Doanh nghiệp Việt trong 'dòng chảy' kinh tế số

'Nền kinh tế số' - nền kinh tế dựa chủ yếu vào sự phát triển của ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông - đang có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Do đó, các DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà phải hòa mình vào 'dòng chảy' của nền kinh tế số, cho dù phải đương đầu với không ít thử thách.

DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà phải hòa mình vào “dòng chảy” của nền kinh tế số. Ảnh: Trần Việt.

“Không lỡ chuyến tàu”

Theo thống kê của Tạp chí Forbes, nền kinh tế số toàn cầu đang có tốc độ phát triển nhanh chóng với giá trị khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm 3,8% tỷ trọng nền kinh tế toàn cầu. Tại khu vực ASEAN, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số cũng vượt kỳ vọng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 27% (so với mức kỳ vọng 20%) và đạt mốc 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP khu vực trong năm 2017; dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025. Thống kê của Google và Temasek cho biết, giá trị thị trường kinh tế số năm 2017 được đóng góp chủ yếu bởi các ngành như: Du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến… với mức dự báo đến năm 2025 sẽ đóng góp lần lượt: 76,6 tỷ USD (tăng 15%), 88,11 tỷ USD (tăng 32%), 19,5 tỷ USD (tăng 18%) và 20,1 tỷ USD (tăng 23%) tại khu vực ASEAN.

Không nằm ngoài xu thế nêu trên, khái niệm “nền kinh tế số” cũng đã được đề cập tại Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ nên việc phát triển các dịch vụ cũng như khởi sự kinh doanh liên quan đến công nghệ thông tin là một lẽ tất yếu. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm qua đã có bước phát triển tích cực, giá trị sản xuất của ngành không ngừng tăng lên qua các năm, đóng góp vào GDP hàng năm ở mức trên 0,7%. Việt Nam hiện có hơn 3.000 DN đổi mới sáng tạo (năm 2017 tăng gần gấp đôi so với năm 2016), khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang hoạt động giúp nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông, như: Viettel, FPT…

Từ những tiềm năng trên, báo cáo thường niên DN Việt Nam 2017/2018 của VCCI cho rằng, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến trong 5 năm trở lại đây có tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng dần đều trên 20%/năm, dự kiến tới năm 2020, quy mô B2C (loại hình thương mại điện tử DN-người tiêu dùng) Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD, chiếm 5% so với với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đối với công nghệ tài chính (fintech), Việt Nam cũng hứa hẹn là thị trường tiềm năng khi dư địa phát triển còn rất lớn. Tính đến năm 2017, Việt Nam mới có hơn 40 DN hoạt động trong lĩnh vực fintech, dù mới ở giai đoạn bắt đầu phát triển nhưng đã nhanh chóng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, tổng giá trị các thương vụ khởi nghiệp liên quan đến fintech tại Việt Nam đạt 129 triệu USD; tạo cơ hội cho phát triển tài chính toàn diện…

Đánh giá về cơ hội phát triển của DN, ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca cho rằng, tiềm năng thị trường thanh toán di động, thương mại điện tử trước đây đã có nhưng chưa thực sự lớn và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nên khi có quyết tâm làm “đến nơi, đến chốn”, DN nỗ lực đầu tư, nhận thức của người dân thay đổi cùng việc không có những cản trở quá lớn về chính sách, đã tạo thành thời điểm giúp các DN công nghệ của Việt Nam “không lỡ chuyến tàu” của nền kinh tế số.

