Doanh nghiệp xi măng thận trọng bước vào năm 2019

Ngành xi măng năm 2019 được nhìn nhận sẽ có không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu, dù Việt Nam đang là nước xuất khẩu xi măng số 1 thế giới, với giá trị hơn 1 tỷ USD, gấp đôi nước đứng thứ hai.

2018 khả quan, dù cung vượt cầu và cạnh tranh khốc liệt

Nhìn lại năm 2018, ngành xi măng Việt Nam có những dấu hiệu khả quan, chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm tốt hơn. Giá xuất khẩu xi măng, đặc biệt là clinker (nguyên liệu chính của xi măng) đang từ 28 - 29 USD/tấn tăng lên 38 - 42 USD/tấn, có thời điểm đạt 44 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu xi măng, khách hàng mua sản phẩm ngày càng kỹ tính hơn, lựa chọn sản phẩm của các nhà máy có dây chuyền hiện đại. Còn sản phẩm của những dây chuyền cũ không xuất khẩu được, chỉ bán trong nước.

Tại thị trường nội địa, tình trạng cung vượt cầu vẫn diễn ra với sự cạnh tranh khốc liệt. Trong năm 2018, nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 63,4 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2017, nhưng nguồn cung xi măng toàn thị trường đạt khoảng 94,6 triệu tấn.

Về kết quả kinh doanh, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, trong năm 2018 ước tiêu thụ được 29,2 triệu tấn xi măng, cao nhất từ trước đến nay và chiếm khoảng 35% thị phần cả nước; tổng doanh thu dự kiến đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017.

Nhiều doanh nghiệp xi măng chưa có số liệu về kết quả kinh doanh năm 2018, nhưng kết quả 9 tháng đầu năm cho thấy sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai (HOM) đạt doanh thu 1.224 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế đạt 1,9 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Hay Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) đạt doanh thu 6.060 tỷ đồng, tăng hơn 1%; lợi nhuận sau thuế gần 442 tỷ đồng, tăng 40% . Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đạt lợi nhuận sau thuế 38,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 lỗ hơn 60 tỷ đồng.

2019: Giảm chỉ tiêu xuất khẩu

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc VICEM nhìn nhận, môi trường kinh doanh năm 2019 sẽ gặp một số khó khăn, trở ngại như tác động của chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại giữa các nước, sự mất giá đồng tiền ở một số quốc gia và dự báo chi phí năng lượng (than, dầu) tiếp tục có xu hướng tăng, các yếu tố đầu vào cho sản xuất xi măng bị tác động tiêu cực.

Liên quan đến vấn đề phòng vệ thương mại, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, Philippines đang điều tra, có thể áp dụng biện pháp tự vệ, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Philippines hiện là nước nhập khẩu xi măng của Việt Nam nhiều nhất, nên nếu điều đó xảy ra sẽ tác động trực tiếp đến giá và khối lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, năm 2019, doanh nghiệp xi măng đối diện với nguy cơ chi phí đầu vào tăng, cụ thể là giá than tăng khi giá điện có khả năng tăng. Trước đó, giá than tăng 15% đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chia sẻ về mục tiêu xuất khẩu xi măng, ông Nguyễn Quang Cung cho hay: “Chúng tôi không kỳ vọng vào xuất khẩu năm 2019 nên đặt ra mục tiêu thấp hơn năm 2018, mặc dù thị trường vẫn có thể tốt. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 32 triệu tấn xi măng, năm 2019 đặt mục tiêu xuất khẩu 20 - 25 triệu tấn”.

Tiêu thụ xi măng năm 2019 tại thị trường nội địa được dự báo tăng khoảng 6 - 8%, thấp hơn mức tăng năm 2018.

Tổng giám đốc VICEM cho biết, năm nay, Tổng công ty lên kế hoạch đạt tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ là 31 triệu tấn, tăng 6%; doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt trên 3.200 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp xi măng xác định sẽ tiếp tục tối ưu hóa chủng loại xi măng để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng tỷ lệ sử dụng phế thải công nghiệp như tro xỉ nhiệt điện và đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào.

Hải Minh

Doanh nghiệp xi măng “thở phào”

Tiêu thụ tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp xi măng sẽ “thoát hiểm”?

Thị trường tiêu thụ khả quan, nhiều doanh nghiệp xi măng báo lãi

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/vat-lieu/doanh-nghiep-xi-mang-than-trong-buoc-vao-nam-2019-204034.html