đối với nghề, ông tâm niệm rằng “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, và cả đời ông đã “sống chết” chỉ với một nghề là tạo ra những đôi giày đẹp nhất bằng đôi tay của mình. Đây chính là kim chỉ nam giúp ông vượt qua mọi khó khăn.

Thanh Thùy (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chan-dung-chu-tich-vina-giay-vu-van-cham-24944.html