Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất 0%

Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Ninh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Ngay sau khi có hướng dẫn của trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai và cơ bản hoàn thành chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Riêng khoản vốn cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt. Tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Ninh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Ngày nào cũng vậy, ông Tô Tiến Phương, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Đức Phương cũng ra Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu, nơi 4 con tàu của công ty đang neo đậu. Từ hôm vịnh Hạ Long được mở cửa đón khách trở lại, đội tàu của ông chỉ đón được một đoàn khách du lịch.

Ông Tô Tiến Phương mong muốn sớm được hướng dẫn vay vốn trả lương người lao động để cầm cự qua giai đoạn này.

Các tàu du lịch nằm bờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các tàu du lịch nằm bờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Hiện nay tôi đang duy trì mỗi một tàu là 4 người. Mỗi người được trả 3 triệu đồng/tháng. Hiện tại khó khăn như thế vậy tôi chưa thể đóng bảo hiểm cho nhân viên còn mọi năm 2/3 nhân viên của tôi được đóng bảo hiểm. Nếu dịch bệnh mà nửa tháng hay 1 tháng với nhân viên họ chịu đựng được chứ giờ dài quá giữ nhân viên là điều rất khó cho doanh nghiệp" - ông Phương cho biết.

Khoảng 200 doanh nghiệp với đội tàu hơn 500 chếc cùng hàng ngàn nhân viên phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long cùng đang nỗ lực "chèo chống" như doanh nghiệp của ông Phương. Được vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động vào thời điểm này được ví như ruộng hạn gặp mưa rào.

Vậy nhưng trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn này của các doanh nghiệp lại không dễ dàng, bởi doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có 20% hoặc 30 lao động được tham gia BHXH bắt buộc, đã trả được 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động; doanh nghiệp khó khăn về tài chính và không có nợ xấu tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đáp ứng tất cả các tiêu chí này, doanh nghiệp mới được vay tối đa 50% mức lương vùng cơ bản trong 3 tháng:

“Chúng tôi hiểu là để vay thì cần lên ngân hàng chính sách. Nhưng ai xác nhận cho chúng tôi được vay? Hỗ trợ chúng tôi thì phải xử lý theo ngạch dọc quản lý. Hiện nay tất cả từ phương tiện, con người đến quá trình kinh doanh đều do thành phố Hạ Long quản lý và cả thuế chúng tôi cũng nộp cho thành phố Hạ Long. Vì vậy chúng tôi mong thủ tục được giải quyết nhanh chóng" - ông Nguyễn Thế Trung, Tàu Sông Chanh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Tùng - Tàu Tùng Dương cho biết: "Công nhân lao động họ vẫn gọi điện hỏi rằng bao giờ được hỗ trợ. Tôi cũng chỉ biết nói rằng ở đây chưa được vay. Hơn nữa là thủ tục rất rườm rà đi từ phường xã và xác nhận của ban ngành rồi mới tới ngân hàng Chính sách xã hội. Hơn nữa cũng chỉ được vay có 1 nửa lương cơ bản thì nói thật với doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn".

Ngày 1/5, Vịnh Hạ Long được mở cửa đón khách du lịch trở lại nhưng cả ngày cũng chỉ đón được khoảng 100 khách du lịch.

Du lịch, dịch vụ là ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ thấy nhất trong đại dịch Covid-19. Dù dịch bệnh có được kiểm soát hoàn toàn thì việc khôi phục cũng không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Khi cuộc sống kinh tế - xã hội chưa trở lại bình thường thì điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là nhận được sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Tùng Lâm chia sẻ: "Giai đoạn này cần nhất là có vốn lưu động để nuôi doanh nghiệp và làm ra của cải để trả nợ. Nếu được, chúng tôi kiến nghị vay vốn lưu động ngắn hạn từ 6 tháng hoặc một năm. Trong lúc khó khăn này thì một đồng cũng quý nhưng nếu việc hỗ trợ sát với mong muốn, nguyện vọng của doanh nghiệp thì sẽ tốt hơn rất nhiều".

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước sau khi dịch Covid-19 kết thúc ở Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ chính sách. Vì vậy, các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được triển khai nhanh chóng để đảm bảo giữ được sự ổn định cả về số lượng và quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như niềm tin của người dân./.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-vua-va-nho-kho-tiep-can-voi-nguon-von-vay-lai-suat-0-1046862.vov