Doanh nghiệp Việt tự tin tham gia chuỗi cung ứng

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường để bảo đảm các chỉ tiêu phát triển

9 tháng đầu năm, tại TP HCM, ngoại trừ ngành sản xuất cao su - nhựa tăng trưởng chậm lại, các ngành trọng điểm khác của TP như cơ khí, lương thực, thực phẩm, điện - điện tử, dệt may, da giày… duy trì mức tăng trưởng khá.

Nhiều cơ hội mở rộng thị trường

Cộng chung lại, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng khá (tăng 7,26% so cùng kỳ), trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 6,1%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với mức tăng của 9 tháng năm 2018. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực mở rộng thị trường để bảo đảm các chỉ tiêu phát triển.

Nhiều doanh nghiệp đã tự tiếp cận nhà mua hàng, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường

Nhiều doanh nghiệp đã tự tiếp cận nhà mua hàng, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường

Mới đây, tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 do Sở Công Thương TP HCM tổ chức, khoảng 300 cuộc kết nối trực tiếp giữa 70 DN cung ứng trong nước và 25 nhà mua hàng là DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN sản xuất đầu cuối. Nhiều DN đã tìm được đối tác tiềm năng và tiếp tục xúc tiến để đi đến ký kết hợp đồng.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực vươn lên của các DN, những giải pháp hỗ trợ DN về vốn cũng như cải thiện năng lực sản xuất… đã phát huy hiệu quả. Đến nay, tỉ lệ cung ứng sản phẩm nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã đạt hơn 30%. Nhiều DN trong nước đã tự tin chào hàng, tìm kiếm đối tác tại nhiều thị trường trên thế giới.

Đặc biệt, nhiều DN nâng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giá cả cạnh tranh, quản trị DN tốt… nên dù quy mô vừa và nhỏ nhưng rất tự tin tham gia chuỗi cung ứng. "Có rất nhiều phân khúc thị trường phù hợp với khả năng từng DN. Sở Công Thương TP HCM thường xuyên làm việc với các hiệp hội DN của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, đồng thời kết nối DN các nước làm việc trực tiếp với DN trong nước về nguồn sản phẩm đang tìm kiếm. Đây là cơ hội cho DN trong nước tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu và mở rộng thị trường cung ứng" - ông Nguyễn Phương Đông nói.

Chủ động tiếp cận chính sách hỗ trợ

Hai năm trở lại đây, Chính phủ và TP HCM có rất nhiều chính sách giúp DN công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Về vốn đầu tư, chỉ tính riêng trên địa bàn TP HCM, DN được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ dành riêng cho sản xuất công nghiệp với mức cho vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án. Một số DN đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này để đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, cải thiện năng lực sản xuất, cải tiến chất lượng… đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà sản xuất đầu cuối. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 30 DN tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều DN chưa biết hoặc chưa mạnh dạn lập đề án để tiếp cận các chương trình hỗ trợ này. "Việc thiếu chủ động hoặc tâm lý e dè khi tiếp cận cơ quan chức năng đã gây ra những hạn chế nhất định cho DN. Sở Công Thương sẵn sàng hỗ trợ DN có nhu cầu vay vốn đầu tư, cải tạo năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, sở còn phối hợp với các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối trong các chương trình đào tạo, huấn luyện cải tiến sản xuất… Các chương trình này luôn mở rộng cửa cho DN đăng ký tham gia" - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM nói và khuyến khích DN chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành và địa phương để nhanh chóng cải thiện quy mô, năng lực, công nghệ, chi phí, giá thành sản phẩm. Chỉ khi cải thiện vấn đề này thì mới có khả năng đáp ứng những đơn hàng số lượng lớn, yêu cầu cao, từ đó dần cải thiện vị trí nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, DN cần chủ động hơn trong khâu tìm kiếm đối tác, yêu cầu mua hàng. Về lâu dài, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sẽ giúp DN dần hoàn thiện và mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất; từng bước nâng cấp vị trí, vai trò của mình trong chuỗi cung ứng chung.

Bài và ảnh: Phương An

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-tu-tin-tham-gia-chuoi-cung-ung-20191013205433405.htm