Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Thu: Người tiên phong đưa trái cây tươi xuất ngoại

Khởi đầu với việc làm cung ứng hàng hóa cho thị trường Trung Quốc, doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Thu luôn đau đáu tìm tòi mọi con đường vào được châu Âu và Mỹ, nhất là để trái cây Việt Nam có thể chinh phục được thị trường khó tính nhất.

Đưa lô xoài đầu tiên đi Mỹ,
lô nhãn đầu tiên sang Úc

Chính phủ Việt Nam đã mất hơn 10 năm đàm phán và mãi đến ngày 18/2/2019, Cục Kiểm dịch thực động vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đồng ý trao “giấy thông hành” cho trái xoài Việt Nam vào Mỹ.

Đến ngày 18/04/2019 thì Việt Nam có lô xoài đầu tiên xuất khẩu sang thị trường này và đơn vị xuất khẩu lô xoài đầu tiên đó chính là Công ty Chánh Thu của doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Thu.

Bà Hồng Thu cho biết, 8 tấn xoài đầu tiên xuất sang thị trường Mỹ là xoài cát Hòa Lộc, cát chu, tượng da xanh. Số xoài này công ty thu mua từ HTX xoài Mỹ Xương của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đạt tiêu chuẩn VietGAP, bởi xoài xuất khẩu sang Mỹ không chỉ đảm bảo về chất lượng, không tồn dư thuốc BVTV còn phải đạt chuẩn về kích cỡ. Lô xoài này đã được xử lý, đóng gói và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và APHIS cấp mã số vùng trồng (code) để quản lý và truy xuất nguồn gốc và Chánh Thu cũng là công ty đầu tiên được phía Mỹ cấp code nhà đóng gói.

Tháng 8/2019, nhãn là loại trái thứ 4 của Việt Nam cùng với thanh long, xoài và vải được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc cho phép nhập khẩu.

Để được cấp code xuất khẩu nhãn vào Úc, từ năm 2015 Công ty Chánh Thu - một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia mở cửa thị trường Úc đã mời Đoàn chuyên gia Úc sang Việt Nam cùng với Cục BVTV đi kiểm tra vùng trồng, quy trình sản xuất và đóng gói của công ty.

Mãi đến năm 2018 Chính phủ Úc mới đồng ý cấp code nhập khẩu nhãn của Việt Nam. Năm 2019 Chánh Thu bắt đầu xuất khẩu những lô nhãn đầu tiên vào thị trường Úc.

Covid -19 là phép thử bản lĩnh doanh nhân

Khi được hỏi chị đã suy tính gì để đưa công ty vượt qua cơn “sóng dữ” có tên dịch Covid-19, bà Hồng Thu đã tâm sự, năm 2020 là một năm hoạt động kinh doanh đầy khó khăn cho doanh nghiệp, vì vừa phải đối phó với vấn đề chất lượng sản phẩm, số lượng vừa phải đối phó với những diễn biến khó lường của đại dịch phía trước, đã có lúc cảm thấy bất an vì có những thị trường xuất khẩu gần như bế tắc hoàn toàn.

Covid-19 là một phép thử với bản lĩnh doanh nhân. Trong bối cảnh khó khăn thì năng lực là vấn đề quan trọng, nó quyết định việc doanh nghiệp có thể chống chịu được hay không để từ đó mở ra hướng đi thích ứng giai đoạn mới.

Hơn nữa, doanh nghiệp muốn phát triển tốt không nên được phụ thuộc vào một thị trường, nghĩa là “không mang trứng bỏ vào một giỏ”, mà phải đa dạng hóa thị trường và tìm cách đứng vững trên tất cả các thị trường, để khi gặp khó khăn ở thị trường này thì có thị trường khác hỗ trợ.

Nền tảng vững chắc cùng bản lĩnh thị trường đã giúp Chánh Thu vượt khó trong thời gian qua, nữ doanh nhân Hồng Thu chia sẻ, trong nguy luôn có cơ, nắm bắt được cơ hội cho thời kỳ mới cũng là vấn đề rất quan trọng.

