Doanh nghiệp xuất khẩu Việt trước áp lực hàng rào kỹ thuật

Thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thời gian tới là phải đối diện với một thế giới phẳng. Phẳng theo nghĩa toàn bộ các hàng rào thuế quan sẽ giảm dần về 0%.

Các nước rất khắt khe và chặt chẽ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng cũng rất “tinh vi” và đầy kinh nghiệm trong việc dựng hàng rào kỹ thuật với nhẵng mặt hàng nhập khẩu.

Các nước rất khắt khe và chặt chẽ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng cũng rất “tinh vi” và đầy kinh nghiệm trong việc dựng hàng rào kỹ thuật với nhẵng mặt hàng nhập khẩu.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong tại Hội thảo “Ngành công nghiệp Nhựa-In ấn-Đóng gói Việt Nam: Cơ hội lớn từ CMCN 4.0" mới diễn ra. Từ việc một chiếc ô tô nhập khẩu về Việt Nam phải chịu mức thuế lên tới 300%, thì đến nay chỉ còn 30% và sắp tới đây là 0%. Như vậy, tất cả các hàng rào thuế quan từ tất cả các nước vào Việt Nam cũng như hàng hóa Việt Nam vào các nước trên thế giới đều giảm về 0%, với thời gian hội tụ chậm nhất là năm 2030. Đây là một cơ hội rất lớn cho sự tràn ngập lãnh thổ của tất cả các loại hàng hóa. Do đó, vĩnh viễn qua rồi thời kỳ lạm phát thiếu hàng.

Hàng rào kỹ thuật luôn ngược chiều hàng rào thuế quan

“Thời bao cấp giá cả có thể thấp và không thay đổi hàng chục năm, nhưng lại không có hàng hóa để bán. Đây gọi là lạm phát ẩn, thời điểm này luôn ám ảnh những tiêu dùng tại thời kỳ đó. Nhưng thời nay thì khác, lạm phát có thể tăng do chi phí đầu vào tăng nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ còn xảy ra tình cảnh “cháy hàng”. Thậm chí, tại các cửa hàng còn thường xuyên hạ giá hay khuyến mại cùng với tốc độ giảm hàng rào thuế quan”, ông Phong bày tỏ.

Tuy nhiên, lại nảy sinh một sức ép khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đó là hàng rào kỹ thuật ngày càng được nâng lên ngược chiều và tỉ lệ cũng nhanh không kém so với việc giảm hàng rào thuế quan. Hàng rào bảo hộ này có thể là hàng rào thuế quan, cũng có thể là những tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc hành chính thủ tục “hành cho bằng chết” cho đến khi doanh nghiệp chán nản không muốn làm hàng xuất khẩu. Những hàng rào này mọc lên một cách “tùy tiện” do mỗi nước được quyền dựng lên và áp dụng “theo cách của mình”. Cho nên, nếu doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu không hiểu hết được nó thì sẽ không bao giờ vượt qua được hàng rào kỹ thuật này.

Chỉ có một điều, theo ông Phong, hàng rào kỹ thuật này áp dụng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Tức là áp dụng nguyên tắc này với hàng ngoại nhập như thế nào thì hàng sản xuất trong nước cũng bị áp dụng như vậy. Nếu không sẽ bị khởi kiện vì tội phân biệt đối xử.

Chính điều đó ở Việt Nam mới có tình huống rất ngoại lệ, đó là hàng rào thuế quan của Việt Nam hạ rất nhanh, chúng ta thực hiện rất nghiêm túc, thậm chí được khen trong việc tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Ngược lại, hàng rào kỹ thuật thì dựng rất chậm, thậm chí không có hoặc bị vô hiệu hóa rất dễ dàng, thông qua kẽ hở của luật pháp, công tác giám sát hải quan, quản lý thị trường cũng như sự dễ dãi của người tiêu dùng. Từ đây dẫn đến tình trạng hàng từ bên ngoài ào vào Việt Nam rất dễ dàng, từ cao cấp đến chất lượng thấp, miễn sao giá rẻ, quảng cáo hay, bao bì hấp dẫn. Đây chính là áp lực cho hàng hóa sản xuất trong nước.

“Nhảy qua” hàng rào kỹ thuật

Muốn cạnh tranh với thế giới thì phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật, và đây là một thách thức không hề nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ông Phong đưa dẫn chứng, một hạt gạo Việt Nam muốn xuất khẩu được vào Nhật Bản thì phải vượt qua 500 tiêu chuẩn kỹ thuật, đây là một hàng rào “khủng khiếp”. Hay với quả xoài, người Việt Nam ăn cả đời không sao, nhưng bây giờ Mỹ mới cho phép tấn xoài đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ vào tháng 5/2019.

Các nước họ rất khắt khe và chặt chẽ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng ngược lại họ cũng rất “tinh vi” và đầy kinh nghiệm trong việc dựng hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp nước ngoài “chán nản” không xuất khẩu được sang thị trường nước họ. Ông Phong kể lại câu chuyện thời kỳ công tác tại Nga. Ở Việt Nam nếu mua 20.000 đồng, tương đương 1 USD thì được 3 kg cà chua, nếu giá có đắt thì cũng phải mua được 1,5 kg.

Sang nước Nga sẽ khác, trung bình khoảng 5 USD/1kg cà chua hoặc 1 kg bắp cải. Nếu muốn ăn bắp cải thì phải ăn theo hình thức “từ ngoài vào trong”. Tức là cắt 2 - 3 lá bắp cải cho 1 lần luộc, không có chuyện “chặt chém” cả 1 cây bắp cải như ở Việt Nam, nếu như ở Việt Nam thì được coi là xa xỉ và quý tộc. Chuối ở bên Nga chỉ mua một vài quả, ai mua một lúc 10 quả là có quyền tỏ ra hãnh diện vì được nhìn nhận như một người “chịu chơi”. Tất cả những hàng hóa này đều được dán tem kiểm định, từ bắp cải, chuối đến quả ớt.

Còn ở Việt Nam, hàng hóa thường bán đổ đống, đi kèm đó là không thương hiệu, không kiểm tra an toàn thực phẩm. Với kiểu mua bán này đã khiến cho hàng hóa Việt Nam bị mất giá. Đây chính là rào cản cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, vì các nước luôn đặt tiêu chuẩn rất cao với hàng hóa nhập khẩu như chất bảo quản, kích cỡ, màu sắc…Doanh nghiệp Việt Nam nếu không đạt đúng yêu cầu thì thứ nhất là chủ động quay về. Thứ hai là chấp nhận chịu phạt. Thứ ba là mất thị trường, mất hợp đồng. Thứ tư, là đối diện với khả năng phá sản.

“Cho nên, thách thức nổi bật của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới đó chính là hàng rào kỹ thuật. Hàng rào này sẽ tăng lên với mốc thời gian vô hạn độ và buộc doanh nghiệp phải luôn cập nhật thông tin về các hàng rào này”, ông Phong nói.

Nguyễn Việt

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp xuất khẩu Việt trước áp lực hàng rào kỹ thuật tại chuyên mục Đầu tư của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-viet-truoc-ap-luc-hang-rao-ky-thuat-149148.html