Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa 'một cổ đôi tròng'

Vướng mắc về TTHC, chi phí – lệ phí cao, chồng chéo trong kiểm tra, khó khăn trong tuân thủ một số tiêu chuẩn xuất khẩu,… là những rào cản khiến doanh nghiệp Việt bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các thủ tục hành chính trong nước cũng như về các biện pháp phi thuế quan ở nước ngoài khá cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các thủ tục hành chính trong nước cũng như về các biện pháp phi thuế quan ở nước ngoài khá cao.

Theo kết quả khảo sát thực hiện trên 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng số hơn 2000 doanh nghiệp được thực hiện tại Việt Nam bởi Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các thủ tục hành chính trong nước cũng như về các biện pháp phi thuế quan ở nước ngoài khá cao.

Nhiều quy định ngặt nghèo trong nước

Theo ông Vianney Lesaffre, Quản lý dự án, Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), những trở ngại do các quy định quá nghiêm ngặt chiếm 3% các trường hợp, trở ngại về thủ tục chiếm 89% và 8% còn lại cho rằng do cả hai lý do trên. Trong đó, các trở ngại về thủ tục là nhiều nhất, liên quan đến các quy định, chiếm 40% các trường hợp; chi phí không chính thức như hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận, quy định chiếm 17% các trường hợp; lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận, quy định, chiếm 15% các trường hợp.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trở ngại do các quy định quá nghiêm ngặt chiếm 3%; 86% do các trở ngại về thủ tục, như sự chậm trễ liên quan do quy định gây ra và hành vi độc đoán của các quan chức liên quan đến quy định được báo cáo tương ứng trong 46% và 17% các trường hợp.

Một trở ngại đáng quan ngại mà theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh, CIEM, là sự chồng chéo trong quản lý kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ ngành. Ví dụ, một sản phẩm nông nghiệp vừa phải kiểm dịch vừa kiểm tra chất lượng, khiến sản phẩm đó phải qua kiểm tra của 2 đơn vị cùng trong Bộ NN&PTNT… gây tốn thời gian và làm mất cơ hội rất lớn của doanh nghiệp. Thậm chí, có những trường hợp kiểm tra thức ăn chăn nuôi còn ngặt nghèo hơn cả thực phẩm cho người.

Hay mặt hàng động cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương kiểm định. Cơ quan này chỉ định duy nhất một đơn vị là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 kiểm định. Bởi thế, tất cả các doanh nghiệp trên cả nước đều phải mang ra Hà Nội để kiểm định, kể cả doanh nghiệp chỉ nhập duy nhất 1 động cơ thay thế cho dây chuyền của họ mà không phải nhập thương mại. Thậm chí, chi phí cho kiểm định còn lớn hơn cả giá trị của động cơ.

Mặt khác, theo bà Thảo, các tổ chức đánh giá sự phù hợp chưa được mở rộng, đa dạng hóa, khiến doanh nghiệp phải thêm gánh nặng thủ tục. Chẳng hạn chi phí kiểm định 1 lô tủ lạnh của doanh nghiệp có thể lên đến cả trăm triệu đồng.

"Hiện nay chúng ta quy định kiểm tra theo mặt hàng, tức là theo mẫu. Vì vậy đã dẫn đến trường hợp trong những mặt hàng máy móc, đồ gia dụng thì động cơ bên trong có khi giống hệt nhau nhưng mẫu mã khác nhau, do đó đều phải kiểm tra hết" - bà Thảo nói.

Trở ngại từ các rào cản thương mại

Không chỉ gặp rào cản từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo. Theo ông Vianney Lesaffre, các trở ngại của những biện pháp phi thuế quan đối với công ty xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa là khác nhau.

Báo cáo chỉ rõ, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, có 3 trở ngại chính là biện pháp kỹ thuật, chiếm hơn một nửa các trường hợp; quy tắc xuất xứ chiếm 15%; các biện pháp liên quan đến xuất khẩu chiếm 8%. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, trở ngại chính là thủ tục đánh giá sự phù hợp; thủ tục hải quan và định giá…

Dẫn chứng từ mặt hàng thực phẩm tươi sống, ông Vianney Lesaffre cho rằng, việc kiểm định và chứng nhận sản phẩm gây tốn kém về thời gian và tiền bạc. Như chứng nhận an toàn thực phẩm BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc) với chuối, táo, dứa, quế, mơ, hạt tiêu… đòi hỏi mức độ tuân thủ cao: yêu cầu đầu tư cao cho cơ sở hạ tầng của công ty, bao gồm cả kho và các thiết bị bảo quản hàng hóa; yêu cầu các chi phí hàng năm cho quy trình đánh giá… Trong khi, thiếu các phòng thí nghiệm được chứng nhận tại Việt Nam, dẫn đến các mẫu phải được gửi ra nước ngoài để kiểm tra… rất tốn kém và mất thời gian của doanh nghiệp.

Việc kiểm định và chứng nhận sản phẩm gây tốn kém về thời gian và tiền bạc

Hay muốn xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, doanh nghiệp cũng phải có chứng chỉ Halal. Để được cấp chứng nhận này doanh nghiệp phải chờ đợi mất 3 tháng và tăng 30-40% chi phí cho doanh nghiệp, trong thời gian đó các sản phẩm phải lưu kho. Và mỗi sự thay đổi về hương vị đều yêu cầu phải có giấy chứng nhận riêng, khiến quy trình thêm phức tạp.

Ngoài ra, các nước như EU đặt ra yêu cầu có chứng nhận Thực hành sản xuất thuốc tốt với kháng sinh, ống cao su… xuất khẩu vào nước này. Doanh nghiệp phải trả chi phí đi lại hơn 10.000 USD cho công ty đối tác đến Việt Nam kiểm tra và đánh giá. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu phải đăng ký tại Cơ quan hóa chất châu Âu các thành phần được sử dụng, chi phí lên tới 50.000 euro…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhìn nhận, các quốc gia trên thế giới đều sử dụng công cụ phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, hướng đến đạt được một số mục tiêu kinh tế, xã hội nhất định. Tuy nhiên theo quy định của WTO, các nước sẽ phải dần xóa bỏ một số hàng rào phi thuế quan. Vì vậy cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ phi thuế quan mới và tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi.

“Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần trang bị thông tin và kiến thức để nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể về những vấn đề phi thuế quan trong thương mại dịch vụ để có định hướng kinh doanh tốt”, ông Phú khuyến nghị.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-hang-hoa-mot-co-doi-trong-162371.html