Doanh nhân Việt - những người thắp lửa và giữ lửa trong cuộc cách mạng 4.0

Việt Nam từng có 'tàu… Bưởi', đang có 'ô tô… Vượng' và sẽ có hàng triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt do những doanh nhân, người kinh doanh sáng tạo mỗi ngày. Dù làm ăn lớn hay nhỏ, họ đang cùng làm nên hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam đa dạng, năng động và đầy năng lượng.

Từ quan niệm doanh nhân

Năm thứ 14, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về Ngày Doanh nhân Việt Nam. Một điểm đặc biệt, quan niệm về doanh nhân từng là chủ đề của Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2004 lại được bàn đến.

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm thứ 14, ông muốn đề cập điều gì?

Tôi muốn nhắc lại câu nói của một người bạn châu Âu, sau chuyến làm việc tại Việt Nam. Họ nói: “Châu Âu rất đẹp, nhưng cuộc sống thực sự là ở đây, ở Việt Nam”. Họ thấy một xã hội đầy năng lượng, sinh khí với tinh thần kinh doanh hiện diện ở mọi góc phố, vỉa hè. Năng lượng càng tràn đầy với sự phát triển của công nghệ, Internet.

Dù kinh doanh nhỏ hay lớn, doanh nhân Việt đang góp phần công sức tạo nên sức mạnh của nền kinh tế. Trong ảnh: Ông Vũ Tiến Lộc (thứ hai, từ phải sang) thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp địa phương tại Triển lãm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017

Thực tế này lý giải tại sao Việt Nam luôn có mặt trong tốp đầu những nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao trên thế giới. Mới nhất, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu cũng xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong số 54 nền kinh tế được khảo sát về Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu.

Vào thời điểm này, lo ngại về khả năng không đạt được trọn vẹn mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vào năm 2020 đang lớn lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến nay, Việt Nam mới có khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trước đó, mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 phải mất hơn một kỳ kế hoạch mới đạt được về số lượng, chưa bàn tới chất lượng, hiệu quả.

Có cảm giác như ông đang nói về một nền kinh tế vỉa hè, nơi những hộ kinh doanh li ti đang sinh sống?

Không thể cố chấp nghĩ hộ kinh doanh là nhỏ lẻ, nền kinh tế vỉa hè là không hiện đại, văn minh. Sức sống của nền kinh tế Việt Nam có một phần lớn nằm ở khu vực này, nơi đang nắm giữ hơn 30% GDP.

Một nền kinh tế năng động, mới nổi như Việt Nam không thể có vài trăm ngàn doanh nghiệp, mà phải có hàng triệu người kinh doanh. Thực tế, chúng ta đã có hàng triệu người kinh doanh, dù nhỏ lẻ.

Cách 14 năm, chúng ta đã phải đấu tranh, để gọi các thương lái là doanh nhân, thì lúc này, những những người kinh doanh nhỏ lẻ phải được gọi doanh nhân, chứ không phải đội ngũ… dự bị cho doanh nhân.

Nghĩa là, cộng đồng doanh nhân Việt không giới hạn ở các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, mà gồm cả 4-5 triệu người đang làm chủ sự kinh doanh của họ…

Nếu coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp, sẽ không phải bàn về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020, mà phải là vài triệu doanh nghiệp?

Vấn đề không phải là bao nhiêu, mà là doanh nghiệp, doanh nhân đó đang tham gia vào nền kinh tế ra sao.

Về định nghĩa, doanh nhân là người đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, quy mô có thể vài triệu đồng hay vài triệu USD. Nên các chủ hộ kinh doanh là doanh nhân, dù ta có gọi họ bằng cái tên gì. Đây mới là khái niệm mà các nước đang dùng.

Đó là cách để chúng ta hoàn thành một mục tiêu đã đề ra, để có một báo cáo đẹp?

Chúng tôi muốn thay đổi khái niệm về doanh nhân, để từ đó tác động đến chính sách.

