Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vướng mắc chứng minh nguồn gốc gỗ rừng trồng

Nguồn gỗ từ hộ dân góp phần lớn trong con số gần 15 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng lại đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính là các ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung.

Thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, hiện đang có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng, bao gồm trên 1 triệu ha rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hàng năm, các diện tích này đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn. Hiện, nguồn gỗ này đang thay thế cho các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm một phần nguồn gỗ rủi ro có xuất xứ từ các quốc gia nhiệt đới.

Không được hoàn thuế, doanh nghiệp tắc dòng tiền

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết thực tế các doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, khó khăn trên xảy ra bởi một số diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai - ví dụ đất còn thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp, diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất mua đi bán lại giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi chủ chính thức… Ách tắc cũng xảy ra khi các bên tham gia khâu trung gian của chuỗi không thực hiện đúng với các quy định hiện hành về hồ sơ lâm sản và trách nhiệm về thuế trong các giao dịch của mình. Kết quả là một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách hợp pháp hóa đầu vào nguyên liệu của mình. Một số doanh nghiệp tắc trong việc xin hoàn thuế.

Cụ thể, năm 2018, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 27 Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Nhìn chung, Thông tư đi theo hướng đưa ra các quy định thông thoáng về chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm từ khâu khai thác tới khâu cuối cùng của chuỗi. Tuy nhiên, tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trong chuỗi cung không chỉ ràng buộc bởi Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT, mà còn phụ thuộc vào các khâu trung gian tham gia chuỗi cung thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình ra sao, đặc biệt là các trách nhiệm về thuế được quy định trong các thông tư của Bộ Tài chính, nhất là Thông tư 40 về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp, ông Đặng Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng, phản ánh việc truy xuất nguồn gốc lâm sản đang gây vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là khâu quyết toán thuế với đơn vị xuất khẩu. Nguyên nhân là do diện tích sổ đỏ được cấp thường quá ít so với diện tích trồng thực, ví dụ hộ trồng có 3ha nhưng đất khai hoang, đất trồng trên kênh mương thêm 1-2 ha hoặc có diện tích trồng nhưng không được cấp sổ.

“Diện tích sổ đỏ thấp dẫn tới doanh nghiệp xuất khẩu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng là thật nhưng khi cơ quan thuế đi xác minh lại căn cứ vào diện tích được chính quyền cấp sổ đỏ, dẫn tới với những sản phẩm trồng ngoài diện tích thì doanh nghiệp mua nguyên liệu là không có nguồn gốc”, ông Hưng nói.

Vì vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoàn thuế. “Mỗi lần xuất khẩu một lô hàng đi sẽ có khoảng chục tỷ đồng không được hoàn thuế. Tính ra khoảng 4-5 lô hàng thì doanh nghiệp bị đọng 40-50 tỷ đồng tiền thuế, không còn dòng tiền để quay vòng sản xuất kinh doanh”, đại diện Công ty Lâm Thanh Hưng chia sẻ.

Gỡ vướng cách nào?

Nghiên cứu về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng tại Việt Nam, tại Hội thảo “Góp ý cho dự thảo của thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng tại Việt Nam” ngày 16/9, ông Tô Xuân Phúc, đại diện nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội Gỗ, Tổ chức Forest Trends, cho hay thực tế đang tồn tại 2 vấn đề chính có liên quan tới gỗ rừng trồng của hộ dân.

Vấn đề thứ nhất có liên quan tới việc thiếu các bằng chứng minh chứng cho chủ hộ bán gỗ là người có đầy đủ quyền pháp lý đối với tài sản là gỗ rừng trồng trên đất của mình. Vấn đề thứ hai có liên quan việc tuân thủ các quy định về thuế trong các hoạt động sản xuất và thương mại của các bên tham gia các khâu trung gian của chuỗi cung. Một số nguyên nhân dẫn đến các tồn tại được hình thành do các bên tham gia chuỗi cung không tuân thủ với các yêu cầu của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc các bên chưa tuân thủ với các yêu cầu của luật pháp còn có một phần là do các quy định hiện hành chưa sát với thực tế.

Trước những vướng mắc trên, Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Thông tư thay thế cho Thông tư 27 nhằm tăng cường sự kiểm soát của chuỗi cung, bao gồm gỗ rừng trồng. Hiện, Bộ đang thực hiện tham vấn với các nội dung của thông tư mới. Từ thực tế mà doanh nghiệp Lâm Thanh Hưng gặp phải, ông Tiến bày tỏ mong muốn Thông tư sắp tới thông thoáng, chặt chẽ trên mức độ thực tiễn đồng bộ giữa quy định thuế và hải quan thay vì hiện nay hải quan quy định khi có tờ khai phải xuất hóa đơn, còn thuế quy định thông quan mới được xuất hóa đơn. Do vậy, hai đơn vị này cần phải ngồi lại cùng với doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng tìm giải pháp.

Đồng thời, ông Tiến kiến nghị phải có một đơn vị trung gian là kiểm lâm xác định diện tích ngoài sổ của hộ dân trồng rừng là bao nhiêu, bởi khi buôn bán qua thương lái, khâu xác minh càng khó hơn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không mua thêm thì không thể đảm bảo nguyên liệu để chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Ông Tô Xuân Phúc cũng cho rằng việc giải quyết những khó khăn trên đòi hỏi sự điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và về trách nhiệm về thuế trong các khâu trung gian của chuỗi. Các cơ chế chính sách mới cần đi theo hướng tập trung kiểm tra giám sát vào các khâu rủi ro trong chuỗi và đơn giản hóa thủ tục tại các khâu ít rủi ro.

“Cơ chế chính sách mới cũng cần tiệm cận với thực tế hơn, nhằm khuyến khích sự tuân thủ của các bên tham gia. Các tồn tại này được giải quyết sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy việc mở rộng rừng trồng, đem lại giá trị tốt hơn cho các hộ trồng rừng và thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững trong tương lai”, ông Phúc nhấn mạnh.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-xuat-khau-go-vuong-mac-chung-minh-nguon-goc-go-rung-trong-1087965.html