Doanh nghiệp Việt thiếu gì và cần gì?

Cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng nóng. Cơ chế xin - cho vẫn chưa thể khai tử. Ở góc nhìn của mình, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và ông Phạm Đình Đoàn - Phó CT Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái có những ý kiến khá táo bạo về vấn đề này.

Doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đại. Ảnh: Minh Châu

Theo ông Đoàn để doanh nghiệp (DN) hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài các giải pháp từ chính cộng đồng DN, Chính phủ cần đẩy mạnh 3 mũi tấn công chủ lực là: kêu gọi đầu tư nước ngoài kèm các điều kiện kết nối với chuỗi cung ứng trong nước; Tăng tốc giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), giảm biên chế theo hướng giảm số lượng và tăng chất lượng cán bộ công chức; Đặc biệt hơn tất cả là triệt để chống tham nhũng và lợi ích nhóm.

Chỉ 21% được vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu (XK) nước ta tăng trưởng vượt bậc, chạm ngưỡng 215 tỷ USD, tăng khoảng 21% so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2018, XK tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm ở mức trên 10%.

Tuy nhiên, phân tích rõ hơn, dù kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng cao nhưng đóng góp chủ yếu vẫn từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm hơn 70% kim ngạch XK của cả nước, trong khi sự tham gia của các DN 100% vốn trong nước còn mờ nhạt và hạn chế.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) gần đây cũng chỉ ra: Hiện mới chỉ có 21% DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, Cty Honda Việt Nam hiện chiếm khoảng 60% sản lượng xe máy tại thị trường Việt Nam, với 100 DN công nghiệp trong chuỗi cung ứng phụ trợ. Trong đó chỉ có 23 DN Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do DN trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về công nghệ, thời gian, nguồn nhân lực của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Con số 21% ở trên thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, thậm chí chưa bằng một nửa so với Malaysia. Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị vẫn ở giai đoạn đầu, chủ yếu là gia công và lắp ráp để tận dụng nhân công giá rẻ, chưa tham gia vào những khâu quan trọng hơn, cần nhiều chất xám hay hàm lượng vốn cao.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này ở chỗ thiếu vắng các DN quy mô vừa, có tính hiệu quả kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Vai trò của các khu/cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh còn hạn chế. Quá trình sản xuất của các DN Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Trên thực tế, hợp tác kinh doanh của Việt Nam với DN FDI chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%) và sản xuất hàng hóa/dịch vụ (24,8%) còn khâu phát triển sản phẩm mới gần như không có gì.

Chúng ta đang thiếu các chính sách khuyến khích và hạ tầng hỗ trợ liên kết cũng như việc đô thị hóa chưa đạt hiệu quả, chưa giúp phát triển các trung tâm kết nối kinh tế và sáng tạo dẫn đến sự “xa cách” giữa 2 khối DN này

Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia kinh tế

Bên cạnh đó, mối liên kết ngược/xuôi giữa 2 khối DN nội và FDI đang rất hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa. Tỷ lệ sản phẩm được FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI. Trong đó, phần còn lại là mua của DN FDI khác.

Một vấn đề nữa được bà Phạm Chi Lan đưa ra đó là, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: Hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp; Hoặc đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn.

Nhà nước cần kéo họ... lên bờ

Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, việc kết nối giữa DN trong nước với các DN FDI chưa cao. “DN Việt đang... dưới ruộng, chưa chịu kết nối. Nhà nước phải có các chính sách đột phá, tìm cách cho họ... lên bờ, và khi lên bờ rồi thì các DN lớn và các DN FDI có thể đưa họ lên núi được thông qua các cam kết do chúng ta đặt ra" - ông Đoàn ví von. Bài học cho thấy, Phú Thái là một Tập Đoàn đa ngành có rất nhiều các hoạt động mở rộng kinh doanh và hội nhập thành công thông qua việc hợp tác và liên doanh với các đối tác hàng đầu trên thế giới và khu vực. Có được sự kết nối này chắc chắn Phú Thái cũng phải "Môn đăng hộ đối" với họ chứ ??

Ông Phạm Đình Đoàn, PCT Hội đồng T.Ư các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam

Chặng đường để tham gia, cho đến việc tạo chuỗi cung ứng thực sự quá khó khăn với các DN nhỏ. Vị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, với trên 95% DN nhỏ và vừa, đây là bài toán rất khó đối với cộng đồng DN Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Để giải bài toán này, theo ông Đoàn, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan nhà nước bằng những hành động thiết thực như giảm thủ tục hành chính, cắt giảm ĐKKD, có chính sách cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích (như tạo điều kiện cho mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chiến lược kinh doanh, công nghệ,..) thúc đẩy các khu vực kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất…

“Chính phủ hô hào nhưng chính quyền các cấp không chịu thay đổi. Chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy hành chính được đặt ra từ nhiều năm qua, nhưng càng ngày càng có xu hướng tăng lên. Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Mỹ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức”

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn

Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Có những khoản như chi phí tiếp cận điện năng, chi phí nộp thuế rất cao so với khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các DN Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines....

Do đó, theo ông Đoàn, cùng với các giải pháp cắt giảm ĐKKD, cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ cần đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng “đi đêm, chung cho, lót tay, bôi trơn” xuất phát từ chính nhận thức của DN với lối cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng “văn hóa bao thơ” hoặc mối quan hệ để đạt được mục đích kinh doanh. Những tập đoàn lớn vẫn hay “lobby chính sách”...để loại trừ các DN nhỏ và vừa. Không chỉ làm tha hóa cán bộ, nuôi dưỡng thói cửa quyền, bệnh quan liêu, hậu quả lớn nhất của tình trạng này là làm nảy sinh tâm lý chán nản, nhụt chí kinh doanh của DN chân chính và số đông các DN khác, xâm hại đến tính minh bạch và bền vững của môi trường kinh doanh quốc gia.

Dẫu vậy, ông Đoàn tin tưởng Việt Nam vẫn đủ điều kiện để lên “Con tàu 4.0”.

ĐỨC NAM - TUẤN NGUYỄN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-thieu-gi-va-can-gi-1333882.tpo