Doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang bước qua 'vùng đáy'

Tại diễn đàn kinh tế 2018 Việt Nam - ViEF 2018 tổ chức sáng 5.6.2018 phiên đầu tiên với chuyên đề nông nghiệp 'Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt', trả lời câu hỏi của báo chí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận - nhấn mạnh: Giá tôm nguyên liệu giảm là xu hướng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Cả doanh nghiệp (DN) và người nuôi nên bình tĩnh, theo dõi tình hình và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, thời kỳ khó khăn của ngành tôm đang dần khép lại, các DN cần nâng cao chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào các thị trường có rào cản kỹ thuật cao. Ảnh: PV

Chuẩn bị kết thúc vùng “trũng” của giá

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, trong mấy tháng trước đây, giá tôm nguyên liệu giảm là xu hướng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Người nuôi nên bình tĩnh, theo dõi tình hình và theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Từ nay đến hết năm 2018, ngành tôm gặp nhiều điều kiện hết sức thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã vào vụ nuôi chính. Trong tháng tới, giá tôm sẽ có tín hiệu tăng trở lại, “mặc dù tăng bao nhiêu % thì chưa thể khẳng định, nhưng chắc chắn có tăng. Nguyên nhân bởi, qua vụ tôm vừa rồi, các nước trên thế giới hầu như đã thu hoạch cạn tôm, thế giới đã kết thúc vụ thì Việt Nam mới bắt đầu vụ. Việc tăng giá sẽ đương nhiên khi nguồn cung trên thế giới không nhiều” - ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định. Theo ông, các DN cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp. Hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều DN Việt Nam đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, DN và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này. Hiện tại, Bộ NNPTNT cũng đang đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh việc khai thác thị trường, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học công nghệ… để nâng cao và giữ ổn định chất lượng tôm Việt.

Trước đó tại hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức mới đây (3.6.2018), các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, thời kỳ khó khăn của xuất khẩu (XK) tôm đang từng bước lùi lại phía sau, thị trường tôm xuất khẩu sẽ “ấm” trở lại bởi hiện trên thị trường thế giới, sản lượng tôm không còn quá dồi dào. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia nông nghiệp đều khuyên DN và người dân không vội bán, bỏ đầm không nuôi nhằm giảm thiệt hại do thua lỗ, bởi ngành tôm sẽ khởi sắc trong 1 vài tháng tới.

Không “bán tháo” gây thua lỗ

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lại tỏ ra lạc quan: Giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện do các nước có tôm đã qua thu hoạch rộ, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam đã bắt đầu ký được hợp đồng lớn, sẽ đẩy giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao. Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: Tỉnh có diện tích nuôi tôm sú hơn 270.000ha, mặc dù thời gian gần đây giá tôm thẻ nguyên liệu giảm mạnh nhưng tôm sú vẫn giữ ổn định và luôn cao hơn tôm thẻ khoảng 40%. Đặc biệt, liên tục từ năm 2011 đến nay, giá tôm sú luôn đứng ở mức cao, có lúc giá tôm đạt đỉnh điểm hơn 350.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với tôm thẻ.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới thị trường tôm sẽ khởi sắc trở lại và các doanh nghiệp bắt đầu thu mua mạnh. Do đó người nuôi tôm phải thật sự bình tĩnh, không nên hoang mang, dao động trước giá tôm sụt giảm như hiện nay mà bán tháo gây thất thoát, thua lỗ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh phải tập trung quản lý, hướng dẫn nông dân nuôi tôm đảm bảo đúng quy trình, chất lượng, không có dư lượng, ứng dụng tốt các khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng nuôi bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo khâu liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp. Các đơn vị của bộ phải vào cuộc cùng với các địa phương để mở rộng quy mô sản xuất, giúp người nuôi tôm ứng dụng các kỹ thuật cao trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết những khó khăn về chế biến, hạ tầng vùng nuôi, điện phục vụ sản xuất, giá sản phẩm đầu ra, nhằm đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển một cách bền vững trong thời gian tới…

Phong Nguyễn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/doanh-nghiep-xuat-khau-tom-dang-buoc-qua-vung-day-611314.ldo