Doanh nghiệp Việt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Mặc dù trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang diễn ra khó lường nhưng 51% DN Việt Nam cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tới. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang rất lạc quan…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hội nhập - Xu hướng quan trọng nhất

Tại Chương trình “Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của DN” do VCCI tổ chức mới đây, Chủ tịch VCCI cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, xu hướng quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn là vấn đề hội nhập, mặc dù trong môi trường này có sự tranh chấp, đe dọa về thương mại nhưng xu hướng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Dẫn chứng về xu hướng chủ đạo này TS. Lộc cho biết, theo như lãnh đạo của nước Mỹ, họ cũng đang hướng đến thương mại tự do - một nền thương mại tự do nhưng phải công bằng. “Hiện nay DN cần tiếp tục thúc đẩy hội nhập và củng cố các nền tảng đa phương thay vì nền tảng song phương. Bởi xu hướng hội nhập vẫn là chủ đạo mặc dù có những khó khăn…”- ông khẳng định..

Chia sẻ thêm về những vấn đề của DN trong nền kinh tế hiện nay, Chủ tịch VCCI dẫn ra có số khảo sát “51% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tới” và cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra khó lường điều này cho thấy cộng đồng DN kinh doanh đang rất lạc quan.

“Việt Nam được biết đến là quán quân trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong 12 tháng tới. Với các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ thông qua trong thời gian tới mở ra kỳ vọng không gian thị trường vô tận - cơ hội để DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút đầu tư. Đây cũng là động lực để thúc đẩy Chính phủ, cộng đồng phát triển tới một môi trường kinh doanh công bằng. Chỉ có môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng mới tạo ra điều kiện tốt nhất để các DN phát triển”- TS Vũ Tiến Lộc nói.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Fulbright Việt Nam cho rằng Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung khi được đẩy lên sẽ tạo ra lợi thế cho DN Việt Nam. Ông dẫn chứng: Nếu tính từ 30/3/2018 từ ngày đầu tiên Hoa Kỳ tuyên chiến thì đồng tiền của Việt Nam giảm giá ít nhất, trong khi đó các đồng tiền khác như đồng tiền của Trung Quốc, Singapore, Brazil… đã giảm giá rất mạnh. “Đây cũng là một lợi thế của Việt Nam nếu như không muốn nói là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung không ảnh hưởng tiêu cực tới việc giảm giá của tiền đồng Việt Nam. Nó cũng cho thấy Việt Nam đã và đang ổn định vĩ mô rất tốt…”- chuyên gia này nhận định.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Chia sẻ về tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động như thế nào đối với DN chế biến gỗ, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, Mỹ là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam không chỉ riêng với ngành gỗ. Khi chiến tranh thương mại Mỹ- Trung diễn ra thì Việt Nam lợi cả 2 chiều. Thay vì mua của Trung Quốc, các DN Mỹ sẽ mua nguyên liệu, sản phẩm của Việt Nam, phía Trung Quốc không bán được hàng hóa sang Mỹ lại bán sang Việt Nam. “Đây là thời kỳ rất thuận lợi cho DN Việt Nam nói chung, DN chế biến gỗ nói riêng. Nhưng tận dụng được đến đâu là câu chuyện của từng DN…”- ông Điền chia sẻ.

“Hiện nay DN Việt Nam đang có lợi thế vô cùng lớn. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ làm dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Hai FTA lớn là EVFTA VÀ CPTPP thực hiện từ năm 2019 sẽ tạo ra cộng hưởng. Hiện tại, hàng Made in Vietnam đang được hưởng thuế suất rất tốt từ các thị trường trong hai khối này. DN đa quốc gia sẽ nhìn lợi thế đó, nếu dịch chuyển sản xuất họ còn cả thị trường rộng lớn từ các FTA. Việt Nam là cửa ngõ hàng vào Đông Nam Á, Việt Nam ký kết các FTA thì phải tự do mậu dịch với các thị trường kia. Do vậy, nước nào muốn vào Đông Nam Á thì thông qua Việt Nam là tốt nhất…”- Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), ông Huỳnh Văn Hạnh phân tích.

Cũng theo Chủ tịch HAWA, trước cộng hưởng lợi thế về thương mại, HAWA đang có tầm nhìn sắp tới Việt Nam sẽ là trung tâm đồ gỗ thế giới. “Trước đây trong tâm này nằm ở Trung Quốc, châu Âu, Đức, Ý…, giờ ló rạng ở Việt Nam và chúng ta không để mất cơ hội đó…”- ông kỳ vọng…

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-trong-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-431925.html