Doanh nghiệp xã hội khó tiếp cận vốn, gặp nhiều rào cản do thiếu chính sách hỗ trợ

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho rằng, doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn; cơ chế, chính sách còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp xã hội rất khó phát triển…

 Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)

Bà có thể chia sẻ cụ thể những rào cản mà các doanh nghiệp xã hội hiện đang gặp phải?

Nói đến doanh nghiệp xã hội, chúng ta nhắc đến hai phạm trù, một là doanh nghiệp xã hội theo đúng Luật Doanh nghiệp, hai là tất cả các doanh nghiệp nói chung đóng góp vào việc phát triển cộng đồng hay sản xuất, phát triển các vấn đề xã hội, môi trường. Ở đây tôi tập trung vào phạm trù đầu tiên, đó là mảng doanh nghiệp đang được quy định bởi Luật Doanh nghiệp.

Trong điều 10 Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị định 96, Thông tư 04 đã đưa ra những quy định tương đối rõ ràng là doanh nghiệp xã hội được một số ưu tiên, ưu đãi trong quá trình đăng ký. Nhưng nhiều doanh nghiệp xã hội vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục liên quan...

Đến bây giờ, sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời, những vướng mắc này cũng đã được Trung ương nhìn nhận, nhưng ở địa phương vẫn chưa thực sự nhìn nhận một cách thấu đáo. Chính vì vậy hầu hết doanh nghiệp vẫn bị mắc lại do thiếu điều kiện a, b mà chưa được thành lập.

Vướng mắc nữa là trong Nghị định 96 nói rất rõ doanh nghiệp xã hội được phép tiếp nhận các khoản tài trợ, viện trợ vì mục tiêu phát triển cộng đồng, mục tiêu phi lợi nhuận từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Tuy nhiên khi một số các doanh nghiệp xã hội đăng ký và được một số quỹ nước ngoài hỗ trợ khoản kinh phí không hoàn lại để thực hiện các hoạt động như xây dựng bệnh viện mắt, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo đúng Nghị định 96, thì lại rất khó khăn trong việc đăng ký tiếp nhận ...

Rào cản này khiến nhiều đơn vị rất e ngại, thậm chí họ không có động lực khi đăng ký là doanh nghiệp xã hội. Hiện nay chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội chưa nhiều, chúng ta chưa có chính sách nào hỗ trợ về mặt tài chính, thuế hay các thủ tục khác.

Những rào cản này đã gây ra những khó khăn gì cho doanh nghiệp xã hội, thưa bà?

Về mặt vĩ mô, chúng ta đã có khá đầy đủ chính sách, nhưng các chương trình hành động cụ thể, những nghị định để triển khai các vấn đề này lại thiếu.

Ví dụ đa phần các doanh nghiệp xã hội tiếp cận vốn rất khó khăn. Đa phần các doanh nghiệp xã hội bên cạnh mục tiêu phát triển xã hội, phát triển kinh tế, họ còn rất nhiều mục tiêu kép như hỗ trợ cho người yếu thế, giải quyết các vấn đề về môi trường… Điều này làm kế hoạch kinh doanh của họ đôi lúc không rõ ràng về mặt tài chính, giống như các doanh nghiệp thông thường khác.

Để đánh giá một kế hoạch kinh doanh mà ở đó mục tiêu không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn tác động xã hội, đa phần các ngân hàng hay các cơ sở tín dụng hầu như không đánh giá mặt tác động xã hội của doanh nghiệp xã hội, mà họ chỉ chú trọng vào kế hoạch tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chính vì thế, một phần rất quan trọng của doanh nghiệp xã hội đã không được đưa vào đánh giá trong tất cả kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch đầu tư kêu gọi vốn. Điều này thiệt thòi rất lớn cho doanh nghiệp xã hội.

