Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm: Khát vọng làm sống lại văn hóa thưởng trà

'Tôi có một khát vọng đó là làm ra loại trà ngon nhất và làm sống lại văn hóa thưởng trà của người Việt Nam' - Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc, Tổng Cty CP Chè Linh Dương tâm sự.

Trà trăm năm, ngàn năm gắn bó với người Việt, với tần tảo gian nan và cả những phút giây an nhàn thư thái, xum vầy bên gia đình bạn bè. Cuộc sống hiện đại quá hối hả vội vàng đã khiến ta dường như không đủ thời gian để ta lắng đọng trong hậu vị từng chén trà, lắng nghe những cổ tích vọng về

Tổng giám đốc Thanh Tâm trên đồi trà Linh Sơn.

Trên miền biên viễn Lào Cai có một người phụ nữ lặng thầm chắt chiu những giá trị ngàn năm đó. Cuộc đời của chị là cuộc đời của trà nghĩa là cũng gian lao trên đất đồi cằn khô, dầu dãi nắng mưa, đi hết đắng chát rồi đến ngọt sâu, thanh bình và sâu lắng. Đó là doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Chè Linh Dương.

Đời tôi - đời trà

Cuối Thập kỷ 70, người dân thôn Sinh Tiền – thôn nghèo nhất của xã Minh Hóa một xã nghèo nằm heo hút trong vùng rừng núi Phú Thọ ngỡ đã được đổi đời. Cách đó mấy chục cây số là nhà máy chè do Liên Xô viện trợ; nhiều người nghĩ: chè thôn Sinh Tiền rồi đây sẽ vượt trùng khơi đến với Moskva, hay Đông Berlin (thủ đô Cộng hòa dân chủ Đức)...

Nhưng rồi ...những ngày mưa, xe thu mua của nhà máy không vào được thôn, cả kho chè ế bắt đầu ẩm mốc, rồi bốc mùi, bao mồ hôi công sức thu hái chè của cha mẹ, dân làngchảy theo dòng nước mưa, cái nghèo thì vẫn ở lại. Nỗi đau của chè cũng là nỗi đau, là sự gian khó của con người.

Nhìn những ngày mưa dài lê thê, Nguyễn Thị Thanh Tâm nói với mẹ cha rằng: Lớn lên con sẽ xây nhà máy thu mua chè cho mọi người. Ước mơ ấy cứ lớn dần và hối thúc cô gái Nguyễn Thị Thanh Tâm cất bước. Chị tâm sự: "Tôi mơ, giấc mơ về trà nơi những đồi trà không còn nụ cười héo hắt. Những đồi trà mà rồi đây sẽ cho ra thứ sản phẩm ngon nhất và thức dậy trong tâm hồn Việt Nam sự thanh bình sâu lắng của văn hóa thưởng trà".

Từng gian khó, cần kiệm để trở thành sinh viên duy nhất của xã nghèo Minh Hóa rồi là cô giáo tại thôn Sinh Tiền, Nguyễn Thị Thanh Tâm đã gác lại, cất bước đi theo ước mơ thủa thiếu thời. Nhưng bước đi, sau đắng chát liệu có là ngọt lành?

Năm 1994, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm rời quê nhà theo chồng lên Lào Cai sinh cơ lập nghiệp. Vốn liếng chỉ vẻn vẹn 11 triệu đồng. Năm đó chị vừa 24 tuổi, một nách hai con thơ, vị đắng sự gian khó của chè đeo đẳng người phụ nữ trẻ với tâm nguyện phải đi để thay đổi số phận và tìm vị ngọt của trà.

Nguyễn Thị Thanh Tâm đã làm đủ mọi nghề, vật lộn với cuộc mưu sinh. Thân gái, chị bôn ba theo những chuyến hàng qua cửa khẩu. Có lúc trắng tay, có lúc khuỵu ngã, nhưng giấc mơ về trà kéo chị đứng dậy, hối thúc chị cất bước.

8 năm sau, nghĩa là năm 2002, lãnh đạo Lào Cai ngỡ ngàng trước đề án “Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang trồng chè ở một số huyện vùng sâu vùng xã” của nữ doanh nhân mới ngoài ba mươi tuổi. Phải nói rằng, đề án đã thuyết phục được toàn bộ ban lãnh đạo tỉnh, với lộ trình rành mạch về vùng nguyên liệu tập trung, nhà máy chế biến, và cả danh mục sản phẩm.

Sự ngỡ ngàng của giới lãnh đạo Lào Cai không phải không có cơ sở, bởi vì trước đây, nhà nước đã đầu tư không ít vốn, nhân lực khoa học kỹ thuật để phát triển vùng trà nguyên liệu, những nông trường trồng chè được thành lập nhưng rồi người trồng chè tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Phải thừa nhận, lãnh đạo huyện Linh Dương phải gan lắm mới dám quyết cho doanh nghiệp 20ha, nhưng vị nữ giám đốc Công ty từ chối và... đòi tối thiểu 100ha. Đề án phải trình lên đến Chủ tịch tỉnh khi đó là ông Bùi Quang Vinh (người sau này đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT).

