Doanh nhân ngân hàng thời khủng hoảng

2020 là một năm đầy khó khăn và ngân hàng là một ngành có vai trò đặc biệt. Các doanh nhân ngân hàng một mặt phải chèo lái 'con thuyền' của họ vượt sóng dữ, đảm bảo an toàn cho chính con thuyền và các thủy thủ trên thuyền, mặt khác lại phải hỗ trợ những 'con thuyền' khác vượt qua khó khăn.

Không có làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng trong mùa dịch là nỗ lực lớn của giới doanh nhân ngân hàng

Không có làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng trong mùa dịch là nỗ lực lớn của giới doanh nhân ngân hàng

Cuộc khủng hoảng cách đây khoảng 10 năm đã làm lộ diện nhiều ngân hàng yếu kém. Cho đến tận bây giờ, ngành ngân hàng vẫn “nặng gánh” khi không ít ngân hàng yếu kém vẫn “thoi thóp” chờ giải cứu, số khác thì loay hoay tìm cách đứng lên dù “lưng đã còng, chân đã mỏi” vì nợ xấu. Cổ đông, cán bộ nhân viên… của các ngân hàng này cũng chịu tác động nặng nề.

Trong khi nhiều doanh nhân dính vào cảnh tù tội bởi sai phạm tại các ngân hàng yếu kém thì một số ít doanh nhân khác lại dấn thân giải quyết “mớ hỗn độn” này. Trong đó tiêu biểu phải kể đến ông Dương Công Minh (tái cơ cấu Sacombank), ông Đỗ Minh Phú (tái cơ cấu TienPhongBank) và ông Đỗ Quang Hiển (tái cơ cấu Habubank).

Tất nhiên, trong nguy có cơ, có tiềm năng thu về lợi ích thì họ mới làm nhưng những doanh nhân này xứng đáng nhận được sự tôn vinh từ xã hội, bởi những đóng góp trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động và lợi ích của cổ đông.

Nhìn lại, thời kỳ đầu là rất khó khăn. Sau khi sáp nhập Habubank hồi tháng 8/2012, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng trong quý III/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.

Chỉ một vài năm gần đây, lợi nhuận của SHB mới phục hồi lại được mức tương xứng với quy mô ngân hàng. Đối với nợ xấu, dự báo có thể giải quyết dứt điểm trong năm nay hoặc năm sau. Như vậy, cũng phải cần đến 8 – 10 năm để ngân hàng thẩm thấu “nỗi đau” sau sáp nhập, giải quyết nó và hưởng thành quả.

Hành trình không dễ dàng này vẫn đang tiếp diễn ở Sacombank.

Chính thức nắm quyền tại Sacombank từ tháng 6/2020, ông Dương Công Minh đặt ra 4 nhiệm vụ chính để tái cơ cấu thành công. Một là phải xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý, tái sắp xếp lại toàn bộ nhân sự của Sacombank. Hai là phải xây dựng lại toàn bộ quy chế, quy trình nghiệp vụ của Sacombank phù hợp với giai đoạn tái cơ cấu và nâng tầm quản trị điều hành.

Ba là phát triển kinh doanh, cải thiện năng suất lao động. Bốn là tích cực xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm.

Sau gần 3 năm, nội lực và vị thế của Sacombank được cải thiện khá rõ rệt, nhưng mục tiêu quan trọng là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm đang chịu nhiều thách thức.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank là 2,15%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu chưa xử lý tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu lên đến trên 10%. Áp lực thoái lãi dự thu cũng không phải nhỏ.

So với ông Đỗ Quang Hiển và ông Dương Công Minh, ông Đỗ Minh Phú có vẻ “mát tay” hơn khi TPBank phục hồi khá nhanh chóng.

Dữ liệu tính đến ngày 29/2/2012 cho thấy TienPhongBank (tên cũ của TPBank) rơi vào tình trạng mất thanh khoản trầm trọng, giá trị lỗ lũy kế lên tới 1.360 tỷ đồng, âm gần một nửa vào vốn chủ sở hữu. Nợ xấu tại thời điểm đó là 6%, có nguy cơ mất vốn điều lệ... và buộc phải tái cơ cấu.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, TPBank đã có lãi 116 tỷ đồng. Giai đoạn 2013 – 2019, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của ngân hàng này lên đến 75%/năm. Năm 2019, con số lợi nhuận mà TPBank đạt được đã lên đến gần 3.900 tỷ và có thể vượt mốc 4.000 tỷ trong năm 2020 bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhìn lại để thấy, hành trình “cứu nguy” là rất gian nan và vai trò của các doanh nhân ngân hàng này không khác gì những “người hùng”.

2020 là một năm đầy khó khăn và ngân hàng là một ngành có vai trò đặc biệt. Các doanh nhân ngân hàng một mặt phải chèo lái “con thuyền” của họ vượt sóng dữ, đảm bảo an toàn cho chính con thuyền và các thủy thủ trên thuyền, mặt khác lại phải hỗ trợ những “con thuyền” khác vượt qua khó khăn.

Số liệu cho thấy tính đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Dữ liệu cũng cho thấy không có làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng trong mùa dịch.

Những kết quả trên là xứng đáng được ghi nhận và các doanh nhân ngân hàng – những người đã và đang góp phần chèo chống nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này - xứng đáng được tôn vinh.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-nhan-ngan-hang-thoi-khung-hoang-20180504224244866.htm