Doanh nghiệp Việt 'thờ ơ' với thị trường ASEAN?

Sau 3 năm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan. Tuy nhiên, đến thời điểm này dường như các doanh nghiệp Việt vẫn còn quá thờ ơ và bỏ qua các thị trường này.

AEC được xem là một thị trường năng động của thế giới với không gian thị trường gần 660 triệu dân, GDP năm 2016 đạt 2.551 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trên toàn cầu và thứ 3 tại châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. Dự kiến AEC sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Đây là một thị trường rộng lớn, tiềm năng cho doanh nghiệp Việt, với việc tự do hóa thương mại trong nội khối ngày càng được đẩy mạnh, hàng rào thuế quan, phi thuế quan giữa các nước đang dần xóa bỏ, tạo ra sự luân chuyển tự do về hàng hóa, lao động, dịch vụ, thương mại, đầu tư, vốn. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường ASEAN còn rất khiêm tốn.

Khoai lang là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng tại Thái Lan

Ngày 10/10, tại Hội thảo “Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 tổ chức, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước AEC chỉ chiếm 9,8% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu (thấp hơn so với mức trung bình của AEC là 24%). Lượng nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào nước ta cũng thấp, chiếm khoảng 14% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu (mức trung bình trong AEC là 22%). Bên cạnh đó, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp Việt trong AEC không cao, dưới mức trung bình, một số lĩnh vực còn cho thấy sự giảm nhẹ trong những năm gần đây.

Trong khi đó, tận dụng các ưu đãi thuế quan từ AEC, hàng hóa các nước AEC đang xâm nhập mạnh vào thị trường nước ta. Riêng tại TP HCM, theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào TP HCM đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2016 và đã tăng lên mức 8,15 tỷ USD vào năm 2017. Hiện tại, số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu, nhập siêu từ ASEAN đang rất đáng lo ngại.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM chia sẻ thông tin tại hội thảo

Theo bà Tuệ Anh, việc không tận dụng được cơ hội, các ưu đãi, chưa khai thác hết tiềm năng trong AEC của doanh nghiệp Việt là do doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp biết về AEC cao hơn so với các FTA khác nhưng số doanh nghiệp biết rõ về AEC lại rất ít. Do thiếu thông tin nên doanh nghiệp không thể xâm nhập tốt vào thị trường các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, sản phẩm của doanh nghiệp Việt chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối còn kém, chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến và ngoại giao, chưa nắm rõ hàng rào kỹ thuật, pháp lý của các nước khu vực…

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp rất “đói” thông tin thị trường, không phải không biết mà hiểu chưa rõ, chưa tường tận nên không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu để thâm nhập được vào thị trường các nước ASEAN.

Các chuyên gia thảo luận với doanh nghiệp tại hội thảo

Trả lời cho trăn trở của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội và phát huy hiệu quả các lợi thế trong quá trình tham gia vào AEC, doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập vào các thị trường này. Trong đó, cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với các nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… vì thực tế cho thấy sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu.

Theo ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Gỗ An Cường, nên đi theo kênh đại lý vì việc mở văn phòng, thuê bán hàng… sẽ rất tốn kém, “ngốn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Và điều quan trọng là sản phẩm của doanh nghiệp phải phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng.

“Để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần xác định tâm thế khi tham gia hội nhập là chủ động và biến sức ép cạnh tranh trở thành động lực để tự cải thiện mình”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-viet-tho-o-voi-thi-truong-asean-517347.html