Doanh nghiệp Việt phải vượt rào cản kỹ thuật khắt khe để vào thị trường EU

Trước yêu cầu khắt khe trong việc đưa được hàng hóa và dịch vụ vào thị trường EU, đòi hỏi các DN Việt phải thay đổi cách quản lý, đánh giá chất lượng...

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/2 đã bỏ phiếu phê chuẩn (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam. Khi có hiệu lực, các Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Song, theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, muốn tận dụng tốt cơ hội, hạn chế những thách thức từ EVFTA, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần “bắt tay” chặt chẽ, cùng nỗ lực vượt qua nhiều rào cản.

Hàng rào kỹ thuật cần lưu tâm

Thừa nhận những lợi thế của Việt Nam khi EVFTA được phê chuẩn và tiến tới có hiệu lực trong thời gian ngắn, nhưng ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) vẫn chỉ ra những áp lực, thách thức đối với ngành hàng nông sản của Việt Nam, đó là nền nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún và chưa hình thành chuỗi liên kết nên rất khó quản lý.

“Thách thức đáng kể nhất lại chính là sự cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước mà tiêu biểu nhất là trong ngành chăn nuôi. Khi các DN Việt Nam đủ lớn sẽ có đủ khả năng để cạnh tranh, còn đối với các DN có quy mô nhỏ, quy mô hợp tác xã lại là một thách thức lớn. Vì vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp cần tiếp tục củng cố phát triển hợp tác xã quy mô lớn hơn, hiệu quả tốt hơn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chỉ rõ.

 Hàng rào kỹ thuật thương mại của thị trường EU rất khắt khe.

Hàng rào kỹ thuật thương mại của thị trường EU rất khắt khe.

Đề cao vấn đề tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của Việt Nam khi được cắt giảm thuế theo quy định của EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chỉ rõ, khi Việt Nam thông thương với một trong những thị trường lớn và có năng lực cạnh tranh cao như EU, nhiều ngành kinh tế sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng.

“EU là thị trường có yêu cầu đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, đồng thời đòi hỏi về cả quy trình sản xuất ra những hàng hóa đó như thế nào…đây là điều các DN cần hết sức quan tâm”, ông Thái lưu ý.

Theo quan điểm của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), những trở ngại không nhỏ của các DN Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA chính là hàng rào kỹ thuật thương mại của thị trường EU rất khắt khe. “Thậm chí có những hàng rào kỹ thuật tưởng như không thể vượt qua được như quy trình xử lý chất thải điện tử, rác thải điện tử...”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

Cải cách thể chế là then chốt

Khi EVFTA được nhìn nhận sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng song hành với những khó khăn không nhỏ, việc làm sao để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn và tận dụng tốt nhất những cơ hội mà EVFTA là vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm và đưa ra những giải pháp hữu hiệu, thích ứng cho Việt Nam trên bước đường hội nhập mới.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng, trước yêu cầu khắt khe trong việc đưa được hàng hóa và dịch vụ vào thị trường EU, đòi hỏi các DN phải thay đổi lại cách quản lý, đánh giá chất lượng. Đặc biệt khi thị trường EU thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, các DN của Việt Nam cần phải nỗ lực hơn hết và phải được hỗ trợ hơn nữa từ phía hiệp hội, ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước…

Nhìn nhận ở góc độ năng lực cạnh tranh của DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: Tham gia EVFTA khi nền kinh tế của Việt Nam còn đang ở mức trung bình của thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Muốn vươn lên cạnh tranh với châu Âu, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, tạo ra một khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam với các nền kinh tế trong EU.

Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của Việt Nam là yêu cầu quan trọng nhất. “Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh. Làm sao phải tiếp tục có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để thực sự tạo thuận lợi cho DN, tiết kiệm chi phí hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính…”, ông Lộc nêu rõ.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu từ rất sớm.

Theo đề xuất của Chủ tịch VCCI, các cơ quan Chính phủ cần tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và tạo điều kiện về thể chế, các DN sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, có những cách thức huy động nguồn lực và sự nghiệp giáo dục đào tạo để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẽ có cách thức huy động nguồn vốn toàn dân đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng.

Đánh giá cao những động thái từ phía cơ quan quản lý nhà nước để đồng hành cùng DN tận dụng tốt cơ hội mở ra từ Hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) mong muốn, Việt Nam cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm được quốc tế thừa nhận, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng được cơ hội của Hiệp định EVFTA.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng cơ chế cung cấp, cập nhật thông tin để các DN nắm được quy định của Hiệp định EVFTA. Quan trọng hơn, để tránh trường hợp hàng hóa nước khác chuyển khẩu ở Việt Nam để hưởng những ưu đãi từ EU, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những chế tài nghiêm khắc với những DN vi phạm./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-phai-vuot-rao-can-ky-thuat-khat-khe-de-vao-thi-truong-eu-1012352.vov