Doanh nhân tự nói về stress

Những người theo nghiệp kinh doanh khá tâm đắc với các bài viết trên chuyên mục 'Quản trị sức khỏe' của TBKTSG. Nhìn chung, những câu chuyện tư vấn y học thường thức luôn có tác dụng thiết thực đối với mọi độc giả, nên rất mong quý báo sẽ duy trì việc đăng các bài viết với nội dung đa dạng hơn nữa. Nên xem đây không chỉ là diễn đàn của những người hành nghề y mà ngay cả những ai quan tâm vấn đề sức khỏe cũng có cơ hội được nói lên suy nghĩ của mình, trước hết là các doanh nhân đang ngày đêm chung sống với stress.

Khái niệm “stress” có thể diễn giải với nhiều nội hàm khác nhau. Nếu phiên các chữ cái ra tiếng Anh thì có thể phân tích STRESS theo nghĩa: đó là một trạng thái căng thẳng kéo dài (Strain), bao gồm cả tư tưởng tâm lý (Thought) và thể chất (Reality), kéo theo những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe (Effect), đòi hỏi bản thân mỗi người phải có sự nhận diện kịp thời (See) cũng như có những giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài (Solution). Có thể xem đây là một cách cụ thể hóa căn bệnh thời đại theo kiểu giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu, nhưng tương đối đầy đủ về bản chất của hiện tượng stress.

Theo BS. Lê Hùng, tác giả bài Giảm nhẹ stress xấu cho doanh nhân đăng trên TBKTSG tuần trước, stress có ba loại: stress tốt, stress chấp nhận được và stress xấu. Tất nhiên, ranh giới giữa các loại stress nhiều khi phức tạp, khó phân định rạch ròi. Bởi lẽ mọi thứ trên đời dường như đều có một giới hạn nào đó, tốt quá cũng chưa chắc là tốt, xấu quá cũng chưa hẳn hoàn toàn xấu. Nguy với cơ luôn song hành cùng nhau. Stress tốt hay xấu đều có tác dụng tích cực nhất định, nhiều khi giúp chúng ta ngộ ra những nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe. Do đó, điều rất quan trọng là phải luôn tự biết cách tìm ra điểm cân bằng phù hợp. Là doanh nhân thì buộc phải chấp nhận đối mặt với thực trạng “trăm công, triệu việc” buộc phải xử lý hoặc cố thoát khỏi nó. Đôi khi, những việc lớn nhưng chỉ cần một ít công sức vẫn có thể giải quyết được nếu biết cách. Ngược lại, có những thói quen tưởng nhỏ nhưng nếu không có tầm nhìn xa, không có quyết tâm cao sẽ dẫn đến hao binh tổn tướng, mất tiền, cạn kiệt sức khỏe (mà nhậu nhẹt thường xuyên là một ví dụ).

Thân phận doanh nhân Việt trong bối cảnh hội nhập ngày nay không đơn giản. Môi trường kinh doanh trong nước thì còn nhiều bấp bênh, pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế chính sách thường xuyên thay đổi, những rủi ro chủ quan/khách quan, vĩ mô/vi mô thật khó lường. Đi ra thị trường nước ngoài thì càng bị thử thách nhiều hơn vì phải đối mặt với các mánh lới bảo hộ, những thủ đoạn cạnh tranh không công bằng trong điều kiện thế và lực đều chưa thể sánh với thiên hạ. Rốt cuộc, stress trở nên rất phổ biến trong giới doanh nhân.

Và tự doanh nhân phải hóa giải stress cho bản thân. Cần lưu ý là người đang khỏe mạnh hay đang tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bệnh tật cũng đừng bao giờ chủ quan. Trong mọi trường hợp phải biết tự lo xa. Bên cạnh những tư vấn hữu ích của bác sĩ, chúng ta nên biết vận dụng công thức HAPPY (hạnh phúc) vào cuộc sống và công việc.

Công thức HAPPY, nếu diễn giải các chữ cái theo tiếng Anh thì bao hàm các nội dung:

(1) Heart: Về mặt thể chất, trước hết, cần biết cách bảo vệ trái tim vì đây là “động cơ” chi phối mọi hoạt động thân thể. Bất kỳ tác nhân nào có liên quan đến sức khỏe của trái tim đều phải cân nhắc kỹ, kể cả ăn uống, sinh hoạt, vui chơi giải trí… Một trái tim mạnh khỏe cần đi đôi với một tâm hồn cởi mở, bao dung, chủ động giải tỏa mọi áp lực bao vây mình.

(2) Action: Hành động đi đôi với sự năng động. Đây là lẽ sống của mỗi con người, không có nó, con người và thế giới không thể tồn tại.

(3) Passion: Sự đam mê sẽ dẫn dắt mọi thành công. Việc gì đã quyết làm thì cần làm đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, thấu hiểu đời sống tâm linh sẽ giúp tâm hồn thăng hoa, vượt lên trên những nhu cầu vật chất thường ngày khiến cuộc sống trở nên thi vị, có ý nghĩa hơn.

(4) Patience: Kiên trì nhẫn nại là tố chất căn bản cho sự thành công. Mọi thành tựu lớn lao, bền vững, trong đó có sức khỏe, luôn ẩn chứa đằng sau đó là sự kiên nhẫn vô bờ bến.

(5) Yoga: Luyện thở đồng nghĩa với quá trình trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống. Đây là phương thức kỳ diệu giúp cơ thể vượt qua nhiều loại tâm bệnh và thân bệnh.

Tâm Dân

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279888/doanh-nhan-tu-noi-ve-stress-.html