Chúng ta đang gọi hộ kinh doanh là khu vực không chính thức, nhưng khu vực này tạo ra tới hơn 30% GDP, trong khi doanh nghiệp chính danh chỉ góp khoảng 8-9% GDP. Mục tiêu là chính thức khu vực này, bằng cách yêu cầu họ đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp.

Lịch sử ghi, năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là "vùng cấm" với người Việt, là kinh doanh vận tải đường sông. Các hãng tàu biển nổi tiếng lúc bấy giờ là của người Pháp và người Hoa, họ đã liên minh với nhau, để "bóp chết" tàu Bưởi. Khi đứng bên bờ vực phá sản, Cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, Tàu Bưởi đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi…

Tại sao không để họ tự chọn mô hình, phương thức kinh doanh, còn Nhà nước tạo khung khổ pháp lý để làm ăn minh bạch, rõ ràng. Trong nền kinh tế số, chỉ cần Internet và máy tính, một người có thể kinh doanh khắp toàn cầu, không cần doanh nghiệp…

Phải thẳng thắn, nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn, tầm hoạt động không nhỏ, nhưng họ không muốn thay đổi, muốn dùng thuế khoán, có thể “mặc cả” với cán bộ thuế… Nền kinh tế vỉa hè lôi thôi cũng xuất phát từ cách kinh doanh theo thỏa thuận, quan hệ…

Như vậy, khu vực không chính thức lớn, thì chỉ có họ và một số nhóm lợi ích được lợi, còn nền kinh tế về tổng thể là thua thiệt. Chúng ta cần xác định rõ người kinh doanh nào bước chân vào thị trường cũng là doanh nhân. Chính sách sẽ không phân khu như hiện tại, mà tập trung tạo môi trường để các doanh nghiệp, doanh nhân dù lớn, dù nhỏ cũng hoạt động minh bạch, đàng hoàng.

Có nghĩa cơ chế, chính sách sẽ tập trung nâng cấp chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, chứ không chỉ là tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường...

Với tư duy như vậy, sẽ không còn các câu hỏi tại sao hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp? Tại sao doanh nghiệp không muốn lớn? Tại sao kinh tế tư nhân phấn đấu mãi mà không thể hiện là động lực của nền kinh tế nhìn ở tỷ trọng đóng góp GDP…

Thậm chí, với tư duy mới về doanh nhân, chúng ta sẽ không phải lấn cấn về việc Vingroup có thực sự làm nên dấu ấn ở VinFast hay không như thời gian vừa qua…

Đến con đường của “tàu Bưởi”, “ô tô Vượng”

Trong vô vàn câu hỏi tại sao dành cho các doanh nghiệp tư nhân Việt, đang có câu hỏi mới, đó là tại sao Vingroup có VinFast và ô tô Việt làm sao để lăn bánh trên thị trường thế giới đã an bài.

Ông vừa nhắc tới doanh nghiệp siêu nhỏ, rồi lại nhắc đến một trong những thương hiệu lớn nhất Việt Nam, do tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam sở hữu…

Đó là bức tranh đa dạng, sinh động của nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế số, kinh tế chia sẻ cho phép chúng ta dám nghĩ đến, dám nói nhiều hơn về các tỷ phú USD, về giấc mơ sẽ có được những Bill Gate, Jack Ma của Việt Nam…

Vingroup không chỉ dám nói mà đã làm, đã có VinFast với sự trình diễn thực sự ấn tượng. Với tôi, việc hai mẫu xe của VinFast có mặt tại Paris Auto Show 2018 chưa nói lên được điều gì về thị trường, thị phần của thương hiệu này, nhưng tôi nhận được thông điệp quan trọng, là họ đã làm đúng cam kết, đã đi nhanh nhất trong kế hoạch bước chân vào ngành công nghiệp ô tô…

Trong thời đại 4.0, không còn “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh ăn cá chậm”…

VinFast đang đi đúng con đường của 4.0, tập trung vào phần cao nhất của chuỗi giá trị mà là thương hiệu và phân phối, mọi khâu đoạn khác có thể thuê, có thể mua.

