Doanh nhân cân nhắc quay trở lại Triều Tiên

Nay, khi mối quan hệ Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên trở nên ấm áp một lần nữa và hai bên hồi sinh các kế hoạch kinh tế chung, một số nhà đầu tư tiên phong đang thận trọng dự tính việc quay trở lại Triều Tiên.

Cách nay một thập kỷ, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đổ hàng triệu đô la vào CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của họ đã mang về “trái đắng” vì quan hệ chính trị sau đó xấu đi.

Nay, khi mối quan hệ trở nên ấm áp một lần nữa và hai bên hồi sinh các kế hoạch kinh tế chung, một số nhà đầu tư tiên phong đang thận trọng dự tính việc quay trở lại Triều Tiên.

Câu chuyện của Kaesong

Nhiều người là doanh nhân quy mô nhỏ tham gia sản xuất hàng dệt may và đồ gia dụng. Bắt đầu từ năm 2004, bị thu hút bởi sự lạc quan chính trị và lời hứa về mức lương lao động thấp, hơn 100 doanh nghiệp đã thiết lập cơ sở tại một khu kinh doanh liên Triều ở phía Bắc của Hàn Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, các công ty Hàn Quốc đã thuê khoảng 50.000 người Triều Tiên tại Khu công nghiệp Kaesong. Tất cả đã kết thúc vào đầu năm 2016, khi miền Nam rút khỏi Kaesong để đáp lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên. Miền Bắc đặt cơ sở dưới sự kiểm soát của quân đội và tịch thu tài sản của các công ty Hàn Quốc.

Một nhân viên Hàn Quốc của SJ Tech hướng dẫn cho các công nhân Triều Tiên tại một nhà máy ở Kaesong, năm 2004.

Trong khi các công ty và nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chú ý đến Triều Tiên trong bối cảnh hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói về các khoản đầu tư tiềm năng từ các công ty Mỹ. Doanh nhân Hàn Quốc Im Ki-eun cho biết: “Ít có nơi nào tốt hơn Kaesong cho công việc kinh doanh của tôi”. Ông Im là người điều hành một nhà máy sản xuất quần áo ở Kaesong trong 8 năm kể từ năm 2008. Lao động rẻ và lành nghề cho phép Công ty may mặc Changjin của ông có thể mang lại lợi nhuận khá tốt. Công nhân Triều Tiên tại nhà máy của ông Im được trả 160 đô la một tháng, bao gồm cả các khoản trợ cấp phúc lợi xã hội. Mức lương trung bình hàng tháng của Hàn Quốc hiện nay là 2.900 đô la. “Tôi muốn quay lại đó để kinh doanh”, ông nói.

Dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Seoul đã bắt đầu thảo luận về các dự án kinh tế chung với Triều Tiên. Vào ngày 15-11, khoảng 100 doanh nhân người Hàn Quốc sống ở nước ngoài đã tới Triều Tiên để dự một hội nghị về các cơ hội kinh doanh và có các cuộc họp với các quan chức Bình Nhưỡng.

Các quan chức Triều Tiên và Tập đoàn Hyundai đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng Huyndai, núi Kumgang vào ngày 18-11. Một quan chức của Hyundai dự đoán khu nghỉ mát của Triều Tiên có thể mở cửa trở lại trong tương lai gần.

Các quan chức Hàn Quốc cảnh giác với việc vi phạm lệnh trừng phạt nên chưa chính thức đề nghị mở lại khu kinh doanh chung, nhưng kỳ vọng đang được xây dựng. Ý tưởng đang được thảo luận công khai tại các diễn đàn chính sách công ở Seoul. Nhìn rộng hơn, các công ty khổng lồ như Samsung C&T Corp., công ty nắm giữ thực tế của tập đoàn lớn nhất và nổi tiếng nhất Hàn Quốc, đã tạo ra các “lực lượng đặc nhiệm” Triều Tiên để đánh giá các cơ hội.

Trong khi đó, ông Moon đã đi khắp thế giới để vận động giảm bớt các hạn chế đối với Triều Tiên. Cuối tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ban hành lệnh miễn trừ trừng phạt để cho phép khảo sát các tuyến đường sắt của Triều Tiên, một khúc dạo đầu có thể giúp kết nối các mạng lưới kinh tế của họ.

Trong khi dự án Kaesong ban đầu trở thành lời giới thiệu về tiềm năng kinh tế thống nhất của bán đảo, cuộc “hôn nhân” của dòng vốn Hàn Quốc với lao động rẻ tiền của Triều Tiên đã khiến những người bảo thủ tức giận, vì cho rằng tiền lương của công nhân được trả trực tiếp cho Chính phủ Triều Tiên. Khu công nghiệp này đã mang về cho Bình Nhưỡng 120 triệu đô la trong năm 2015, năm cuối cùng trước khi đóng cửa, và tổng cộng 560 triệu đô la dưới dạng tiền lương của công nhân, theo số liệu do Bộ Thống nhất Hàn Quốc cung cấp.

