Doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng

Bên cạnh những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Thực tế hiện nay, tại các doanh nghiệp, có một số loại rác thải chính: rác thải dạng lỏng, rác thải dạng khí, rác thải nhẹ, các loại chất thải rắn độc hại, trong đó có loại gây ra ô nhiễm môi trường dưới dạng tiếng ồn và rung.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên được đảm bảo, từ đó cán bộ yên tâm công tác, đảm bảo năng suất lao động.

Cơ hội, thách thức và giải pháp

Chia sẻ với Zing.vn, đại diện tập đoàn BRG khẳng định ủng hộ việc phát triển doanh nghiệp bền vững song song với tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa rác thải nhựa.

Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng kỉ niệm chương cho Tập đoàn BRG – 1 trong các đại sứ của chương trình phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc.

Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng kỉ niệm chương cho Tập đoàn BRG – 1 trong các đại sứ của chương trình phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc.

"Hiện nay, Việt Nam đang thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra môi trường – một thứ hạng mà chúng ta thấy rất đáng buồn. Dễ dàng thấy là hàng ngày mỗi một mớ rau, cân thịt, chai nước khoáng hay bất kỳ sản phẩm nào đều được đựng bằng túi nylon. Hay ở những hàng quán vỉa hè thì mọi đồ dùng đều là sản phẩm nhựa dùng 1 lần bỏ đi… Tất cả những cái đó sau ít phút sẽ thành rác thải".

Theo đại diện tập đoàn, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chưa có tư duy phát triển bền vững cùng môi trường.

Với vai trò là một tập đoàn đa lĩnh vực, BRG luôn cố gắng sáng tạo, tận dụng triệt để các cơ hội bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực thương mại – bán lẻ, ở các chuỗi siêu thị của BRG như Intimex, FujiMart, Hapro, Big C… nhân viên luôn ý thức không sử dụng túi nylon bừa bãi.

"Chúng tôi cũng đã triển khai các chiến dịch đưa vào hệ thống siêu thị các túi sử dụng nhiều lần bằng sợi tổng hợp thay thế nylon miễn phí; đồng thời lên kế hoạch thay thế dần túi nylon gói sản phẩm bằng các đồ có nguồn gốc hữu cơ như lá chuối"

Tập đoàn BRG triển khai các chiến dịch dùng túi sử dụng nhiều lần bằng sợi tổng hợp, hoặc dùng các đồ có nguồn gốc hữu cơ để gói thực phẩm.

Ở mảng khách sạn – du lịch, tập đoàn suy nghĩ tìm các hoạt động thiết thực ngăn ô nhiễm rác thải nhựa.

"Ví dụ như tại Đà Nẵng, chúng tôi đã triển khai chương trình “SeA- sea” dành cho cán bộ nhân viên ngân hàng SeABank cùng chung tay thu dọn các bãi biển ở Đà Nẵng vào cuối tuần. Hay ở các khách sạn – công ty du lịch của chúng tôi trên khắp cả nước cũng thường xuyên phát động các chương trình tuyên truyền cho du khách về tác hại của rác thải nhựa và các cách để hạn chế sử dụng".

Đại diện tập đoàn cho biết việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn với cả cấp độ quốc gia. Dù hoạt động trong bất kì lĩnh vực nào, lợi ích của doanh nghiệp và quốc gia luôn gắn liền chặt chẽ với nhau

"Chúng tôi không bao giờ phát triển kinh doanh bằng mọi giá mà gây ảnh hưởng đến môi trường. Vì chỉ khi chúng ta tôn trọng môi trường, kinh doanh dựa trên nền tảng bảo vệ môi trường thì các hoạt động kinh doanh đó mới lâu dài, hiệu quả và được ủng hộ từ cộng đồng, xã hội. Mục tiêu của Tập đoàn BRG là luôn cố gắng mang đến những giá trị tốt nhất cho cộng đồng, bảo vệ môi trường sống. Gần 22.000 cán bộ nhân viên tập đoàn BRG luôn ý thức sâu sắc điều đó".

Hình ảnh các bãi biển tại Việt Nam ngập tràn rác thải nhựa.

Cần chính sách hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, ở Việt Nam, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước tiên là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thanh tra kiểm tra…

Trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng, thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật môi trường, sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực.

Cần xây dựng một nền công nghiệp môi trường, trong đó quản lý được công nghệ hiện có và phát triển dựa trên điều kiện của Việt Nam. Công nghệ đó phải xử lý đạt tiêu chuẩn, làm cơ sở để khuyến nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng, đồng thời có chính sách hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp…

Nên tổ chức một chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường, ngoài cung cấp các kiến thức về pháp luật, cần hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch quản lý môi trường phù hợp.

Đồng thời, cần cung cấp thông tin về các trường hợp doanh nghiệp điển hình trong cả nước để nhân rộng mô hình làm tốt công tác quản lý môi trường và hiệu quả kinh tế; tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường cho các doanh nghiệp.

Báo điện tử Zing.vn đồng hành với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tập đoàn BRG triển khai chiến dịch “Màu xanh của nhựa” nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giới thiệu tới độc giả những sáng kiến, ý tưởng tái chế rác thải nhựa, góp phần giữ gìn màu xanh của Trái đất. Vì mục tiêu phát triển bền vững, Tập đoàn BRG nỗ lực cống hiến hết mình cho những hoạt động vì cộng đồng.

https://brggroup.vn/1/15/Trang-chu.aspx?AspxAutoDetectCookieSupport=1

Hoài Thư

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doanh-nghiep-voi-van-de-bao-ve-moi-truong-dong-gop-cho-cong-dong-post973487.html