Sự phát triển của công nghệ cho phép các doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi giá trị từ trên đỉnh, thay vì đi từng bước từ đáy như giai đoạn phát triển trước. Iphone đang làm rất tốt mô hình này, khi quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu với phần phát triển sáng tạo ở Hoa Kỳ và thuê ngoài các công đoạn sản xuất ở các quốc gia châu Á, mua linh kiện từ các nguồn khác nhau trên khắp thế giới.

Tại sao ta lại đòi doanh nghiệp Việt cứ phải đi con đường cũ; dèm pha cách đi mới? Tất nhiên, không thể nói mọi doanh nghiệp có thể đi nhanh bằng cách này, cũng như khó nói trước về sự thành công của các mẫu xe VinFast vì thách thức vô cùng lớn, nhưng cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra vô vàn con đường đi.

Khi nói về ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tôi lại nghĩ đến tàu biển của cụ Bạch Thái Bưởi hơn 100 năm trước. Chúng ta đã có “tàu Bưởi”, sao không thể có “ô tô Vượng”…

Lịch sử ghi, năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là "vùng cấm" với người Việt, là kinh doanh vận tải đường sông. Các hãng tàu biển nổi tiếng lúc bấy giờ là của người Pháp và người Hoa, họ đã liên minh với nhau, để "bóp chết" tàu Bưởi. Khi đứng bên bờ vực phá sản, Cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ mình? Tong vòng 6 năm, Tàu Bưởi đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi…

Vậy, chìa khóa để doanh nhân Việt thời 4.0 làm được điều mà hơn 100 năm trước, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi làm được là gì?

Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà doanh nhân là người giữ lửa. Cụ Bạch thành công vì khơi dậy được tinh thần chấn hưng đất nước của người Việt hơn 100 năm trước.

Tôi đã từng đặt câu hỏi, tại sao người Việt có tâm lý dị ứng với thành công của doanh nhân, doanh nghiệp Việt, hay nghi ngờ, thậm chí là không ủng hộ cách đi mới, cách nghĩ khác biệt của giới kinh doanh. Phải chăng có lý do từ những doanh nghiệp kinh doanh không đạo đức, thiếu trách nhiệm xã hội…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, kinh doanh sẽ không thể chỉ là “anh được, tôi được” theo nguyên tắc win – win, mà là không có ai mất, là kéo dài chuỗi win – win...

Theo ông, có làm được điều này không khi kinh doanh là cạnh tranh, có người thành công thì có người thất bại?

Trong nền kinh tế khai thác tài nguyên, nguồn lực là giới hạn, thì kinh doanh là cạnh tranh, phải có quan hệ, phải có xin-cho để tiếp cận được nguồn tài nguyên hữu hạn. Nhưng, trong nền kinh tế sáng tạo, chia sẻ, công nghệ đang mở ra vô hạn là cơ hội để doanh nhân kéo dài chuỗi win – win. Chìa khóa chỉ là con đường kinh doanh mà các doanh nhân chọn.

Tôi đang hình dung đến một lúc, các CEO trong doanh nghiệp sẽ là người máy, vì nó đưa ra các quyết định chính xác nhờ thuật toán, dữ liệu lớn… Lúc đó, doanh nhân – người chủ doanh nghiệp sẽ thức sự là người giữ lửa, giữ văn hóa, phát triển tinh thần trách nhiệm, bao dung trong kinh doanh.

Tôi cho rằng, doanh nhân Việt chính là người thắp lửa và giữ lửa trong cuộc cách mạng 4.0, không thể khác được...

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-viet---nhung-nguoi-thap-lua-va-giu-lua-trong-cuoc-cach-mang-40-d89256.html