Khát vọng chinh phục thị trường khó tính

Bà Hồng Thu chia sẻ, khi được phía Mỹ mở cửa thị trường cho các loại trái cây tươi như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, xoài thì Chánh Thu là đơn vị tiên phong đưa chúng xuất ngoại. Những bước đi đầu tiên tiếp cận các thị trường cao cấp này công ty đã gặp không ít khó khăn. Và chính những khó khăn đó đã giúp Chánh Thu nhận ra cần phải thay đổi tập quán và mô hình canh tác của người nông dân.

Đến nay, công ty đã liên kết với các hợp tác xã trồng xoài ở các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre…, xây dựng, quản lý hơn 175 ha xoài các loại sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, và đã được cấp mã code vùng trồng để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản … Nhờ vậy, sản phẩm xuất khẩu của Chánh Thu đã tránh được rủi ro về dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm.

Nhật Bản nhập khẩu sản lượng trái cây rất ít nhưng yêu cầu rất cao, nhưng lại là thị trường mà Chánh Thu muốn thử sức nhất để thử thách năng lực của mình. “Cuối cùng, chúng tôi đã chính phục được thị trường Nhật Bản và xuất khẩu trái sầu riêng, trái vải... vào thị trường này.”, nữ doanh nhân Hồng Thu chia sẻ, “Khi xuất khẩu thành công ở các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu thì uy tín của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều, nhờ vậy xuất khẩu vào các thị trường khác cũng sẽ dễ dàng hơn”.

Mở thị trường đã khó, giữ thị trường còn khó hơn

Chia sẻ về chính sách và môi trường kinh doanh hiện nay, bà Hồng Thu cho rằng, Chính phủ đã rất mất thời gian khi đàm phán mở mới một thị trường, còn giữ thị trường là trách nhiệm của của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp đã không biết trân trọng và giữ gìn thị trường cho tốt lại còn làm cho hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài ngày càng trở nên ‘xấu xí’ trong mắt người tiêu dùng. Đó là điều trăn trở nhất và bức xúc nhất.

Các doanh nghiệp đều có chung nguyện vọng là mong Chính phủ mở mới thị trường cho nhiều loại trái cây hơn nữa, nhưng để giữ được thế mạnh của nông sản Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu cao cấp, trước hết phải xem lại năng lực sản xuất trong nước có đáp ứng được các đòi hỏi về chất lượng sản phẩm của thị trường nhập khẩu hay không. Đây là điều cần quan tâm nhất.

Hiện ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn sản xuất manh mún, rải rác chưa xây dựng vùng nguyên liệu lớn để khẳng định năng lực của một sản phẩm, và minh bạch chất lượng nên các doanh nghiệp xuất khẩu liên tục gặp rủi ro.

Về phía Chính phủ, bà Hồng Thu đề cập, chúng tôi mong muốn sau khi đã mở được thị trường nào cần nghiên cứu trước về các yêu cầu chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ... của thị trường đó, và chuyển giao các quy trình này lại cho doanh nghiệp để sản xuất đúng theo yêu cầu của khách hàng.

Ví dụ, trái nhãn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu gì, vận chuyển bằng đường biển phải bảo quản được ít nhất là 2 tháng, bảo quản được 2 tháng thì doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ gì, và áp dụng như thế nào vì hiện nay đa phần doanh nghiệp tự mày mò.

Bên cạnh đó, việc liên kết với nông dân cũng không hề đơn giản, phần lớn nông dân chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, không ủng hộ quy trình sản xuất của doanh nghiệp đưa ra nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khiến doanh nghiệp khó giữ uy tín với nhà nhập khẩu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành nông nghiệp cần có quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường để nông dân làm theo còn doanh nghiệp thì tránh được rủi ro.

XUÂN CƯỜNG

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/doanh-nghiep/doanh-nhan-nguyen-thi-hong-thu-nguoi-tien-phong-dua-trai-cay-tuoi-xuat-ngoai-3553227.html