Doanh nhân và hành trình thiện nguyện

Khi mọi thứ phát triển với tốc độ quá nhanh, con người cũng bị cuốn theo cơn lốc ấy và dần trở nên vô cảm với đồng loại của mình. Mọi mối quan hệ, mọi sự liên kết tình cảm giữa người và người dường như đang mờ nhạt dần và ngày càng xa cách. Tuy nhiên, giữa 'cơn lốc' ấy vẫn còn nhiều, thậm chí là rất nhiều doanh nhân đang đi 'ngược chiều gió' để chìa tay ra với những mảnh đời khốn khó…

Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng đón nhận bằng khen.

Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng đón nhận bằng khen.

Tình người mang tên EB

Bệnh ly thượng bì bọng nước (EB) được giới y học biết đến như chứng bệnh di truyền rất hiếm gặp. Theo các nhà khoa học, trẻ mắc các chứng bệnh EB phải luôn chống chọi với sự đau đớn. Nếu cơ thể dùng kháng sinh lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Với mục đích chung tay xoa dịu nỗi đau tột cùng của những trẻ bị EB, nhiều nhóm thiện nguyện đã được những con người có tâm thành lập và Nhóm thiện nguyện EB cũng là một nhóm như thế.

Khi hoạt động thiện nguyện tại chùa Bồ Đề, chị Nguyễn Thị Bích Hằng – một nữ doanh nhân ở Hà Nội, thành viên của Nhóm thiện nguyện EB đã tiếp cận với bé Kiều Tâm Anh (tên thường gọi là Bông). Kể với truyền thông về quyết định nhận nuôi bé Bông, chị Hằng tâm sự: “Mỗi khi đến chùa thăm bé Bông ai trong nhóm cũng phải xót xa trước số phận của bé. Bệnh hiểm nghèo như vậy nhưng cháu phải sống trong môi trường thiếu thốn, không có điều kiện để chữa bệnh. Hơn thế căn bệnh của bé Bông luôn cần đến người chăm sóc và điều trị thuốc biệt dược phải mua ở nước ngoài chứ ở Việt Nam không có”.

Với bé Bông, ngoài chăm sóc, tặng thuốc thì do yêu cầu bệnh EB bé cần ở trong môi trường sạch, có điều hòa để làm khô và nhanh liên lớp da vì với bệnh này da rất mỏng, rất hay bị loét chính vì vậy nhóm thiện nguyện phải trích tiền để thuê nhà nghỉ có điều hòa để chăm sóc bé. Chị Trần Thị Linh, một thành viên khác của Nhóm thiện nguyện EB đã cho biết, vì bệnh tật bé Bông thường xuyên phải đi bệnh viện, thời gian đi viện của bé gần bằng thời gian ở nhà.

Bé Bông được Nhóm EB giúp đỡ, cưu mang để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo

Được biết, ở Việt Nam thì chi phí trị liệu cho một bé mắc bệnh EB ít nhất là 5 triệu/tháng. Đây mới chỉ là chi phí ban đầu để mua các vật dụng cần thiết để chữa trị cho bé, ngoài ra còn rất nhiều khoản chi khác. Thế nên nhiều gia đình nghèo không dám nghĩ đến các chi phí cho thuốc chữa bệnh và các bé phải gánh chịu nỗi đau triền miên mà căn bệnh mang lại.

Sau quá trình đi lại chăm sóc bé Bông, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Hằng đã đi đến một quyết định nhận nuôi bé Bông để có cơ hội được tiếp tục chăm sóc, chữa bệnh cho bé, dù chị đã có hai con, một trai một gái…

Cho đi là sẽ nhận lại

Đó là lời khẳng định của ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng (Quỹ DNVCĐ) trong ngày Quỹ "Tri ân doanh nhân vì cộng đồng" và đón nhận bằng khen của Thủ tướng vì "Đã có nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển Quỹ DNVCĐ liên tục nhiều năm, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố” vào dịp cuối tháng 11/2018 vừa qua.

Quỹ DNVCĐ do UBND TP.HCM cấp phép thành lập năm 2010 theo đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và các sáng lập viên; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự tạo vốn, vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước và đóng góp của các sáng lập viên để hoạt động. Địa bàn hoạt động của Quỹ không giới hạn trong phạm vi TP.HCM mà mở rộng ra cả nước, như Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, KonTum, Đắk Nông, Hà Nam...

"Không ai nghèo đi khi làm từ thiện. Tham gia Quỹ là cho đi và mình sẽ được nhận lại những gì mong ước" - ông Huỳnh Văn Minh đã thay mặt những doanh nhân nói lên suy nghĩ.

