Doanh nghiệp Việt trong cuộc đua công nghệ để giữ sân nhà

Theo thông tin từ Hội doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, tinh thần thâm nhập thị trường của các DN Việt thời gian gần đây đang có xu hướng giảm. Thể hiện rõ nhất là các DN đang 'co cụm' địa bàn phân phối.

Dây chuyền sản xuất sữa của Công ty CP sữa NutiFood.

Dây chuyền sản xuất sữa của Công ty CP sữa NutiFood.

Áp lực cạnh tranh từ công nghệ

Nguyên nhân, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, do hàng NK từ các nước vào nhiều nên DN phải giảm danh mục hàng hóa, tập trung cho chuyên ngành chính để cạnh tranh. Theo kết quả khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng hàng Việt là 89% và 93%. Tuy nhiên, bên cạnh tỷ lệ người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt đạt mức cao thì tỷ lệ khách hàng yêu thích và mua dùng sản phẩm ngoại nhập cũng liên tục tăng trong ba năm gần đây. Với xu thế này, có thể trong tương lai gần nhu cầu mua sắm hàng hóa tiếp tục có sự chuyển dịch. Nghĩa là, từ sản phẩm “made in Vietnam” sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,...

Dựa trên thực tế cạnh tranh trên thị trường giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm ngoại nhập, đại diện Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng đang có cuộc canh tranh gay gắt về công nghệ. DN muốn có chỗ đứng trên thị trường hay không do công nghệ quyết định. Do vậy các DN nên xem xét để khắc phục điểm yếu, đặc biệt điểm yếu về công nghệ vì thuế suất NK bằng 0%, DN ngoại có nguy cơ thắng thế bằng công nghệ.

Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho rằng, công nghệ giúp cho DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… thành công. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của DN Việt. Giai đoạn 2015 - 2025 là thời kỳ chuyển động thay đổi công nghệ. Đầu tiên là công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Tiếp đó là công nghệ sinh học rồi đến công nghệ vật liệu, công nghệ cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trẻ đang đòi hỏi nhiều tiện ích và mong muốn được phục vụ nhiều hơn từ sản phẩm. Những giải pháp cũ xưa chẳng mấy chốc lỗi thời, không làm thỏa mãn mong đợi, không có tính mới. Vì thế, kỹ thuật số đang làm thay đổi cục diện rất nhiều. “Nếu doanh nghiệp không thay đổi, có nghĩa là lựa chọn con đường đào thải từ thị trường. Bức tranh DN bị đào thải đang diễn ra từ 30 - 50% ”, ông Viên cảnh báo.

Nỗ lực áp dụng công nghệ

Trước nguy cơ tụt hậu trên thị trường, nhiều DN đã triển khai mạnh mẽ các kế hoạch đầu tư về ứng dụng công nghệ. Điển hình như Công ty PNJ áp dụng nhiều công nghệ khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Theo ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, Công ty đã sử dụng Data Analytics (phân tích dữ liệu) để phân tích và tối ưu hóa lượng hàng tồn kho cũng như lượng hàng trên đường di chuyển. Cùng với đó, PNJ cũng áp dụng công nghệ computervision kết hợp với trí tuệ nhân tạo, biến những chiếc camera an ninh trở thành những camera đọc được hành vi khách hàng cũng như hành vi của nhân viên bán hàng. Từ đó giúp chúng tôi bố trí lại quầy kệ trong cửa hàng, tạo thuận lợi cho luồng di chuyển của khách, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nhân viên cũng như sắp xếp lại ca, kíp... Bên cạnh đó, chúng tôi đang ứng dụng những công nghệ mới về tương tác giúp cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt hơn, có gắn kết giữa online và offline.

