Doanh nghiệp Việt thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại nước ngoài

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên tới nay hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của mình.

DN thờ ơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Tại hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức ngày 7/9, ông Lê Xuân Thu, Phụ trách Bộ phận nhãn hiệu - kiểu dáng, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh- cho biết: Từ năm 1988 đến năm 2017 có 29.492 DN Việt Nam nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với 17.830 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Trong số này, đơn kiểu dáng của DN đăng ký đa phần là những sản phẩm đơn giản, như nhãn hàng hóa, bao gói, chai lọ và hộp đựng.

Theo ông Lê Xuân Thu với số lượng đăng ký kể trên cho thấy DN rất ít quan tâm tới việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm. Nguyên nhân được chỉ ra là do tuổi thọ của kiểu dáng ngắn trong khi thời gian nộp đơn đến lúc được cấp chứng nhận kéo dài. Thêm vào đó, việc thiết kế và phát triển sản phẩm trong các DN chưa được chú trọng do đa phần là DN vừa và nhỏ, sản phẩm chưa có tính cạnh tranh. Thay vì tự thiết kế sản phẩm, đăng ký bảo hộ kiểu dáng, rất nhiều DN chỉ quan tâm đến việc tra cứu, sao chép kiểu dáng có trước (không được bảo hộ của người khác)...

Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại nươớc ngoài chủ yếu vẫn là chai lọ, chén bát...

Không chỉ tại thị trường trong nước, đối với thị trường nước ngoài, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng không được DN chú trọng. Theo thống kê, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của DN Việt Nam ở nước ngoài chiếm tỷ lệ rất ít.

Đơn cử tại thị trường Hoa Kỳ chỉ có 10 kiểu dáng được đăng ký hay tại Liên minh châu Âu có khoảng 166 kiểu dáng. Các kiểu dáng đăng ký chủ yếu là xe cộ, máy móc, thiết bị điện và điện tử, chai lọ, chén bát…, tập trung vào các tên tuổi như Minh Long, Vinfast.

Nón Sơn là thương hiệu đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại nước ngoài nhưng lại không xuất khẩu chính ngạch mà chủ yếu bán qua đường xách tay.

Là một trong số ít DN đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn- chia sẻ, Nón Sơn dù đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài song sản phẩm hiện vẫn chỉ tiêu thụ nội địa là chính, việc xuất khẩu đa phần qua tiểu ngạch. “Mặc dù việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không tốn nhiều thời gian và thủ tục không quá rườm rà nhưng DN chưa thực sự thấy cần thiết với quy mô hoạt động của mình nên đã không gửi đơn đăng ký”, ông Tý nói.

Hệ thống Lahay- Giúp DN đăng ký đơn giản

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Ngọc Lâm- Phó Cục truởng Cục Sở hữu trí tuệ- cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm đến của nhiều DN, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời các DN Việt Nam cũng đã gia tăng tìm hiểu, tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có kiểu dáng công nghiệp, trở thành một nhu cầu cần thiết đối với các DN trong và ngoài nước. Sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với các tài sản trí tuệ, ở đây là kiểu dáng của sản phẩm, sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.

Các doanh nghiệp tham dự hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp”

Tuy nhiên hiện nay, các DN, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia theo những thủ tục phức tạp và nhiều khoản chi phí phát sinh. Các DN và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam. Chính những khó khăn về mặt thủ tục, chi phí này khiến cho lượng đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở mức hạn chế.

“Thực tế đó đòi hỏi cơ quan quản lý SHTT của nước ta phải xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cá nhân và Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý là một hình thức giúp DN đơn giản hóa các thủ tục, chi phí”, ông Lâm cho biết.

Theo bà Paivi Lahdesmaki- Cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay của WIPO, hệ thống Lahay được xây dựng nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế với một loại tiền tệ duy nhất, đồng thời giúp chủ sở hữu dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp của mình như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông qua một thủ tục đơn giản. Vì vậy, chủ sở hữu không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước mà mình cần bảo hộ, do đó tránh được các thủ tục phức tạp và khác nhau của mỗi nước.

Gần đây, hệ thống La Hay đã ghi nhận những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt là sự gia nhập của các thành viên có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada. Bản thân các nước ASEAN hiện nay cũng đã cam kết cùng gia nhập Thỏa ước Lahay “nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền đối với kiểu dáng công nghiệp cho người nộp đơn tại khu vực, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên thế giới”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc gia nhập Thỏa ước Lahay mang một ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ, hiện đang tiến hành các thủ tục liên quan để trình Chính phủ xin phép gia nhập Thỏa ước Lahay.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/doanh-nghiep-viet-tho-o-voi-viec-dang-ky-bao-ho-kieu-dang-cong-nghiep-tai-nuoc-ngoai-108492.html