Bên cạnh đó rất nhiều doanh nghiệp xã hội ở cộng đồng, địa phương như Hòa Bình, Lào Cai… không đăng ký là loại hình doanh nghiệp mà đăng ký là hợp tác xã, thậm chí ở quy mô nhỏ hơn là những tổ công tác, nhóm sản xuất. Với những loại hình như thế, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, vì Nhà nước hiện cũng có chính sách hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, nhưng đa phần mới tập trung cho vay ở cấp độ hộ gia đình. Còn với tư cách đơn vị kinh doanh nhưng không phải là doanh nghiệp mà bao gồm nhiều hộ gia đình gộp lại, chúng ta chưa có nhiều chính sách hỗ trợ tổ công tác và hợp tác xã…

Đa phần các doanh nghiệp xã hội tiếp cận vốn rất khó khăn

Vậy theo bà Chính phủ cần có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp xã hội phát triển?

Chúng tôi có kiến nghị và gửi gắm rất nhiều trong đợt chúng ta đang xem xét, điều chỉnh một loạt luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến ban hành trong năm 2019.

Một trong những khuyến nghị của chúng tôi là mong muốn cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách có cách thức để nhận diện không chỉ loại hình doanh nghiệp mới là doanh nghiệp xã hội, mà nó bao gồm nhiều loại hình khác nữa như hợp tác xã, tổ chức phi lợi nhuận… cũng có thể hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp xã hội.

Cần có chính sách hỗ trợ một cách cụ thể, thúc đẩy hơn cho doanh nghiệp xã hội. Ví dụ ở Hàn Quốc, chính phủ đưa ra bộ luật về thúc đẩy doanh nghiệp xã hội từ cách đây 10 năm, trong đó họ tập trung vào các vấn đề như tạo việc làm cho thanh niên, phát triển đô thị bền vững theo hướng thân thiện với môi trường…

Đó là những vấn đề họ coi là nóng bỏng cần giải quyết. Họ tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp xã hội để cung cấp, giải quyết việc làm cho thanh niên tại khu đô thị hay xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống thân thiện với môi trường.

Khi chúng ta có vấn đề trọng tâm như vậy và có chính sách thực tế để thúc đẩy các loại hình kinh doanh nhằm tạo ra sứ mạnh chung cho đất nước thì doanh nghiệp xã hội mới thực sự đi vào cuộc sống.

Hay tại Anh, Luật giá trị xã hội đã được thông qua từ rất lâu, là cơ sở quan trọng để các đơn vị kinh doanh, tổ chức, các doanh nghiệp xã hội dưới các hình thức khác nhau đều được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước và tiếp nhận các khoản đầu tư tài trợ cả về tài chính cũng như hỗ trợ thúc đẩy các mảng khác, chứ không chỉ những đơn vị đăng ký là doanh nghiệp xã hội mới được hưởng.

Nói về doanh nghiệp xã hội, ta có thể thấy đó là xu hướng phát triển cộng đồng một cách bền vững. Chúng ta đã qua rồi thời đơn giản chỉ là các hoạt động nhân đạo, từ thiện để huy động nguồn lực từ chỗ có tiền sang chỗ không có tiền. Chúng tôi mong dòng tiền đó được đầu tư tạo thành hoạt động kinh doanh, thông qua đó truyền cảm hứng cũng như hỗ trợ tinh thần kinh doanh của những cộng đồng yếu kém.

Chúng ta đang nói về phong trào khởi nghiệp ở nhiều nơi, nhưng mới chỉ tập trung ở các thành phố, tập trung vào những người trẻ, những người có điều kiện ăn học. Còn ở những vùng sâu, vùng xa có rất nhiều người khát khao khởi nghiệp, mong muốn tự kinh doanh để có thể xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của mình, thì chưa được tiếp cận.

Chúng tôi nghĩ phát triển doanh nghiệp xã hội chính là công cụ, đòn bẩy, phương thức phù hợp với cộng đồng nông thôn và miền núi…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/doanh-nghiep-xa-hoi-kho-tiep-can-von-gap-nhieu-rao-can-do-thieu-chinh-sach-ho-tro-159275.html