Doanh nghiệp Xuân Trường lại thêm dự án khiến lo ngại gánh nặng thu phí

Cách đây ít lâu, Thời báo Doanh nhân có bài 'Ninh Bình: Chùa cổ nghìn năm bị doanh nghiệp Xuân Trường 'thao túng'?, phản ánh việc doanh nghiệp này thu phí khách đến hành hương, chiêm bái thần phật tại động Am Tiên gây bức xúc dư luận. Mới đây, khi triển khai xây dựng và đề xuất hai siêu dự án du lịch tâm linh khác, người dân địa phương lại rộ lên nỗi lo tương tự.

Những ngày này, về qua khu vực dự án Khu du lịch tâm linh Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) diện tích 5100ha, người dân lại rộ lên nỗi lo lắng khi doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng hai cổng chốt chặn hai đầu dự án, một đầu ở Hà Nam, một đầu giáp Hà Nội.

Theo thông tin từ doanh nghiệp Xuân Trường, dự án chùa Tam Chúc sẽ được doanh nghiệp quảng báo, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế vào năm 2019, đồng thời cũng sẽ khánh thành giai đoạn 1 và là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Veskas 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới) tổ chức vào tháng 5/2019. Doanh nghiệp đang xây dựng hồ sơ để đưa quần thể du lịch Tam Chúc là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2028.

Hai chốt chặn đang được doanh nghiệp xây dựng tại dự án Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân lo ngại là hiện nay doanh nghiệp đang xây dựng hai cổng chốt chặn hai đầu dự án, kiểm soát toàn bộ người ra vào khu vực 5.100ha. Ông Vũ Chí Thành, một người dân địa phương lo lắng nói: “Cũng giống như ở các dự án khác mà điển hình là khu vực động Am Tiên ở Ninh Bình, doanh nghiệp thu phí vào tham quan khu du lịch, vào chùa là việc làm phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục của người Việt. Việc yêu cầu dân địa phương cầm chứng minh nhân dân để được miễn phí qua cổng, vào chùa thật vô lí. Chúng tôi như cảm thấy mất tự do”.

Không dừng lại ở đó, mới đây, ngày 25/11/2018 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã có công văn số 7257/KH&ĐT-NNS về việc đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

Công văn cho biết: Ngày 13/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã chủ trì cuộc làm việc, nghe đại diện doanh nghiệp Xuân Trường báo cáo tóm tắt ý tưởng dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn và đang tính cực phối hợp, đôn đốc triển khai, tổng hợp đề xuất báo cáo thành phố trong tháng 12/2018.

Đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường

Theo đó, doanh nghiệp đã có văn bản số 212/CV-DNXT (ngày 25/7/2018) đề xuất Xuân Trường sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn với quy mô khoảng 1000ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.

Trong công văn, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường kiến nghị: “Chùa Tam Chúc nằm sát với chùa Hương (Hà Nội), chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy”, và cam đoan Khu du lịch Hương Sơn sẽ trở thành Di sản văn hóa vào năm 2028.

Theo một số cán bộ ngành du lịch và kế hoạch – đầu tư, được biết khi trình bày về dự án, doanh nghiệp Xuân Trường cho biết sẽ xây dựng một số chốt kiểm soát và thu phí để đón luồng khách từ trung tâm thủ đô đến và từ Hà Nam sang. Thậm chí, trong một cuộc trao đổi, đại diện doanh nghiệp còn đề nghị một doanh nghiệp khác đẩy điểm triển khai dự án lên để nhường vị trí cho Xuân Trường xây dựng trạm kiểm soát này.

Trao đổi với phóng viên ông Trịnh Văn Giáo, Cơ sở Xóm 11, Đục Khuê, xã Hương Sơn bức xúc nói: “Xuân Trường là một đơn vị kinh doanh cá nhân. Người dân ở Hương Sơn không muốn một doanh nghiệp tư nhân có nhiều tai tiếng như đã từng làm ở khu vực Ba Sao (Hà Nam) và chùa Bái Đính tiếp tục thực hiện các dự án có liên quan tới khu vực chùa Hương và xã Hương Sơn. Ngoài ra, khi nghe nói, tới đây, dự án của Xuân Trường còn đào một con kênh nối khu suối Yến với dự án tâm linh ở Ba Sao, người dân sống nhiều đời ở Hương Sơn, khu vực chùa Hương linh thiêng e sợ sẽ chạm long mạch từ đó ảnh hưởng tới địa phương, người dân”.

Ông Trịnh Xuân Hinh, Cơ sở xóm 11, Đục Khuê, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội nói: “Các dự án Xuân Trường thực hiện ở quanh khu vực Hương Sơn không tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Người dân chỉ muốn các dự án có tính khả thi cao, không phải bắt chẹt người dân khi làm các đại dự án, bao quanh diện tích lớn và không tạo điều kiện cho người dân làm ăn. Thậm chí, nếu đào con kênh, người dân lo ngại Xuân Trường sẽ quản lý và chia bớt công ăn việc làm cho người của Xuân Trường, như thế quyền lợi của người dân không được bảo đảm. Nếu lại thêm các trạm thu phí và chốt chặn thì quả thực là thảm họa”.

Trao đổi xung quanh sự việc này, Tiến sỹ Phạm Văn Tuấn, Chuyên gia nghiên cứu Lịch sử văn hóa Phật giáo, cho rằng:

Chuyện thu phí vào chùa hay di tích, vốn không có trong truyền thống người Việt Nam nói riêng và người Á đông nói chung. Tuy nhiên gần đây, các nước như Trung Quốc cũng đã thu phí vào di tích, như một hình thức lấy tiền xây dựng và hoạt động cho di tích. Tuy nhiên, di tích các nước thu phí, thì họ không có tiền công đức của đàn na tín thí, chỉ thu vé ngoài cổng mà thôi. Việc cúng dàng, ít nhiều, xưa gọi là tiền giọt dầu, tức tiền dầu nhang, là nét đẹp truyền thống văn hóa nước ta. Dù rằng, xã hội hiện đại, nhưng trái nếp cũ, thì e rằng phản cảm.

Thiết nghĩ, đã thu vé thì bỏ hẳn hòm công đức, hoặc chỉ thu vé cho tham quan di tích với giá cả vừa phải. Chứ không phải hoạt động thu phí cho tham quan, lễ chùa cúng Phật. Như thế, vừa đảm bảo được tính đương đại, vừa đảm bảo giữ được nét truyền thống văn hóa chùa chiền trong văn hóa người Việt Nam.

Trang Nhi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/doanh-nghiep-xuan-truong-lai-them-du-an-khien-lo-ngai-ganh-nang-thu-phi_n44052.html