Một điển hình khác trong việc ứng dụng công nghệ là Công ty Điện Quang. Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, trong giai đoạn 2018 đến 2022, công ty xác định công nghệ là yếu tố cốt lõi. Trong 2 năm vừa qua Điện Quang tập trung đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ cung cấp cho người tiêu dùng. Tháng 7/2018, Điện Quang cho ra đời đồng thời 4 bộ giải pháp về công nghệ gồm: Giải pháp DQ Home – Nhà thông minh, giúp cho người tiêu dùng điều khiển được hầu hết các thiết bị điện trong gia đình ở mọi lúc, mọi nơi theo kịch bản được lập trước; Giải pháp Apollo - chiếu sáng thông minh giúp người tiêu dùng điều khiển được các thiết bị chiếu sáng lên đến hơn 16 triệu màu; Giải pháp Home Care, kết nối người tiêu dùng với các thợ điện và các nhãn hàng trong ngành điện, qua đó đặt dịch vụ tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt, bảo hành chỉ với 1 trạm và cuối cùng là LikeCheck- giải pháp tư vấn chiếu sáng thông qua App, ứng dụng trên điện thoại di động. Qua đó biết ánh sáng đạt yêu cầu hay chưa, cần bổ sung gì… Nhóm sản phẩm chủ lực này sẽ cung cấp sự tiện nghi, an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng

Không chỉ có các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật cao, công nghệ cũng giúp cho các hoạt động của ngành nông nghiệp trở nên hiệu quả hơn nhiều. Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May - một DN chuyên về chế biến gạo cho biết, công nghệ mới hiện là thời cơ vàng để DN như Cỏ May cảm nhận về khả năng rút ngắn nhanh cách biệt về trình độ phát triển, trên nền tảng tri thức mới.

Cụ thể, không chỉ lập phòng thí nghiệm R&D để nghiên cứu tinh chất trong cám dùng trong chế biến thủy sản, lập công ty về Tự động hóa (Automation), Cỏ May còn có công ty Cỏ May Bách Hoa chuyên về hoa kiểng ở Sa Đéc, chuyên kinh doanh sản vật địa phương kết hợp với công nghệ tự động hóa, trí thông minh nhân tạo. Một lĩnh vực khác, đã được ứng dụng, đó là công nghệ đếm cá dưới ao, sử dụng cảm biến đo được kích thước, trọng lượng cá đang bơi dưới ao. Gần đây, Cỏ May Automation đã đưa vào vận hành một thiết bị “Cân cá tự động” tại công ty chế biến thủy sản Cỏ May Imexco…

Sự nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ của các DN là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, cũng mới chỉ DN lớn áp dụng công nghệ hiện đại. Phần lớn DN nhỏ trong nước đang loay hoay với dự định này. Lý do chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư. Chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương hay Chính phủ còn khá chung chung. Trong khi đó, nhiều nước khu vực ASEAN đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho vấn đề số hóa, công nghệ. Hầu hết các nước ASEAN đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, DN địa phương trong việc số hóa để nâng năng lực cạnh tranh. Malaysia có chương trình đào tạo từ ba năm trước. Singapore có chương trình Go digital và nay là Start digital với chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Tương tự, Philippines, Indonesia đều có chính sách hỗ trợ từ vốn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là số hóa. Thái Lan có chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương...

Với tình hình của Việt Nam việc đầu tư công nghệ là không khó với DN lớn, nhưng với DN nhỏ là cả một vấn đề, bởi chi phí lớn, thời gian thực hành rất dài. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ phải là cầu nối giữa DN trong nước với các tổ chức quốc tế để tư vấn cho DN có chọn lọc đầu tư phù hợp…

Ông Đỗ Duy Hiếu, CEO Công ty Thép Việt POMINA:

Là một doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, việc đầu tư công nghệ liên quan đến máy móc thiết bị có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến tương lai doanh nghiệp. Pomina đã trang bị cho các nhà máy luyện và cán thép những dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến thế giới (EAF Consteel) với mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai sót đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam và trên thế giới.

Đồng thời, Pomina cũng rất sớm áp dụng công nghệ trong quản trị: Là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư và đưa hệ thống SAP-ERP vào vận hành từ năm 2008. Quản trị khoa học bằng điện toán đã giúp các qui trình vận hành trong nội bộ được minh bạch và đổi mới kịp thời. Hơn 10 năm đầu tư vào công nghệ, Pomina không ngừng cải tiến về công nghệ quản lý con người, quản lý dữ liệu và khai thác hệ thống dữ liệu một cách hiệu quả.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/doanh-nghiep-viet-trong-cuoc-dua-cong-nghe-de-giu-san-nha-100335.html