Doanh nhân cấp chiến lược

Có doanh nhân cấp chiến lược, hệ thống doanh nghiệp của nền kinh tế sẽ có những đại bàng dẫn dắt để trụ cột của nền kinh tế ngày càng lớn.

Trong cuộc Đối thoại Việt Nam năm 2045 ngày 6/3/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng lúc đó, đã nói: “Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giầu, nước càng mạnh, và tự cường càng lớn”.

Trong cuộc Đối thoại Việt Nam năm 2045 ngày 6/3/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng lúc đó, đã nói: “Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giầu, nước càng mạnh, và tự cường càng lớn”.

Có doanh nhân cấp chiến lược, hệ thống doanh nghiệp của nền kinh tế sẽ có những đại bàng dẫn dắt để trụ cột của nền kinh tế ngày càng lớn như mong muốn đó của ông.

Mối quan hệ lớn

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu phải nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Về kinh điển, đó là mối quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Trên thực tiễn, đó là quan hệ giữa thị trường và nhà nước. Trong thời sự, đó là quan hệ giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.

Qui tụ lại, quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ biện chứng giữa đời thường của người dân với hoạt động hàng ngày của nhà nước. Đó là mối quan hệ giữa Dân là gốc với Đảng là lãnh đạo.

Như đã thấy trong lịch sử và trên thực tiễn, nhân tài chính trị thời nào cũng có. Trong những năm chiến tranh vệ quốc, nhân tài chính trị là nhân tài quân sự. Tại thời kỳ nhà nước làm kinh tế với nền kinh tế kế hoạch hóa, đó là nhân tài “hai trong một”, vừa làm chính trị vừa làm kinh tế. Thời đó, Thủ tướng làm kinh tế, Bộ trưởng làm kinh tế, Chủ tịch tỉnh-huyện-xã làm kinh tế.

Tình hình đã thay đổi khi công cuộc Đổi Mới được khởi xướng năm 1986, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, hệ thống đồ sộ của doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại, thu hẹp dần, phần lớn sẽ chuyển sang doanh nghiệp cổ phần. Nhân tài kinh tế nhà nước đã có sự khác biệt với nhân tài chính trị.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân lại phát triển cả về lượng và chất ở tầm chưa từng có với xuất phát điểm là con số không trước Đổi Mới. Hiện tại, khu vực này đã và đang đóng góp tới gần 40%GDP, lực lượng gần 800 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình, với trên 25 nghìn người sở hữu tài sản triệu USD, trong đó gần 500 người sở hữu tài sản trên 30 triệu USD, 6 người sở hữu tài sản nhiều tỷ USD trong danh sách tỷ USD thế giới.

Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên Việt Nam (VBF) năm 2020

Nhân tài kinh tế nếu không có nhiều trong khu vực kinh tế nhà nước thì khu vực kinh tế tư nhân là địa chỉ đầy hứa hẹn. Nhưng việc tìm chọn loại nhân tài này đến nay vẫn còn chưa được bắt đầu ngoài việc tìm chọn để vinh danh trong các phong trào thi đua. Nhưng cần thiết hơn là tìm chọn doanh nhân cấp chiến lược để thực hiện những chiến lược kinh tế trong những chặng đường 2025-2030-2045.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay được quốc tế đánh giá như một ngôi sao đang lên, về qui mô đã vượt Singapore, và sẽ vượt Thái lan trong tương lai gần. Đây là sự thật, nhưng là sự thật đến muộn với thời gian tính bằng thập kỷ.

Văn kiện Đảng đã không ít lần nhấn mạnh về mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với phát triển kinh tế, và khẳng định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong đó công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cán bộ cấp chiến lược đã luôn có, nhưng noanh nhân cấp chiến lược cho đến nay vẫn chưa hình thành.

Mối quan hệ giữa “Trung tâm với Then chốt” trên đây nếu chỉ đi bằng một chân thì các chiến lược kinh tế sẽ khó chuyển hóa thành hiện thực. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất làm cho kinh tế Việt Nam chưa thoát ra khỏi bẫy phát triển trung bình mà hàng loạt quốc gia trên thế giới đã và đang mắc phải.

