Doanh nhân truyền lửa đam mê bóng đá phong trào

Sau giờ làm việc, anh Mạc Mạnh Hà (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại thiết bị Vạn Tiến, TP. Vũng Tàu) thường ra sân đá bóng cùng bạn bè để rèn luyện sức khỏe. Niềm đam mê ngấm dần đã thôi thúc anh lập đội bóng đá trẻ, tập luyện và thi đấu theo hướng chuyên nghiệp để truyền lửa đam mê bóng đá đến cộng đồng.

Doanh nhân Mạc Mạnh Hà (bìa trái) tại giải Futsal do anh tổ chức.

Doanh nhân Mạc Mạnh Hà (bìa trái) tại giải Futsal do anh tổ chức.

THỎA NIỀM ĐAM MÊ

Qua mấy lần lỡ hẹn, tôi mới gặp được anh ở một nơi đầy bất ngờ: không phải quán cà phê, không phải văn phòng công ty mà là tại… sân bóng Thành Nam (số 1, Nguyễn Thái Học, TP. Vũng Tàu) vào buổi tối cuối tuần. Hôm ấy, đội bóng Hà Mạc FC của anh thi đấu với đội bóng Trường THPT Trần Nguyên Hãn.

Tối cuối tuần, cụm sân bóng Thành Nam hoạt động hết công suất khi cả 5 sân đều kín lịch. Hàng trăm cầu thủ đang chạy trên sân, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra Hà Mạc FC của anh, bởi dựa vào lời nhắn: “Đội bóng mình mang áo vàng, đóng thùng, đi vớ cao”. Thật vậy, nhìn vào trang phục thi đấu đã thấy, đây là một đội bóng có tổ chức kỷ luật cao, không như những đội khác trên các sân mang trang phục lộn xộn, không đồng bộ.

Mạc Mạnh Hà cho biết, từ năm 2010, anh đã thành lập đội bóng. Khi đó, cầu thủ trong đội chủ yếu là những người độ tuổi từ trên 20 đến 40 để cùng nhau rèn luyện sức khỏe. Theo thời gian, anh nhận thấy cần có đội bóng trẻ để thỏa đam mê chơi bóng nghiêm túc của mình. Vậy là năm 2018, anh bắt đầu tập trung vào đội bóng trẻ, độ tuổi từ 14-18. Dù chỉ là bóng đá phong trào nhưng anh đặt ra yêu cầu rất cao về tính kỷ luật khi tuyển chọn cầu thủ và hoạt động tập luyện. Theo đó, cầu thủ phải đóng quỹ (100 ngàn đồng/tháng), luôn mang đồng phục, bỏ áo trong quần, vớ cao khi thi đấu, tự mang theo nước uống cá nhân khi ra sân, khởi động tập thể, bắt tay đội bạn sau khi kết thúc trận đấu, sàng lọc thành viên liên tục... nhằm tạo nên phong cách riêng của đội. Tiếng lành đồn xa, số cầu thủ trẻ xin tham gia Hà Mạc FC ngày một tăng, lúc cao điểm lên đến gần 60 người. Qua quá trình sàng lọc gắt gao liên tục, CLB hiện còn 20 cầu thủ là những thành viên ưu tú nhất.

Những ngày không thi đấu giao hữu, đội thường rèn thể lực, khi thì trên sân bóng, khi tại công viên hoặc bãi biển. Cầu thủ tập luyện kỹ thuật cơ bản và chiến thuật dựa theo các video clip trên Internet. Đôi khi, một vài cầu thủ có kỹ thuật tốt từ các đội bóng bạn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp về giao lưu tranh thủ hướng dẫn cho đội. Điều quan trọng hơn nữa, anh không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho cầu thủ trẻ mà còn giáo dục họ hướng đến tinh thần đoàn kết, sống vì mọi người và tinh thần thể thao cao thượng. “Tuổi trẻ thường hiếu thắng, luôn sẵn sàng lao vào nhau để “ăn thua đủ” sau những pha va chạm. Tôi luôn yêu cầu họ phải biết nhẫn nhịn, đề cao tinh thần thể thao, thắng thua không quá quan trọng”, Mạc Mạnh Hà chia sẻ triết lý của mình.