Quả đúng là như vậy, trong hoạt động “cho đi” liên tục trong các năm 2017-2018, Quỹ DNVCĐ đã trao tặng 11.150 phần quà Tết 2017, 2018 cho gia đình chính sách và người nghèo với tổng giá trị 5.079.050.000 đồng; tổ chức Chương trình Tiếp sức đến trường, trao tặng 471 xe đạp, 2.014 bộ sách giáo khoa và 3.920 phần quà cho học sinh nghèo, tổng giá trị 1.654.766.967 đồng; chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2017 và 2018, Quỹ đã tặng 7.566 phần quà trị giá 1.530.910.000 đồng cho thiếu nhi khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM, Kon Tum, Bình Phước, Đắk Nông, Bến Tre, Long An; thực hiện các chương trình an sinh xã hội với tổng giá trị 2.171.000.000 đồng.

Trong đó xây dựng 9 căn nhà tình thương, 2 căn nhà tình nghĩa, 2 tuyến đường, 4 cầu giao thông nông thôn tại Bến Tre, Đồng Tháp và Hậu Giang, một hồ bơi, một hệ thống lọc nước tại tỉnh Đồng Tháp; giúp đỡ đồng bào bị bão lũ tại các địa phương với tổng trị giá 1.646.440.000 đồng; tổ chức các chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 22.490 lượt bệnh nhân nghèo trị giá 2.337.715.000 đồng….

Và “nhận lại”, hàng năm, Quỹ DNVCĐ nhận được khoảng 5 - 6 tỷ đồng của doanh nhân và các nhà hảo tâm và số tiền năm sau cao hơn năm trước. Chỉ trong 2 năm 2017 - 2018, số tiền đóng góp của doanh nhân, các vị mạnh thường quân cho công tác xã hội - từ thiện đã trên 17 tỷ đồng (tiền mặt trên 7 tỷ đồng, hiện vật trên 10 tỷ đồng). Và ngay trong ngày “Tri ân doanh nhân vì cộng đồng” và đón nhận bằng khen của Thủ tướng, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp ngay cho Quỹ trên 3 tỷ đồng...

Nhưng hơn tất cả, điều “nhận lại” lớn lao nhất với những người điều hành Quỹ DNVCĐ và những doanh nhân đã và đang không nề hà đóng góp công sức, tiền của cho Quỹ là sự lên ngôi của tình người, sự an yên của những tấm lòng biết sẻ chia vì cộng đồng…

Những con số vui

Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ, không thể nói hết những tấm lòng hảo tâm trong xã hội nói chung và của những doanh nhân nói riêng vì người nghèo. Hy vọng rằng, qua những con số tổng kết vừa được Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố vào ngày 1/10/2019 trong buổi gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội trong 3 năm 2017 – 2020 có thể ghi nhận được những đóng góp lớn lao này.

Theo đó, tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,23%, giảm 1,47% so với cuối năm 2017; 1,2 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,95%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 33,63%, giảm 5,93%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 22,84%, giảm 4,72% so với cuối năm 2017.

Có mặt tại buổi lễ gặp mặt, biểu dương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo của Liên Hợp quốc và đang triển khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030 của tổ chức này. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thời gian qua chỉ từ 7-8%/năm, nhưng chi cho an sinh xã hội tăng bình quân trên 20%/năm.

Ngoài các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, Chính phủ cũng triển khai tín dụng chính sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho vay thoát nghèo hơn 200.000 tỷ đồng trong hơn 15 năm qua. Chung tay với Đảng, Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, theo số liệu của Ủy ban Trung ương MTTQ, trong 9 năm qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo trên 50.000 tỷ đồng để giúp đỡ họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Phó Thủ tướng cho biết: “Chưa kể nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã lặng lẽ hỗ trợ rất nhiều mà chưa thống kê được”.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, cả nước đã sửa chữa, xây mới 1,5 triệu nhà đại đoàn kết và giúp hàng triệu người thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông và các dịch vụ cơ bản khác. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, đã có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 200 xã thoát khỏi khó khăn, nhiều xã trở thành xã nông thôn mới hay thôn, bản nông thôn mới…

Được biết, ngày 17/10 tới, nhân ngày “Vì người nghèo Việt Nam”, Tháng cao điểm vì người nghèo sẽ được tổ chức nhằm vận động, tiếp nhận mọi nguồn lực ủng hộ người nghèo đón Tết 2020. Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành; đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài; các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp; doanh nhân, nhà hảo tâm; các tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục giúp đỡ người nghèo, tiếp tục ươm mầm những hạt giống thiện nguyện để cây đời mãi cho những quả ngọt mang tên “tấm lòng vàng”…

Diệu Hương (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/doanh-nhan-va-hanh-trinh-thien-nguyen-474855.html