Chính phủ Seoul biện minh cho việc đóng cửa vào thời điểm đó bằng cách nói rằng số tiền này được tài trợ trực tiếp cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Moon đã đảo ngược kết luận đó.

Một số điều đã không thay đổi. Triều Tiên vẫn được điều hành bởi một chính sách có cam kết không chắc chắn với doanh nghiệp tư nhân, khiến các khoản đầu tư gặp nhiều rủi ro chính trị. Trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị tăng cao vào năm 2013, Bình Nhưỡng đã đình chỉ hoạt động ở Kaesong trong 5 tháng. Các nhà đầu tư nước ngoài trước đây thấy họ không có sự bảo vệ pháp lý hoặc cơ hội đấu tranh để hồi hương lợi nhuận.

Mặc dù nhiều doanh nhân ở miền Nam nói rằng họ sẵn sàng cho Triều Tiên thêm cơ hội nữa, nhưng không ít người bày tỏ sự dè dặt về tính bền vững của quá trình ngoại giao. Nhưng ngay cả một số người từng bị thiệt hại trước đây vẫn nói rằng họ sẵn sàng nối lại hoạt động kinh doanh ở Triều Tiên.

Như một bộ giảm xóc

Yoo Chang-geun, Chủ tịch của SJ Tech Co., một nhà sản xuất các bộ phận cơ khí trước đây hoạt động tại Kaesong, cho biết đã “chảy máu rất nhiều” khi công ty của ông buộc phải đóng cửa vào năm 2016. “Tôi đã ám ảnh về việc công ty của mình bị đóng cửa ở Kaesong”, ông nói. Ông Yoo đã phải chuyển các cơ sở sản xuất đến Kaesong từ Trung Quốc, khiến cho việc bị đóng cửa năm đó đặc biệt đau đớn.

Mặc dù có kinh nghiệm cay đắng, nhưng ông Yoo cho biết vẫn quan tâm đến việc trở lại Kaesong, bởi ông tin rằng Kaesong sẽ là hình mẫu cho sự hợp tác của Bắc-Nam. “Một bộ giảm xóc là một trong những sản phẩm chủ lực của tôi”, ông nói. Khu công nghiệp Kaesong có thể là một cái gì đó tương tự, “giảm xóc” các xung đột liên Triều và biến chúng thành hòa bình thông qua hợp tác kinh doanh.

Thành phố Pyongyang nhìn từ trên cao.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt vẫn là một rào cản. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã siết chặt áp lực đối với Triều Tiên trong những tuần gần đây, bao gồm cả việc ngăn chặn nhân viên cứu trợ nhân đạo của Mỹ tới đó. “Ngay cả một chiếc tăm cũng không thể được mang vào Triều Tiên nếu nó có tên trong danh sách trừng phạt”, một quan chức cấp cao của Seoul cho biết. Hiện tăm xỉa răng không có trong danh sách.

Trong một làn sóng ngoại giao liên Triều trước đó từ năm 1998 đến 2008, một chi nhánh của Tập đoàn Hyundai đã điều hành một khu du lịch tại khu vực danh lam thắng cảnh núi Kumgang ở Triều Tiên, gần biên giới bán đảo Triều Tiên. Khu nghỉ dưỡng này đã bị đóng cửa bởi chính quyền bảo thủ của Seoul vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị Cảnh sát Triều Tiên bắn chết. Vào ngày 19-11, một quan chức hàng đầu của Công ty Hyundai Asan, một chi nhánh của Tập đoàn Hyundai đầu tư vào Triều Tiên, đã quay trở lại sau chuyến thăm tới địa điểm trên dự đoán rằng khu du lịch có thể được mở cửa trở lại trong tương lai gần.

Tổ hợp Kaesong, nếu muốn thành công, phải giảm bớt rủi ro địa chính trị để bảo vệ các nhà đầu tư tiềm năng, Cho Bong-hyun, chuyên gia kinh tế cao cấp về Triều Tiên và là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế IBK có trụ sở tại Seoul, nói. Theo ông Cho, một cách đáng quan tâm là quốc tế hóa dự án, bằng cách đưa vào các doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga. Nếu họ đầu tư, hai miền Triều Tiên đều không thể đơn phương đóng cửa.

Vinh Trang

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/doanh-nhan-can-nhac-quay-tro-lai-trieu-tien-526296/