Lắng nghe những trình bày và kế hoạch của vị nữ giám đốc, ông Chủ tịch quyết định đáp ứng nguyện vọng của Linh Dương. Và chỉ một năm sau, vị ngọt của trà đã tìm về với nữ giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm, với vùng chè Lào Cai.

Thức dậy tinh hoa thưởng thức trà Việt

Vậy là chè đã lựa chọn chị, sự lựa chọn trong gian khó, cam go. Ngay khi nhà máy đang giai đoạn xây dựng, vì vô vàn yếu tố, số vốn đã bị đội lên gấp đôi: từ 20 tỷ vọt lên con số 38 – 40 tỷ đồng. Rồi những ngày bà chủ công ty cùng công nhân viên vật lộn với bùn đất, bạt núi, san đồi, ươm từng bầu chè. “Hãy mở đường đầy gian khó để đi đến thành công”, đó là quyết tâm của doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm.

Đồi trà Linh Sơn quy hoạch ở Khu Du lịch - Văn hóa tâm trà..

Năm 2004, mười năm sau khi rời khỏi thôn nghèo Sinh Tiền, Nguyễn Thị Thanh Tâm trở về quê cũ với niềm hạnh phúc ngập tràn, ước mơ thiếu thời nay thành hiện thực. Chị đang có vùng nguyên liệu bạt ngàn, một xưởng sơ chế và nhà máy chế biến chè hiện đại. 10 sản phẩm tâm trà Linh Dương đang chinh phục giới mộ điệu, đem hương vị trà Việt tới những thị trường sành trà như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, vươn tới tận Trung Đông.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm đang hướng về niềm tin với cây trà của vị ngọt sâu lắng trà Việt. Một nét văn hóa mà không phải dân tộc nào cũng có được.

Cả gan vẽ lại bản đồ chè Lào Cai, đánh thức cả một vùng nguyên liệu nhưng thế là chưa đủ cho câu chuyện cổ tích về trà mà Nguyễn Thị Thanh Tâm viết nên. Hương vị trà khơi nguồn sáng tạo, hương và vị ấy hối thúc vị nữ doanh nhân tìm về những tinh hoa trà Việt như sự tri ân báo đền cho cây chè từ những ngày xưa gian khó.

"Tôi làm ra trà ngon nhất, sạch nhất và tôi muốn thức dậy tinh hoa thưởng thức trà của người Việt" - chị Tâm chia sẻ. Vậy là chiến lược nâng tầm trà Việt được Tổng công ty cổ phần Linh Dương khởi động, với dự án đầy tham vọng: “Quần thể Văn hóa Du lịch sinh thái Nông nghiệp CNC- Điện mặt trời”.

Trên vùng Linh Sơn (vùng nguyên liệu của Tổng công ty) mở ra cả không gian văn hóa trà. Nơi đây, cả không gian bạt ngàn 380 ha trên là trời, dưới là trà; ở đây nông nghiệp công nghệ cao của thế kỷ XXI sẽ được gắn kết cùng nguồn năng lượng xanh - Điện mặt trời và du lịch văn hóa.

Truyền thống đan xen cùng hiện tại và văn hóa nâng tầm sản phẩm. Một bảo tàng trà sẽ được dựng lên tái hiện 5000 năm lịch sử trà Việt, tái hiện cách thưởng trà của người Việt từ cổ xưa đến hiện đại, từ bình dị đến quý tộc cung đình. Dưới mái hiên nhà sàn, hay những mái nhà đơn sơ, người nghệ nhân sẽ chế biến và pha trà theo công thức ngàn năm tổ tiên truyền lại. Một ấm trà bình dị, mộc mạc, chắt chiu từ từ sương và mây núi sẽ đưa du khách đến với sự thanh tao, sâu lắng.

Còn rất nhiều điều đáng nói về dự án Nâng tầm trà Việt đang gọi hồn trà Việt Nam giúp nó cất canh vươn cao trên con đường hòa nhập!

Trong không gian văn hóa trà Việt, du khách tận hưởng, nghỉ dưỡng. Họ không chỉ đến được với những nương trà xanh ngút tầm mắt mà còn có thể tự tay hái và chế biến như một món quà lưu niệm từ đất Lào Cai. Hương và vị trà Linh Dương dẫn đường, mở lối đưa du khách tìm về ký ức, hay chiêm nghiệm những thăng trầm cuộc sống và tận hưởng sự trong lành mà đại ngàn dành tặng.

Lê Nam

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nhan-nguyen-thi-thanh-tam-khat-vong-lam-song-lai-van-hoa-thuong-tra-120608.html