Phải chuyển mình

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh. Do vậy, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực tế cho thấy, tác động của nền kinh tế số tới DN Việt Nam vẫn chưa đúng với tiềm năng và yêu cầu đặt ra. Theo ông Trịnh Duy Hoàng, Công ty Cổ phần Nghiên cứu thị trường Việt Analytics, với nhiều DN, việc ứng dụng công nghệ số vẫn còn xa lạ, thậm chí nhiều DN mới chỉ nghe nói đến công nghệ chứ chưa đưa vào ứng dụng thực tế. Nguyên nhân của tình trạng này, ông Hoàng cho rằng, bên cạnh việc các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên thiếu và yếu về năng lực tài chính, mà nguồn nhân lực, con người cũng chưa đủ năng lực để tiếp cận công nghệ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, khi bước được vào “dòng chảy” nền kinh tế số, các DN còn phải đối mặt với những thách thức về thị trường, khi nhiều DN nước ngoài đã nhận thấy tiềm năng của Việt Nam nên đã có mặt và tạo sức ảnh hưởng lên thị trường. Ngoài ra, DN còn gặp thách thức về an ninh, bảo mật; môi trường pháp lý chưa thực sự phù hợp cho nền tảng kinh tế mới, phi truyền thống; lượng khách hàng đông đảo nhưng phần lớn ở khu vực có nhiều trở ngại trong tiếp cận Internet… Lòng tin của người tiêu dùng vào mua sắm hay thanh toán trực tuyến chưa cao khi vẫn còn đâu đó những vụ lừa đảo…

Từ những khó khăn này, điều quan trọng là DN phải nhận thức được vấn đề để tìm hướng đi cho mình. Ông Trần Thanh Nam chia sẻ, DN cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên một mặt, DN phải đáp ứng các yêu cầu từ cơ quan nhà nước, mặt khác, DN phải tự nỗ lực để đi lên từ nội lực bằng việc phát triển dịch vụ và ứng dụng công nghệ mới để khách hàng giao dịch thuận tiện, nhanh chóng. Đồng quan điểm, ông Trịnh Duy Hoàng cho biết, là công ty chuyên nghiên cứu và cung cấp dữ liệu nên DN phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ “big data” (dữ liệu lớn) để thuận lợi trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu của khách hàng, đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các chính sách quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, trong khi các DN nước ngoài lại có thể kinh doanh “xuyên biên giới” vào Việt Nam, tạo thành cuộc cạnh tranh bất bình đẳng ngay tại thị trường trong nước. Do đó, các DN bày tỏ mong muốn, nhận thức của các cơ quan chức năng cần thay đổi về các mô hình kinh tế mới để đưa ra khung pháp lý phù hợp, vừa tạo điều kiện phát triển nhưng cũng vừa quản lý hiệu quả, nhất là vấn đề thu thuế. Sự kết hợp chặt chẽ và cùng vận động, chuyển mình của cả DN và cơ quan quản lý sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế truyền thống và nền kinh tế số.

Ông Dương Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VNet:

Thời đại hiện nay, DN nào không ứng dụng công nghệ thì DN ấy sẽ bị thụt lùi. Vấn đề quan trọng là việc sử dụng dữ liệu và nền tảng công nghệ như thế nào để đáp ứng yêu cầu kinh doanh của DN. Tuy theo mô hình từng DN mà có cách ứng dụng, tiếp cận công nghệ thông tin khác nhau. Nhiều năm qua, VNet đã ứng dụng công nghệ, hướng tới tự động hóa từ quá trình tiếp cận khách hàng tiềm năng cho tới chăm sóc khách hàng. DN cũng đang có kế hoạch thành lập công ty hỗ trợ các DN, ý tưởng khởi nghiệp, cùng đi cùng đầu tư, dù tỷ lệ thất bại trong lĩnh vực này tương đối cao.

Để giúp các DN tiếp cận kinh tế số tốt hơn, các cơ quan quản lý nên nhìn một cách tổng thể để xây dựng hệ thống có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của DN. Tôi hy vọng sẽ có một tổ chức để tiếp nhận thông tin từ cơ quan quản lý, DN nhằm tư vấn giúp Chính phủ và DN cách thức để thúc đẩy phát triển. Tổ chức này phải có khả năng can thiệp đến tất cả bộ, ngành nhằm hỗ trợ giải đáp cho DN khi có vướng mắc.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-viet-trong-dong-chay-kinh-te-so.aspx