Doanh nhân Việt Nam bản lĩnh và trách nhiệm

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức, khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhưng không để dịch bệnh 'nhấn chìm', nhiều DN Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất mà còn chung tay cùng Chính phủ, người dân đẩy lùi dịch bệnh. Có thể nói, chưa bao giờ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo... của DN, doanh nhân Việt thể hiện rõ như hiện nay.

Vượt “bão Covid-19”

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một bộ phận DN phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Nhưng đây cũng là giai đoạn bản lĩnh của nhiều doanh nhân được thể hiện để đưa DN trụ vững, tìm cơ hội phát triển mới. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; rà soát, tìm kiếm thị trường cung cấp, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa; nhanh nhạy phát triển sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh...

Điển hình như câu chuyện của Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery). Từ ý tưởng "giải cứu" nông sản bị ùn ứ vì không xuất khẩu được do dịch Covid-19, công ty đã nghiên cứu, sản xuất bánh mì thanh long, sầu riêng để góp phần hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Và từ ý tưởng này, nhiều DN chế biến thực phẩm khác cũng đã nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm bún, bánh tráng, bánh phở, mì sợi... kết hợp các loại rau củ. Với những sáng tạo này, các DN không chỉ góp phần khơi thông đầu ra cho nông sản mà còn gia tăng được lợi nhuận khi sở hữu sản phẩm độc đáo, được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng.

 Ông Nguyễn Hải Đường (bên phải), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Nhà máy M2 Factory, Hải Phòng.

Ông Nguyễn Hải Đường (bên phải), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Nhà máy M2 Factory, Hải Phòng.

Nhìn sang lĩnh vực dệt may, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của các DN khi sức mua toàn cầu giảm mạnh, một số DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Song, Công ty Cổ phần (CP) M2 Việt Nam nhìn nhận đây cũng là cơ hội để DN tái cơ cấu sản xuất, thị trường, tìm kiếm thêm đối tác. Ngày 10-10 vừa qua, công ty đã khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy M2 Factory tại Hải Phòng để cho ra sản phẩm mang thương hiệu thời trang riêng của M2. Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển của Công ty CP M2, có thể thấy bắt đầu phát triển từ cửa hàng chưa đầy 20m2 vào năm 2000 với việc phân phối sản phẩm của 1-2 nhà cung cấp, đến nay, công ty đã xây dựng được hệ thống hơn 20 trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2 tại Hà Nội, TP Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Moscow (Liên bang Nga) với sự tham gia của hơn 200 nhà cung cấp uy tín. Theo ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam, Nhà máy M2 Factory được đưa vào hoạt động là bước chuyển mình mạnh mẽ của DN. Bởi M2 không chỉ dừng lại là đơn vị phân phối mà bước sang lĩnh vực sản xuất, với mong muốn đáp ứng một số lượng hàng nhất định cho hơn 20 trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2, tạo ra chuỗi thương hiệu riêng thuộc M2, tiến tới là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu chất lượng ra thị trường quốc tế.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, dịch Covid-19 không chỉ là liều thuốc thử để chúng ta thấy rõ tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh mà còn thấy rõ trách nhiệm xã hội của cộng đồng DN. Sự chèo lái và bản lĩnh của doanh nhân đã giúp ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. “Doanh nhân thật sự là những người kinh doanh không hẳn vì riêng bản thân hay gia đình mình mà vì khát vọng lớn hơn, rộng hơn là vì xã hội. Doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên "mặt trận" kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chuyển đổi số - cơ hội để phát triển

Nhấn mạnh kinh tế số là cơ hội để Việt Nam định vị lại mình trong nền kinh tế thế giới, ông Vũ Tiến Lộc lấy ví dụ, trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các DN có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng ngày nay, DN nhỏ và vừa có thể giao thương toàn cầu nhờ thương mại điện tử. Song theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị và cơ chế, chính sách của quốc gia. Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Còn DN phải đổi mới mô hình kinh doanh, chủ động tìm hiểu các xu hướng, mô hình phù hợp và nhân lực, vật lực tương ứng để tham gia chuyển đổi số.

Kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh. Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp cấp bách được đưa ra để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 như: Tăng tốc đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh kích cầu nội địa, tiếp tục nghiên cứu các gói cứu trợ cả về tài khóa và tiền tệ... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, có một nguồn lực tăng trưởng quan trọng khác cần khơi thông, đó chính là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế. Đây là nền tảng dài hạn để nền kinh tế gia tăng nội lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa, tạo điều kiện để DN, doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh cả về chất và lượng.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nhan-viet-nam-ban-linh-va-trach-nhiem-640586