Trong những năm Đổi Mới, Việt Nam đã có không ít chiến lược phát triển kinh tế, nhưng không có đội ngũ doanh nhân cấp chiến lược làm chim đầu đàn để thực hiện. Hàng loạt “quả đấm thép quốc doanh” bị lỡ bước, tạo những lỗ hổng lớn trong thực hiện chiến lược kinh tế mà những “quả đấm thép tư nhân” lại chưa hoặc chậm ra đời. Chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại đã một lần nữa phải lùi thêm nhiều năm.

Nếu cán bộ cấp chiến lược được tìm chọn bằng nghị trường qua đại hội Đảng các cấp thì doanh nhân cấp chiến lược lại được tìm chọn trên thị trường.

Đi tìm doanh nhân

Đây là nhóm doanh nhân ưu tú không phân biệt thành phần kinh tế, vừa thành đạt trong kinh doanh, vừa mẫu mực trong thực thi pháp luật, vừa tích cực trong hoạt động xã hội, được bầu chọn trong các tổ chức hiệp hội kinh tế, được nhà nước công nhận và vinh danh.

Doanh nhân cấp chiến lược một mặt được tự thân phát huy vai trò đầu đàn của mình trong phát triển kinh tế, mặt khác được nhà nước tạo điều kiện để phát huy vai trò này. Với tư cách cá nhân, trong số những doanh nhân cấp chiến lược sẽ có người được bầu chọn làm đại biểu Quốc hội; làm thành viên không chuyên trách các Ban của Quốc hội; làm thành viên các tổ chức tư vấn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch địa phương về các vấn đề kinh tế, nhất là tư vấn về chính sách, biện pháp phát triển các doanh nghiệp đầu đàn của Việt Nam.

Quan hệ lớn giữa kinh tế và chính trị đã tự thân đặt ra những yêu cầu lớn về nhân tài của mỗi bên, đặc biết là nhân tài cấp chiến lược. Ảnh: T.Tùng

Về số lượng, doanh nhân cấp chiến lược trong lần đầu xuất hiện chưa nên nhiều hơn con số 200 cán bộ cấp chiến lược, nhưng càng về sau sẽ càng đông lên.

Về tổ chức, doanh nhân cấp chiến lược được hội tụ trong một hiệp hội xã hội-nghề nghiệp. Với hiệp hội của mình, các doanh nhân cấp chiến lược sẽ bàn bạc và ra quyết định của mình về những vấn đề chiến lược trong thực hiện vai trò của những đại bàng trong nền kinh tế. Ở đó, có những đóng góp cho Đảng và Nhà nước về pháp luật, chính sách, chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế. Ở đó, có những quyết định riêng của mình trong thực hiện liên doanh, liên kết để cùng nhau thực hiện những việc lớn mà riêng một doanh nhân nào đều không làm nổi, nhất là đối với những công trình, dự án có qui mô khu vực ASEAN, Châu Á và thế giới, trong đó có thể có những đơn đặt hàng từ Chính phủ mà trước đây chưa có địa chỉ tin cậy và có đủ năng lực thực hiện.

Quan hệ lớn giữa kinh tế và chính trị đã tự thân đặt ra những yêu cầu lớn về nhân tài của mỗi bên, đặc biết là nhân tài cấp chiến lược.

Về vấn đề này, hệ thống chính trị đã có một quá trình lâu dài để trù tính, lo liệu, trong khi hệ thống kinh tế chỉ mới thực sự vào cuộc từ một hai thập kỷ vừa qua. Nhân tài trong khu vực kinh tế nhà nước tuy xuất hiện sớm nhưng khó nhân rộng.

Bù lại, nhân tài trong khu vực kinh tế tư nhân tuy xuất hiện chậm nhưng lại bừng nở như nấm mọc sau mưa rào. Đó là khi Đảng và Nhà nước xác định khu vực này là một động lực quan trọng của phát triển nền kinh tế.

Còn tại Việt Nam ngày nay đang có đòi hỏi doanh nhân cấp chiến lược vì họ là lực lượng cho Việt Nam thực hiện tăng tốc vững vàng lên cường thịnh trên đôi chân kinh tế và chính trị của mình.

Đất nước trong công cuộc Đổi Mới từ năm 1986 đến nay đã tám lần tìm chọn nhân tài cho hệ thống chính trị tại nghị trường đại hội Đảng các cấp. Cũng trong thời gian đó, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lịch sử đầy ấn tượng. Những thành tựu đó nhất định có sự đóng góp đích đáng từ nhiều nhân tài kinh tế.

TS. Đinh Đức Sinh

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/nghi-ve-doanh-nhan-cap-chien-luoc-n-474618.html