HƯỚNG ĐẾN SỰ CHUYÊN NGHIỆP

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng, bởi đôi lúc anh ngừng lại để chỉ đạo, khi thì nhắc cầu thủ kèm người, khi thì thay người, lúc lại động viên tinh thần, yêu cầu cầu thủ thi đấu “máu lửa” hơn. Theo dõi trận giao hữu hôm ấy, chúng tôi thấy cầu thủ của Hà Mạc FC nhiều lần bị đối phương phạm lỗi, nhưng họ không hề tỏ ra bực tức, không ai buông tiếng chửi thề như cầu thủ các đội khác trên sân mà luôn cố tìm cách vượt qua đối phương bằng kỹ thuật.

Nguyễn Hoàng Quân (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) tham gia Hà Mạc FC từ đầu năm học lớp 10, đến nay được gần 2 năm. Quân cho biết, sinh hoạt cùng đội bóng, em không chỉ có nơi tập luyện bài bản mà còn được rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần đồng đội. Còn Nguyễn Công Thành (Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ BR-VT) thì chia sẻ rằng, sinh hoạt trong đội bóng, em đã học được nhiều điều hay, lẽ phải. “Chơi bóng giúp em giải tỏa stress sau những giờ học tập. Ba mẹ biết em được tập luyện trong môi trường tốt như vậy nên rất yên tâm và tạo điều kiện cho em được sinh hoạt cùng đội”, Thành nói.

Mấy năm qua, Mạc Mạnh Hà dành đến 70% quỹ thời gian cho đội bóng, bởi phải đảm trách mọi công việc, từ “ông bầu”, người quản lý, thủ quỹ đến nhiệm vụ săn sóc viên, thuê sân bãi, hướng dẫn cầu thủ tập luyện, tìm đội đá giao hữu, lo hậu cần cho đội. Từ năm 2020, hoạt động của đội cơ bản đi vào nền nếp, anh mới cân đối lại thời gian cho gia đình và tập trung hơn vào công việc kinh doanh.

Một trong những mục tiêu doanh nhân họ Mạc hướng đến là khơi nguồn cảm hứng cho những người cùng đam mê bóng đá chú ý phát triển bộ môn futsal tại BR-VT. Anh tâm sự, sau hơn 2 năm gắn bó với bóng đá trẻ, điều anh tâm đắc nhất là đã góp phần tạo nền tảng cho nhiều cầu thủ, từ kỹ thuật chơi bóng đến ý thức kỷ luật và đạo đức, lối sống, thúc đẩy phong trào bóng đá đẹp phát triển cũng như góp phần tạo sự an tâm cho các bậc phụ huynh.

“Bóng đá đã mang lại cho tôi những cảm xúc khó gì có thể so sánh được. Đó chính là được thỏa nỗi đam mê. Trong thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục duy trì đội đồng đều, ổn định nhân lực và sẽ đầu tư có chiều sâu hơn, thuê người về hướng dẫn cho bài bản, chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là xây dựng đội bóng phát triển chuyên môn theo loại hình futsal, có phong cách riêng tại địa phương”, anh nói.

Thời gian gần đây, Hà Mạc FC đã tham dự một số giải bóng đá giao hữu và đã gặt hái những thành công bước đầu như: giải Nhì Cup Tiger Sport tại Bình Dương (đầu năm 2020), giải Nhất sân 7 người tại sân bóng Phủi Vũng Tàu (tháng 5/2020), giải nhất cúp Hà Mạc Futsal, giải Nhất Cup Futsal Nam Sơn HCM… Ngoài ra, nhiều CLB bóng đá phong trào từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và trên địa bàn tỉnh thường xuyên liên hệ, mời đội thi đấu giao hữu bộ môn futsal trên sàn gỗ. Anh cũng đã tự bỏ kinh phí tổ chức Cup Hà Mạc Futsal, mời các đội bóng futsal ngoài tỉnh về thi đấu, tạo cơ hội cho cầu thủ cọ xát...

-Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-thao/202006/doanh-nhan-truyen-lua-dam-me-bong-da-phong-trao-901663/