Doanh nghiệp với an toàn thực phẩm

Thương hiệu của DN phải gắn liền với sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và là ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, vấn đề thực phẩm bẩn và tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm diễn ra tràn lan đang là nỗi lo của rất nhiều người tiêu dùng. Đã có không ít các vụ việc vi phạm nghiêm trọng vấn đề an toàn thực phẩm, điển hình như vụ “cà phê pin” hay thuốc chữa ung thư giả…

Nhiều DN đã chủ động và có ý thức hơn trong việc áp dụng thiết bị, công nghệ để sản xuất
thực phẩm an toàn

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đầu năm cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 19,47%; đã xử lý 15.707 cơ sở (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm), trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, về trang thiết bị dụng cụ, về con người, về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Sản xuất kinh doanh thực phẩm không công bố theo quy định... Điều này cho thấy, vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm cần được các cơ quan chức năng tăng cường giám sát và xử lý nghiêm.

Có thể thấy, đây là vấn đề đang được Nhà nước, các cấp chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm được tổ chức trên quy mô toàn quốc hướng tới các DN sản xuất, kinh doanh phân phối hàng thực phẩm và người tiêu dùng do Bộ Công Thương phát động đã có hơn 1 triệu người đã cũng ký tên hưởng ứng.

Tại Lễ công bố "Triệu chữ ký" vì an toàn thực phẩm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã và đang tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm, từ tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm.

Áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Tư vấn hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm...

Nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, nhiều DN đã chủ động và có ý thức hơn trong việc áp dụng thiết bị, công nghệ để sản xuất thực phẩm an toàn. Bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Việt Nam cho rằng, để các sản phẩm của DN bán ra trên thị trường thì việc trước tiên phải đảm bảo về an toàn thực phẩm, nhất là các sản phẩm xuất khẩu.

Công ty hiện đang tập trung vào chất lượng sản phẩm và độ an toàn bằng cách liên kết với các trang trại, các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đề đảm bảo hàng hóa có chất lượng, giá hợp lý… Với quy trình khép kín đảm bảo đủ các tiêu chuẩn thì các sản phẩm sản xuất ra cũng dễ dàng xuất khẩu ra các thị trường nhiều nước trên thế giới...

Bà Trần Thị Thu Hằng đưa ra vì vụ về chương trình hợp tác phát triển bánh đa nem của tỉnh Hà Nam. Theo đó bánh đa nem sản xuất truyền thống thì chỉ cung cấp ra thị trường trong nước. Để vươn ra xuất khẩu tới thị trường nước ngoài thì khâu sản xuất đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy công ty đã cùng hợp tác với DN để xây dựng lò sấy, nhà sấy sản phẩm để làm được bánh đa nem đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá tốt, đủ điều kiện xuất khẩu.

Để khuyến khích các DN tăng cường đẩy mạnh sản xuất hướng tới an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất - kinh doanh thực phẩm”. Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính DN mình. Đặc biệt, các DN cần chú tâm sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGap, HACCP, ISO…

Trong năm 2018 này, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Theo đó Bộ đã triển khai các hoạt động như hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng miền, tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước từ lâu đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-voi-an-toan-thuc-pham-78185.html