Doanh nghiệp với cuộc chiến bảo vệ thương hiệu trong quá trình hội nhập

Khi có ý định xuất khẩu (XK) sang một thị trường nào đó, doanh nghiệp (DN) Việt cần chuẩn bị trước một bước, đó là đăng ký nhãn hiệu tại thị trường XK đó, để không ai có thể 'cướp' tên .

Đây là cách để DN tự bảo vệ chính mình, bảo vệ thương hiệu Quốc gia, tránh bị kẻ khác “cướp” mất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có đến hơn 90% DN vừa và nhỏ chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu...

Để một sản phẩm có mặt tại thị trường XK thì sản phẩm đó phải trải qua một thời gian dài để đối tác thẩm định, đánh giá.

Điển hình, như sản phẩm vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, trước khi quả vải XK vào Nhật, phía Nhật cũng đã cử nhiều đoàn đánh giá quy trình từ ươm trồng, thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển, cũng như đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe như trên, quả vải thiều đã được XK vào thị trường Nhật và có giá cao hơn gần 20 lần giá vải thiều trong nước.

Điều đó cho thấy, để được thị trường XK chấp nhận, các HTX, DN phải trải qua một quá trình phấn đấu rất vất vả, khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có không ít thương hiệu của Việt Nam đã bị chiếm đoạt tại thị trường nước ngoài.

Nước mắm Phú Quốc bị một số DN ở Thái Lan “mượn” tên, mặc dù nước mắm Phú Quốc là thương hiệu của Việt Nam được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý ở châu Âu. Phở Việt Nam nhưng trên bao bì sản phẩm ghi là “sản phẩm của Trung Quốc”.

Hay như các thương hiệu cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, Vinataba, Vifon… cũng đã gặp tình cảnh tương tự. Và mới đây - “nóng” nhất là thương hiệu gạo thơm ST25, sản phẩm đã đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019, là niềm tự hào thương hiệu Việt trên bản đồ XK thế giới, nhưng đã bị 5 DN Mỹ, tiếp đó là 1 DN Australia, nhanh tay đăng ký nhãn hiệu.

Nước mắm Phú Quốc bị một số doanh nghiệp ở Thái Lan “mượn” tên tại thị trường xuất khẩu.

Nước mắm Phú Quốc bị một số doanh nghiệp ở Thái Lan “mượn” tên tại thị trường xuất khẩu.

Nói về trường hợp gạo ST25 của Việt Nam vừa bị các DN Mỹ nhanh tay đăng ký nhãn hiệu tại thị trường Mỹ, Luật sư Ken D.Dương, Giám đốc điều hành Công ty Luật quốc tế TDL cho rằng, không riêng gạo ST25 mà kể cả các mặt hàng nông sản nói chung, DN phải tuân thủ nghiêm về vấn đề đăng ký.

“Thứ nhất, DN cần đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) giống lúa, để bảo vệ sự sáng tạo giống lúa đó. Thứ hai, từ giống lúa đó khi sản xuất ra tới thành phẩm là gạo, là liên quan tới kinh doanh, phải tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Thứ ba, DN phải đăng ký nhãn hiệu ở thị trường mà mình bán. Phải làm rõ ràng ở 3 giai đoạn như vậy. Trong câu chuyện thương hiệu gạo ST25 bị DN nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, cần hiểu rõ là giống lúa ST25 của ông Hồ Quang Cua được bảo hộ SHTT tại Việt Nam, đang bán tại thị trường nội địa. Còn gạo ST25 chưa bán qua thị trường Mỹ và đã có 5 công ty đăng ký nhãn hiệu ST25. Chúng ta có suy nghĩ nếu chưa bán vào thị trường Mỹ thì chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, suy nghĩ này là chưa đúng”, ông Ken D. Dương nói.

Nhận thức về tầm quan trọng của SHTT, ông Nguyễn Thanh Hiền – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare cho rằng, sản phẩm của DN là tương ớt lên men, được định hướng sẽ bán sản lượng lớn cho khắp thị trường nội địa và thị trường thế giới. Vì vậy, DN đã đầu tư lớn để đi đường dài, nên không dám lơ là việc bảo hộ thương hiệu, đó là cách để tự bảo vệ mình.

Hiện, sản phẩm của DN bán nhiều tại thị trường nội địa và chỉ mới XK sang Australia, nhưng DN đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam và đang tiến hành đăng ký bảo hộ tại một số thị trường mà DN nhắm tới để XK gồm Australia, Mỹ, Singapore, Trung Quốc.

Theo ông Hiền, để làm hồ sơ đăng ký bảo hộ quốc tế, DN phải làm qua dịch vụ, mỗi lần làm phí dịch vụ khoảng trên 40 triệu đồng, có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu được tại nhiều nước.

Tuy nhiên, DN nhắm XK vào nước nào thì đăng ký bảo hộ ở nước đó, chứ nếu DN chỉ đăng ký “giữ chỗ” mà không bán hàng vào thị trường đó thì khoảng 3,5 - 5 năm sau, sẽ bị hủy đăng ký.

Mất thương hiệu là mất thị trường. Bởi thực tế đã có không ít thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị DN nước ngoài “ăn cắp”, nhanh tay đăng ký trước tại thị trường XK. Và hành trình DN Việt “đòi” lại thương hiệu mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Có nhiều trường hợp DN phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao, hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác để cạnh tranh với chính thương hiệu hiệu mình tại thị trường XK.

Mặc dù, đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài có tầm quan trọng như vậy nhưng phần lớn các DN nhỏ và vừa của Việt Nam chưa quan tâm.

Ông Ken D.Dương cho biết, trong quá trình tư vấn cho DN Việt Nam cho thấy, 100% các DN lớn quan tâm đăng ký nhãn hiệu khi họ XK ra thị trường nước ngoài, nhưng DN vừa chiếm khoảng 50% và DN nhỏ chiếm chưa tới 10%.

Trong khi đó, chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không cao. Như chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ từ 1.000 - 1.800 USD, trong khi DN được bảo vệ tại thị trường Mỹ trong vòng 5 năm và sau đó sẽ phải gia hạn.

Ông Ken D.Dương cũng lưu ý DN Việt là DN không cần có công ty ở Mỹ vẫn có thể bảo hộ nhãn hiệu được tại thị trường Mỹ, thông qua công ty luật của Mỹ có văn phòng ở Việt Nam. Họ sẽ đại diện cho khách hàng ở Việt Nam đăng ký nhãn hiệu.

Có thể thấy, việc DN chưa quan tâm nhiều đến vấn đề SHTT, DN còn chậm chân trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài đã dẫn đến hệ lụy lớn, đó là bao bì mang nhãn hiệu, thương hiệu Việt nhưng trong ruột lại là sản phẩm khác.

Chính vì vậy, trước khi thâm nhập thị trường XK, các DN cần đăng ký nhãn hiệu ngay để tránh bị “cướp” nhãn hiệu, nhằm bảo vệ cho chính DN mình và cũng để tránh các kiểu cạnh tranh không lành mạnh.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-voi-cuoc-chien-bao-ve-thuong-hieu-trong-qua-trinh-hoi-nhap-640450/